Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Can thiệp khủng hoảng

Can thiệp khủng hoảng là các tác động hay chương trình trị liệu tâm lý ngắn hạn được thực hiện cho các đối tượng có liên quan đến khủng hoảng, có mục đích ngăn ngừa các vấn đề tâm lý có thể nảy sinh sau khủng hoảng.

Khái niệm can thiệp nói chung trong tâm lý học được hiểu là các tác động của các nhà chuyên môn (nhà tâm lý học lâm sàng, nhà tham vấn, công tác xã hội...) đến thân chủ nhằm tạo ra các thay đổi mang tính tích cực trong tâm lý của thân chủ. Khái niệm căng thẳng khủng hoảng được dùng để đề cập đến những tiếp cận trị liệu khác nhau được sử dụng trong những tình huống có tính kịch tính, nguy hiểm và hết sức đa dạng. Đặc trưng chung của dạng can thiệp này là thời gian trị liệu ngắn và tập trung vào việc cải thiện các rối loạn tâm lý cấp tính hơn là chữa trị các rối loạn tâm thần lâu dài. Có thể kể đến các ví dụ cho căng thẳng khủng hoảng như: đường dây nóng ngăn chặn tự tử hay can thiệp các khủng hoảng sức khỏe tâm thần liên quan đến các bệnh viện hoặc can thiệp các thảm họa sức khỏe tâm thần của cộng đồng.

Chương trình căng thẳng khủng hoảng có cơ sở lý thuyết là các vấn đề sức khỏe cộng đồng và các thành tố có khả năng ngăn ngừa rủi ro trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Hai nhà tâm thần học có lý thuyết về khủng hoảng ảnh hưởng rất lớn đến căng thẳng khủng hoảng là Erich Lindemann and Gerald Caplan. Các tác giả này cho rằng khi con người rơi vào trạng thái khủng hoảng, họ lo hãi, sẵn sàng tiếp nhận sự trợ giúp và có động cơ để thay đổi. Các nhà chuyên môn tin rằng khi cung cấp các hỗ trợ và hướng dẫn cho những người trong khủng hoảng sẽ ngăn ngừa được các vấn đề sức khỏe tâm thần kéo dài sau này.

Đường dây nóng căng thẳng khủng hoảng hay ngăn ngừa tự tử, cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho cá nhân trong tình huống nguy cấp. Thông thường những người trực các đường dây cung cấp sự hỗ trợ là vô danh, cá nhân trong nguy cấp có thể tìm đến mà không e ngại như trong tương tác trực tiếp (mặt đối mặt). Đa số các đường dây nóng được vận hành bởi những người tình nguyện được giám sát bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Thông thường, đường dây nóng không cung cấp các tác động trị liệu trực tiếp. Người tự tử khi gọi đến sẽ được cung cấp thông tin về việc làm thế nào tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong cộng đồng. Sau đó một số trung tâm có thể có các khuyến cáo gặp các bác sĩ. Nếu người tình nguyện cảm thấy người gọi điện đang trong tình huống nguy hiểm thì họ có thể không giữ bí mật về thân chủ mà có thể chia sẻ với những người có khả năng hỗ trợ khác. Sau đó, những chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ gọi lại cho thân chủ để can thiệp. Mặc dù các đường dây nóng có rất nhiều nhưng có thực sự giảm được tự tử hay không thì chưa được chứng minh rõ ràng. Một số nhà nghiên cứu e ngại rằng những người gọi đến chưa phải là những người ở trong tình trạng rủi ro nhất.

Can thiệp các khủng hoảng liên quan đến bệnh viện thường được diễn ra liên quan đến việc điều trị cho những người có tình trạng khẩn cấp về tâm thần bộc lộ trong khủng hoảng. Mục tiêu của can thiêp này thông thường là làm bình thường hóa một số hành vi quá khích. Đó là những trường hợp như bệnh nhân tự tử, giết người, bạo lực hoặc có các phản ứng nghiêm trọng do nghiện chất - gọi chung là các trường hợp khẩn cấp về tâm thần. Trị liệu được tiến hành thường là dưới hình thức dùng thuốc hướng thần cùng với kế hoạch trị liệu ngoại trú.

Một số can thiệp khủng khoảng diễn ra trong các sự kiện hay tình huống khủng hoảng ở cộng đồng, bao gồm bình ổn hóa sức khỏe tâm thần sau khi máy bay rơi, thảm sát trong trường học, thảm họa tự nhiên và các sự kiện gây chấn thương khác ảnh hưởng đến nhiều người.

Các nhà chuyên môn sẽ thực hiện các quy trình ngăn chặn để tránh những rối loạn tâm thần có thể xuất hiện sau sự kiện khủng hoảng. Ví dụ ngăn chặn căng thẳng sau sang chấn.

Nổi bật nhất trong số đó là Báo cáo tâm lý hoặc Báo cáo các căng thẳng trong sự kiện khủng hoảng (CISD- critical incident stress debriefing) (xuất phát trong quân đội). Cá nhân được khuyến khích hồi tưởng lại thời điểm bị tổn thương, bởi vì các nhà lâm sàng khi sử dụng phương pháp này có niềm tin rằng trải nghiệm lại các xúc cảm sẽ giúp dễ làm lành vết thương và ngăn ngừa được các rối loạn tâm lý. Rất tiếc, kỹ thuật đó dựa trên giả định của các nhà lâm sàng, hơn là dựa trên các bằng chứng nghiên cứu. Hiệu quả của kỹ thuật này chưa được chứng minh.

Một số nghiên cứu về kỹ thuật trải nghiệm lại các cảm xúc khi bị tổn thương gợi ý rằng chúng ta cần cẩn trọng về việc sử dụng kỹ thuật đó. Nghiên cứu mới đây ở châu Âu cho thấy dạng tham vấn đó thường không đem lại kết quả mà thậm chí còn làm mọi việc diễn biến xấu hơn.

Có khả năng rằng khi sử dụng kỹ thuật này, nạn nhân được tập trung và nhấn mạnh vào sự kiện gây đảo lộn hơn là nâng cao khả năng bên trong của họ để giúp họ vượt qua thách thức. Nói cách khác, CISD có thể làm con người cảm thấy tệ hơn vì buộc họ phải suy nghĩ về khả năng ứng phó của mình. Các nghiên cứu đó cung cấp sự nhắc nhở rằng can thiệp tâm lý có thể mang tính trực giác, đồng thời có thể có tác dụng phụ. Rất cần lưu ý rằng can thiệp cần dựa trên các nghiên cứu đánh giá có cơ sở nếu không có thể mất công sức và làm hại con người.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology; Brumfield, M.L., 1999.
  3. Bonnie, R. Strickland, The GallEncyclopedia of Psychology, Executive editor, Gale group, 2001.
  4. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  5. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.
  6. Charler Spielbeger (editor - in chief), Encyclopedia of Aplieded Psychology, Elsvior Academic press, 2012.