Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cao Lỗ
Nỏ Liên Châu được khai quật trong mộ cổ của nước Sở thời Chiến Quốc (thế kỷ 4 TCN)

Cao Lỗ (?-179 tcn), là danh tướng thời dựng nước, người giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sáng chế ra nỏ Liên Châu.

Cao Lỗ còn gọi là Cao Nỗ, Cao Thông, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần; quê làng Đại Than, châu Vũ Ninh (nay là xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Khi còn trẻ, Cao Lỗ chăm chỉ luyện võ, có sức khỏe, có chí và tài cầm quân nên được nhân dân trong vùng gọi là Đô Lỗ. Được tin Thục Phán tìm người hiền tài để dựng nước, Cao Lỗ đã từ biệt quê hương, quyết đem tài năng ra giúp nước. Sau khi lãnh đạo nhân dân Âu Việt và Lạc Việt kháng chiến chống Tần (214-208 tcn) giành thắng lợi, Thục Phán đã hợp nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, lập ra nước Âu Lạc, lên ngôi Vua, xưng là An Dương Vương. Trở thành tướng quân thân tín của nhà Vua, với tầm nhìn chiến lược, Cao Lỗ khuyên An Dương Vương dời đô từ Bạch Hạc (nay là phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) xuống Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), nơi thuận lợi cho giao thông thủy bộ, mở mang phát triển nông nghiệp, với nguồn nhân lực dồi dào và có địa thế thuận lợi để xây dựng cứ điểm quân sự phục vụ cho mục đích phòng thủ quốc gia. Từ đó, Cao Lỗ được Nhà Vua tin tưởng giao cho toàn quyền chỉ huy quân đội và xây đắp thành lũy. Thành Cổ Loa được xây dụng trong ba năm, cấu trúc theo hình xoáy ốc, gồm ba vòng thành. Thành Ngoại có chu vi khoảng 8.000 mét, chiều cao trung bình từ 3-4 mét, bề mặt của tường khoảng 12-15 mét, chân thành rộng 12-20 mét, có ba cửa: Bắc, Đông và Tây Nam, trong đó cửa Đông thông ra Sông Hoàng. Thành Trung có chu vi 6.500 mét, tường thành cao 6-12 mét, mặt thành rộng trung bình 10 mét, có 5 cửa là Đông, Bắc, Đông Nam, Tây Bắc và Tây Nam, trong đó cửa Đông là cửa đường thủy mở lối cho một nhánh Sông Hoàng chảy vào sát chân thành; Thành Nội (nơi ở của nhà Vua) có hình chữ nhật chu vi khoảng 1.650 mét, tường thành cao 5 mét, mặt thành rộng 10 mét, chân thành rộng 20 mét, chung quanh tường có ụ đất nhô ra gọi là “hỏa hồi”. Cả ba vòng thành đều có hào ở phía ngoài, nối liền nhau và nối với Sông Hoàng tạo thành hệ thống phòng ngự liên hoàn ngăn chặn địch tiến công, tiến công quân địch và rút lui khi lâm vào thế bị bao vây. Thành Cổ Loa trở thành công trình kiến trúc đồ sộ, công trình quân sự kiên cố, đánh dấu bước tiến vượt bậc về quân sự của nhân dân Âu Lạc và trở thành thủ đô của nước Âu Lạc lúc bấy giờ.

Cao Lỗ được giao chỉ huy hướng cửa Bắc, nơi xung yếu nhất của kinh thành. Để bảo vệ đất nước và kinh thành, Cao Lỗ đã nghiên cứu, chế tạo ra một loại nỏ có tính năng và uy lực cao, đặt tên là “Linh Quang Kim trảo thần nỏ” (còn gọi là nỏ Liên Châu). Nỏ Liên Châu mỗi lần bắn ra được nhiều mũi tên; đầu mũi tên được bịt bằng đồng ba ngạnh sắc nhọn, có chuôi dài với sức xuyên mạnh, uy lực sát thương và hiệu quả chiến đấu cao, nên người đương thời gọi là “nỏ thần”, Cao Lỗ được nhân dân Âu Lạc suy tôn là “Ông Nỏ”. Cao Lỗ lệnh sản xuất hàng loạt và huấn luyện cho quân sĩ Âu Lạc sử dụng, nhờ đó lực lượng quân sự của Âu Lạc phát triển hùng mạnh, đất nước yên bình, kinh tế, văn hóa phát triển khá cường thịnh.

Ở phương Bắc năm 206 tcn, lợi dụng khi Nhà Hán suy yếu, Triệu Đà lập nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Triệu Vũ đế. Nhiều lần đem quân đánh xuống phương Nam nhằm thôn tính Âu Lạc. Năm 188 tcn, quân Triệu tiến đến Tiên Du (Từ Sơn, Bắc Ninh), núi Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh), sông Bình Giang (Sông Cầu đoạn đổ vào Lục Đầu giang). Dưới sự thống lĩnh của An Dương Vương và sự chỉ huy mưu lược của Cao Lỗ, quân dân Âu Lạc đã nhiều lần đánh bại quân xâm lược. Biết không thể chinh phục Âu Lạc bằng vũ lực, Triệu Đà lập mưu xin giảng hòa và kết tình thông gia, cho Trọng Thủy lấy Mị Châu làm vợ và ở rể tại triều đình Âu Lạc để gây chia rẽ nội bộ, lấy cắp bí mật quân sự, kế hoạch bố phòng của Âu Lạc. Biết được mưu đồ của Triệu Đà, Cao Lỗ can ngăn An Dương Vương, nhưng không thành. Năm 179 tcn, khi Cao Lỗ bị loại ra khỏi kinh thành, Trọng Thủy trốn về nước, Triệu Đà dẫn quân đánh chiếm Âu Lạc, An Dương Vương không chống cự nổi, thua chạy đến vùng biển Nghệ An, chém con gái rồi tự vẫn. Cao Lỗ đã tổ chức quân dân Vũ Ninh kháng chiến chống quân Triệu và hi sinh.

Cao Lỗ là một danh tướng tài ba, góp công lớn trong xây dựng và bảo vệ nhà nước Âu Lạc; nhà quân sự có tầm nhìn chiến lược; nhà sáng chế, phát minh ra “Nỏ thần” và thiết kế, xây dựng Thành Cổ Loa - hai thành tựu nổi bật về khoa học nghệ thuật quân sự, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về tư duy chiến lược quốc phòng của dân tộc Việt Nam trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Cao Lỗ được ghi vào lịch sử dân tộc là một nhân tài quân sự, một kiến trúc sư kiệt xuất, người phát minh sáng chế tài năng. Ghi nhớ công ơn của Cao Lỗ, nhân dân Vũ Ninh, nhân dân Cổ Loa và một số địa phương đã lập đền thờ; thị trấn Đông Anh (Hà Nội), Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) và một số địa phương ở Việt Nam có đường mang tên Cao Lỗ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nhân vật lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1987, tr. 9-17.
  2. Danh tướng Việt Nam, tập 1, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 15 -20.
  3. Trần Xuân Sinh, Việt sử kỷ yếu, Nxb Hải phòng, 2004, tr. 14 - 17.
  4. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Việt Nam những sự kiện quân sự từ buổi đầu dụng nước đến thế kỷ XV, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 40;
  5. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010
  6. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, tái bản 2017, tr. 72 - 79;
  7. Kỷ yếu hội thảo “Cao Lỗ danh tướng thời dựng nước”, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức.