Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Can thiệp nghịch lý
Viktor_Frankl(1905 - 1997)

Can thiệp nghịch lý là khái niệm được bác sĩ tâm thần người Áo Victor Frankl đưa ra để trị liệu các cơn sợ hãi, ám ảnh sợ và cơn hoảng sợ kịch phát của con người.

Mặc dù trước đó cũng đã có người nói đến kỹ thuật trị liệu nghịch lý, song hầu hết các tác giả đều công nhận rằng người sử dụng đầu tiên, có hệ thống chính là Victor Frankl (1905 - 1997), một nhà thần kinh đồng thời là bác sĩ tâm thần người Áo. Cũng chính Frankl là người khởi xướng và xây dựng liệu pháp ý nghĩa (Logotherapy) và trong liệu pháp này, ông đã sử dụng kỹ thuật can thiệp nghịch lý. Kỹ thuật này có hiệu quả cao với các cơn sợ hãi, ám ảnh sợ và cơn hoảng sợ kịch phát.

Bản chất của sợ hãi là một triệu chứng nào đó gây ra cho chủ thể sự lo ngại rằng nó có thể xuất hiện trong hoàn cảnh/tình huống tương tự. Và khi rơi vào hoàn cảnh/tình huống tương tự thì triệu chứng đó lại xuất hiện do sự lo ngại/sợ đã thường trực và thúc đẩy. Sự tái xuất hiện của triệu chứng càng tăng thêm sức mạnh củng cố cho sự sợ hãi. Các triệu chứng ở đây thường là các triệu chứng cơ thể. Ví dụ, một người cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh ở tình huống gặp một đám đông. Tim đập nhanh đồng nghĩa với đau tim, đó là điều đáng sợ. Và để ngăn ngừa sự xuất hiện tim đập nhanh - nguy cơ cơn đau tim thì cá nhân tìm mọi cách né tránh những tình huống có thể làm tim đập nhanh: không đến những chỗ đông người, không vào siêu thị, không đi xe buýt…

Khác với sợ hãi, nổi bật ở ám ảnh không phải là sự chạy trốn mà là đấu tranh với ý nghĩ. Tuy nhiên cả ám ảnh và sợ hãi đều có chung mong muốn thoát khỏi kích thích gây lo âu, căng thẳng và chính mong muốn này lại là yếu tố thường trực duy trì sự ám ảnh, sợ hãi. Và ở đây đã tạo ra vòng luẩn quẩn: ý nghĩ ám ảnh về nguy cơ bị bệnh, lo hãi và luôn muốn thoát khỏi các kích thích gây bất an. Mong muốn này lại duy trì những ý nghĩ ám ảnh và lo sợ.

Từ những kết quả tốt đẹp đối với rối loạn lo âu, ám ảnh, kỹ thuật căng thẳng nghịch lý được sử dụng mở rộng ra cho các đối tượng khác: mất ngủ; trầm cảm; các vấn đề liên quan đến bài tiết, ví dụ, đái dầm; các vấn đề liên quan đến ăn uống, ví dụ, chán ăn loạn thần kinh (anorexia nervosa) v.v…

Tuy nhiên cũng có “chống chỉ định” đối với can thiệp nghịch lý. Đó là những trường hợp có ý định và hành vi tự sát, xung đột, một số xung động…

Các kỹ thuật can thiệp nghịch lý[sửa]

  1. Cấu trúc lại (Reframing). Cấu trúc lại được xem như là một kỹ thuật nhận thức khi vấn đề của thân chủ hoặc của gia đình được định nghĩa lại theo cách khác, theo chiều hướng tích cực hơn và có thể thay đổi được.
  2. Mở rộng tích cực (Positive Connotation). Mở rộng tích cực như là một biến thể của cấu trúc lại. Ví dụ, trong liệu pháp gia đình, nhà trị liệu nói với thân chủ rằng gia đình của họ vẫn ổn. “Triệu chứng”/vấn đề của gia đình đôi khi lại cần thiết cho hệ thống lớn. Ở đây, gia đình được đưa vào tình huống hoặc là chấp nhận, hoặc từ chối nhận xét của nhà trị liệu…
  3. Chỉ định triệu chứng (Symptom Prescription). Đây là một trong các kỹ thuật nghịch lý được sử dụng nhiều nhất. Thông thường, trong quá trình thăm khám tâm lý, thân chủ kể về các biểu hiện của vấn đề mà thân chủ muốn xóa bỏ bằng sự can thiệp của nhà trị liệu. Tuy nhiên không như thân chủ kỳ vọng, nhà trị liệu lại yêu cầu thân chủ chủ động thể hiện những triệu chứng, hành vi bình thường đó. Không chỉ như vậy, thân chủ còn được đề nghị, khuyến khích kìm chế, không để thay đổi nào diễn ra. Và mặc dù có sự cổ vũ, động viên của nhà trị liệu, thân chủ không thể nào thể hiện được (các) triệu chứng đó một cách tự nhiên được nữa. Ở đây, thân chủ tiếp tục rơi vào tình huống được xem như là điển hình của can thiệp nghịch lý: tiến thoái lưỡng nan. Do có sự can thiệp của nhà trị liệu, triệu chứng cần điều trị đã không được thể hiện một cách “tự nhiên”, không còn sức mạnh như cũ và hoặc là bị phong tỏa, không còn thể hiện được. Cả hai kịch bản này, người được hưởng lợi chính là thân chủ.

Can thiệp nghịch lý trong liệu pháp gia đình[sửa]

Gia đình được xem như là một hệ thống tự điều chỉnh (Self-Regulatory System). Do vậy hành vi - triệu chứng (hành vi cần được trị liệu ở một thành viên gia đình, thường là ở con) cũng tham gia vào quá trình tự điều chỉnh của hệ thống gia đình. Cũng do sự chi phối của hành vi - triệu chứng nên một phần của hệ thống gia đình hoạt động không bình thường. Trong một số trường hợp, can thiệp trị liệu gia đình gặp phải sự “phản kháng” một cách vô thức của một thành viên nào đó trong gia đình. Căng thẳng nghịch lý cũng là một sự lựa chọn trong những trường hợp như vậy. Tuy nhiên việc lập kế hoạch cũng như lựa chọn kỹ thuật phụ thuộc đáng kể vào định hướng lý thuyết cũng như kỹ năng của nhà trị liệu.

Vấn đề đặt ra cho nhà trị liệu là can thiệp trị liệu cho một cá nhân, người có hành vi - triệu chứng hay can thiệp cùng một lúc cho một số thành viên, hoặc ở mức độ khó hơn: can thiệp vào hệ thống gia đình. Do vậy căng thẳng nghịch lý trong trị liệu gia đình thường được chia ra 3 cấp độ:

  1. Cấp độ cá nhân. Can thiệp tập trung vào cá nhân có hành vi - triệu chứng.
  2. Cấp độ liên cá nhân. Ở cấp độ này, nhà trị liệu phải có kỹ năng đưa ra những bài tập nghịch lý tréo ngoe với nhau cho một số cá nhân là thành viên của gia đình.
  3. Cấp độ hệ thống. Đây là cấp độ khó nhất. Nó đòi hỏi nhà trị liệu phải hiểu cặn kẽ hệ thống các mối quan hệ trong gia đình. Trên cơ sở đó, lựa chọn kỹ thuật và thiết kế quá trình căng thẳng nghịch lý có hiệu quả.

Một số vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Kỹ thuật căng thẳng nghịch lý được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt trong trị liệu gia đình vào những năm 1980. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp.

Khác với các kỹ thuật can thiệp khác, trong quan hệ trị liệu ở can thiệp nghịch lý, nhà trị liệu giữ vị thế nổi trội. Khi quyền lực nằm trong tay nhà trị liệu nhiều hơn thì nguy cơ lạm dụng cũng tăng lên. Việc chỉ định triệu chứng có phải là sự cưỡng ép đối với thân chủ? Thân chủ không thể hiểu tại sao họ phải làm chính cái điều cần loại bỏ? Trong khi đó, thì thân chủ không được giải thích về cơ chế tác dụng.

Với góc độ là một kỹ thuật trị liệu, không thể khẳng định rằng mọi trường hợp (có hoặc dùng kỹ thuật can thiệp nghịch lý) đều chắc chắn thành công. Vậy điều gì sẽ xảy ra, ví dụ, thân chủ có hiện tượng mất ngủ đã “thực hiện tốt” bài tập chỉ định triệu chứng của nhà trị liệu?

Trong cả hai trường hợp, thân chủ hoàn thành tốt hoặc phản kháng thực hiện yêu cầu của nhà trị liệu thì cũng đều ảnh hưởng xấu đến quan hệ trị liệu giữa nhà trị liệu và thân chủ.

Có thể còn có những lý do khác nữa nhưng trong mấy thập kỷ gần đây ít có những thông báo về việc sử dụng kỹ thuật căng thẳng nghịch lý trong trị liệu tâm lý cá nhân cũng như trị liệu tâm lý gia đình.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Weeks G.R., L’Abate L., Paradoxical Psychotherapy: Theory and Practice with Individual, Couples, and Families, Brunner/Mazel Publishers, NY, 1982.
  2. Hersen M., (Editor-in-Chief, 2002), Encyclopedia of Psychotherapy, Academic Press, 2002, pp. 331 - 339.
  3. Minuchin S., Fisman H.S., Family therapy techniques, Harvard University Press, 2002, pp. 244 - 261.
  4. Craighead W.E., Nemeroff C.B, The Concise CorsiniEncyclopedia of Psychology and Behavioral Sciences, 3rd Ed., John Wiley & Sons, Inc., 2004, pp. 659 - 662.
  5. Matsumoto D., (General Editor), The Cambridge Dictionary of Psychology, Cambridge University, 2009, pp. 360.
  6. VandenBos G.R., (Editor in Chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 412.
  7. Makover R.B., Basics of Psychotherapy A Practical Guide to Improving Clinical Success, APA Publishing, 2017, pp. 51 - 52.