Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ca trù

Ca trù có nghĩa là hát thẻ, “trù” làm bằng tre, trên có ghi mức tiền thưởng dành cho người hát. ca trù là một thể loại nhạc hát truyền thống của người Kinh (Việt) do một ca nương trình diễn, đồng thời đảm trách (chơi) phách. Các nhạc cụ đệm cho ca trù, ngoài cỗ phách còn có một đàn đáy do nam nhân (kép) đảm trách và một người đánh trống chầu loại nhỏ. Nếu là một diễn xướng ca trù có hát, múa, ngoài đàn đáy và phách còn có sáo, nhị, chũm chọe và một số trống cùng hòa tấu.

Tên gọi sớm nhất của ca trù là hát ả đào với nghĩa tôn vinh người phụ nữ theo nghề ca hát. Sau gọi là hát cô đầu do có lệ cung dưỡng thầy dạy một khoản tiền trích ra mỗi khi ca nương đi hát ở đình- đám, gọi là tiền đầu. Tiếng “cô” đồng nghĩa với “ả” được dùng thay thế và “đầu” dùng thay “đào”, hợp lại thành “cô đầu”. Tên gọi này có ý ca ngợi người thày giỏi có nhiều trò (mà có nhiều tiền “đầu”). Tên khác nữa là ca công, một danh từ chỉ nghề nghiệp chuyển thành danh từ chỉ thể loại, cũng hàm ý chỉ âm nhạc giáo phường. Ca trù còn được gọi là hát cửa đình, hát cửa quyền, hát nhà trò, hát nhà tơ (ty).

Lịch sử ra đời[sửa]

Một buổi hội diễn ca trù: bà Phó Thị Kim Đức - ca nương hát chính gõ phách, kép bên tay phải chơi đàn đáy, quan viên bên trái đánh trống chầu

Ca trù có từ thế kỷ XV, thần tích Giáo phường tổ sư (soạn năm 1476) đã cho biết, ca trù được tạo ra bởi vợ chồng Đinh Lễ, Bạch Hoa (hay Đinh Dự, Đường Hoa) ở làng Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Khi Đinh Lễ qua đời, Bạch Hoa phát tán gia sản rồi mở lớp dạy con em trong làng hát múa. Khi bà mất, đệ tử nhớ ơn lập đền thờ, gọi là đền Tổ cô đầu hay đền Bạch Hoa công chúa... Giáo phường ca trù chọn ngày tế Tổ vào 11 tháng Chạp âm lịch (thường diễn ra từ 10-12 tháng Chạp), ngoài nghi thức tế bái, đào kép phải trình tấu hai khúc ca Non mai và Hồng hạnh, tương truyền là hai bài hát do bà Bạch Hoa tạo ra.

Hơn nữa, qua tìm hiểu dòng họ ca công ở làng Bàn Thạch (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng cho biết thêm về thời điểm ra đời ca trù. Đó là, nhờ giúp vua Lê chống giặc Minh đầu thế kỷ XV, dòng họ ca công này được ban quốc tính, đổi sang họ Lê. Nhiều ca nương kép đàn ở Bàn Thạch từng gia nhập vào đội ca hát của cung đình thời Lê sơ. Bà Tổ của giáo phường Bàn Thạch được nhà vua sắc phong, cho lập đền thờ làm thần thành hoàng làng. Hay, tên gọi “ca trù” thấy xuất hiện trong bài thơ của tiến sĩ Lê Đức Mao (1462-1529) được chép trong gia phả họ Lê ở Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), dùng hát lễ thành hoàng làng tại đình Đông Ngạc được dựng trước năm 1500. Trong thơ, chiếc trống chầu cũng được nhắc tới khi thưởng, phạt (khen, chê) đào nương qua “thẻ” (trù) được ném ra hoặc không sau tiếng trống chầu. Từ đó có lệ thưởng hay thướng đào như một cách đánh giá chuẩn mực nghệ thuật trong lối hát của đào nương.

Những chạm khắc thế kỷ XVI cho biết sự phổ biến của ca trù lúc này, nhất là trong thực hành tín ngưỡng (với hát cửa đình). Đó là, hình người nam, nữ cầm đàn đáy được chạm tại đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Ninh), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), chùa Cói (Tam Đường, Vĩnh Phúc),... Những ngôi đình được dựng vào thế kỷ XVII cũng có hình người cầm đàn đáy, như đình Đại Phùng (Đan Phương, Hà Nội), đình Hoàng Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), đình Xốm (Phong Châu, Phú Thọ). Với đền Tam Lang (Can Lộc, Hà Tĩnh), đền Lê Khôi (Thạch Hà, Hà Tĩnh) dựng vào thế kỷ XVIII, hình chạm không chỉ có người cầm đàn đáy mà còn có hình người múa với trang phục khá kiểu cách, biểu diễn cùng đàn đáy, phách, sáo, trống cơm, chũm chọe.

Phương thức lưu truyền[sửa]

Ca trù thường truyền nghề theo dòng họ, các ca nương sinh ra trong gia đình có truyền thống ca trù được gọi là “cô đầu nòi”. Người ngoài nếu muốn theo học thường phải xin làm con nuôi một người trong họ nghề mới được giáo phường công nhận. Bên cạnh học âm nhạc theo yêu cầu chung, các ca nương còn phải học múa và các kiến thức về thơ, văn. Để trở thành ca nương hay kép đàn ca trù, họ phải trải qua một quá trình đào tạo bài bản qua hình thức truyền khẩu. Một ca nương thường phải học hát ít nhất từ 3- 5 năm dưới sự truyền dạy khắt khe của một ca nương kỳ cựu trong giáo phường. Khi “tốt nghiệp”, đào nương phải thông qua “sát hạch” của thày dạy, của ông trùm và những ca nương giỏi của giáo phường. Trước khi “sát hạch”, ca nương trẻ phải thực hiện nghi lễ tế Tổ nghề và lễ thần tại đình làng mà giáo phường mình theo học đang phụ trách, gọi là lễ mở xiêm y.

Mặc dù ca trù lấy giọng nữ làm trọng, việc học hát của ca nương rất được chú ý, nhưng kép đàn cũng phải trải qua quá trình khổ luyện mới có thể chơi đàn đạt độ điêu luyện. Các kép đàn phải làm sao có được tiếng đàn ứng hợp với nhịp phách và giọng hát của ca nương. Kép đàn giỏi không chỉ đàn hay mà tiếng đàn còn có thể nâng đỡ giọng hát của ca nương. Hay, người đánh trống chầu đầu tiên là người thưởng thức tự ứng diễn, có khi là tác giả bài hát (thi sĩ, văn nhân), quan viên hoặc người am hiểu ca trù. Tiếng trống chầu đòi hỏi phải khớp với “khổ đàn, khổ phách” khi quyết định tung thẻ (thưởng) như một thẩm định nghệ thuật. Sự chuyên nghiệp này làm người chơi trống chầu sau này thành “nhạc công” chính thức trong diễn xướng ca trù.

Hoạt động biểu diễn[sửa]

Về việc tổ chức hoạt động ca trù, văn bia thế kỷ XVII- XVIII được tìm thấy ở nội đô Hà Nội (11 bia), Quốc Oai (10 bia), Phúc Thọ (8 bia), Thạch Thất và Đan Phượng (mỗi nơi 6 bia), Lập Thạch (Vĩnh Phúc, 19 bia) đã cho biết. Ty giáo phường ca trù được lập nên ở cấp huyện, giáo phường được lập ở cấp xã, giáp hoặc dòng họ lớn. Đứng đầu các cấp tổ chức này có thể là ông trưởng hay ông trùm, câu đương (chủ quản), quản giáp. Giáo phường quản lý toàn bộ hoạt động ca trù và có mối quan hệ chặt chẽ với địa bàn hoạt động. Các ông trùm hay quản giáp thường họp cùng nhau để quyết định việc giữ hoặc điều phối, sang nhượng nơi trình diễn (đình, đền), phân bổ tiền công, việc trình nghề và tôn vinh nghệ nhân truyền nghề. Những thác bản văn bia thế kỷ XVII- XIX cho biết về văn khế, khế ước mua bán lệ hát, điều lệ giao kèo giữa giáo phường và làng xã. Quy định khá nghiêm ngặt và gắn liền với phong tục mỗi làng quê mà giáo phường đảm nhiệm, trở thành lệ được duy trì nhiều đời.

Có nhiều hình thức diễn xướng ca trù, ca trù đầu tiên dùng để hát lễ ở đình (hát cửa đình, hát thờ), có lề lối, trình thức và hệ thống bài bản riêng (như giáo trống, giáo hương, dâng hương, thét nhạc, hát giai, đọc phú, thổng, dồn, hát múa đại thạch,..). Khi thực hiện, trang phục đào kép phải chỉnh tề, điệu bộ phải trang nghiêm, lời hát không được “phạm húy” (trùng tên) thần linh, giọng hát không quá to nhưng dõng dạc để đám đông có thể nghe, không hát những bài tình tứ và có những bài hát chỉ dành cho nam giới như hát giai. Khi hát thờ, nghệ thuật âm nhạc không quá thiên về sự tinh tế mà chủ yếu là tạo ra tính thiêng. Các ca nương còn trình diễn cả múa, như: múa bỏ bộ, diễn tả các động tác như quay tơ, dệt vải, nhổ mạ, cấy lúa, luyện gươm tập súng, hay các trò ông Xốm, thằng Ngô, mụ đĩ,...; múa bài bông (hay vũ hoa, vũ bông). Bên cạnh đàn đáy còn có nhị, sáo, chũm chọe cùng một số loại trống, phách cùng trình tấu để đệm cho múa. Do đó, hát cửa đình là một cuộc trình diễn có quy mô lớn nhất của nghệ thuật ca trù.

Ca trù còn có hình thức hát thi, thường được tổ chức ở đình vào ngày lễ nhập tịch (vào đám) ở hội làng, đôi khi vào dịp nông nhàn. Làng sở tại sắp đặt mọi việc, cử người am hiểu lên đánh trống chầu (như hình thức đánh giá chất lượng nghệ thuật). Các “thí sinh” phải thể hiện được cả nghệ thuật phục vụ nghi lễ và giải trí. Họ trình bày gần như toàn bộ bài bản ca trù đồng thời với múa và trò diễn, do đó, cuộc thi có thể kéo dài tới nửa tháng. Cuộc thi không chỉ yêu cầu đàn hát hay nhất, mà còn cả nhan sắc và đức hạnh. Các nghệ sĩ ca trù muốn thành danh thường tham gia thi để chứng tỏ đã thông thạo lề lối cũng như am hiểu tường tận nghệ thuật trình diễn. Những người đoạt giải sẽ được giáo phường cử vào cung trình diễn khi triều đình yêu cầu, danh tiếng của họ được nâng cao hơn và được trọng vọng.

Ngoài hát thờ ở đình và hát thi vào ngày hội thì từ thế kỷ XVII, ca trù được yêu thích và phổ biến trong đời sống xã hội, người ta mời đến hát thờ ở các tư gia, hát trong tang lễ hay hát chơi. Giới nhà giàu hay tầng lớp quan lại có thể mời phường ca trù về nhà để tiếp khách, hát mừng tiệc cưới, chiêu đãi khi nhậm chức hay đỗ đạt, trở thành hình thức hát nhà tơ (có sự kết hợp với múa và trò diễn). Sự yêu thích ca trù còn lan tới triều đình trở thành hình thức hát cửa quyền, được thấy qua giai thoại chúa Trịnh Cương (ở ngôi năm 1709-1729) đón ca nương 21 tuổi Nguyễn Thị Huệ vào cung sau một lần bà hát trong cung, rồi phong bà là Ngọc Kiều phu nhân. Sau, bà được lập đền thờ ở 82 phố Hàng Trống (Hà Nội). Ngoài cung đình, ca trù cũng gắn bó với giới trí thức, như giai thoại ca nương họ Nguyễn quê ở huyện Chương Đức đến Thăng Long đàn hát đã gặp và quý mến một thư sinh quê Hải Dương, giúp chàng tiền của để ăn học, sau đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1727,... ca trù còn được dùng trong các buổi tiếp khách nhà nước như văn bia năm 1734 phản ánh, rằng giáo phường An Thanh ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) từng được mời về kinh hát xướng để tiếp đón sứ bộ các nước.

Môi trường tín ngưỡng, nghệ thuật và nhu cầu xã hội đã thúc đẩy ca trù phát triển, thể cách hát nói và hát nói mưỡu với nhiều biến thể xuất hiện và trở nên phổ biến vào thế kỷ XIX đã đưa nghệ thuật ca trù tới đỉnh cao trong cách biểu diễn chuyên nghiệp và nghệ thuật thanh nhạc. ca trù dần trở thành thú chơi nghệ thuật sang trọng và tao nhã của tầng lớp trên trong xã hội. Nhiều vị quan, nho sĩ tài danh đã tham gia viết thơ, văn làm lời hát cho ca trù như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Dương Lâm, Chu Mạnh Trinh,.... Tới đầu thế kỷ XX, nhiều giáo phường ca trù chuyển ra đô thị hoặc trung tâm tỉnh lỵ, dọc đường quốc lộ để mở Nhà hát Cô đầu như ở Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... Vào cuối thế kỷ XX, người ta đã tổng kết được có tới 50 “tiết mục” trong diễn xướng ca trù (gồm cả hát, múa, trò diễn). Các tiết mục được sắp xếp thành hệ thống bài bản riêng theo tính chất hay môi trường diễn xướng, như hát lễ thần, hát thi, hát chơi,...

Các Nhà hát cô đầu không chỉ có các ca nương, kép đàn mà còn xuất hiện các “cô đầu rượu” là những người được đào tạo chuyên để tiếp rượu khách đến thưởng thức ca trù. Họ được học một số bài ca trù đơn giản để hát khi tiếp rượu khách, được tập luyện rót rượu giống với động tác múa, am hiểu ẩm thực. Năm 1938, Hà Nội (cổ) có tới 216 nhà hát và gần 2000 cô đầu tập trung ở Hàng Giấy, ấp Thái Hà, Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, Vạn Thái, Chùa Mới, Cầu Giấy, Kim Mã, Gia Quất, Văn Điển, Thường Tín,... Ca quán ả đào ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở là những địa điểm gắn với tên tuổi nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Tản Đà, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương,... Khâm Thiên lúc đó được xem như “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”, hầu hết các nhà văn, nhà thơ đều có mối quan hệ khá thân thiết với các ca nương. Những năm trước 1945, đào kép ca trù của Nam Định, Thanh Hóa còn vào kinh đô Huế hát chúc thọ Hoàng đế. Thi sĩ hoàng tộc là Ưng Bình Chúc Giạ Thị đã sáng tác nhiều bài thuộc thể hát nói cho ca trù.

Từ 1954 đến nay[sửa]

Sau năm 1954, ca trù bị xem là tàn dư độc hại của xã hội cũ nên bị cấm trình diễn. Nhiều ca nương phải bỏ nghề, có ca nương chuyển sang ngâm thơ (Quách Thị Hồ), hát chèo (Phó Thị Kim Đức),... các giáo phường tan rã, ca trù dường như biến mất khỏi đời sống văn hóa nghệ thuật tuy có được giới thiệu trên đài phát thanh cùng với các thể loại âm nhạc truyền thống khác.

Năm 1976, nhạc sĩ Trần Văn Khê thu âm tiếng hát ca trù của Quách Thị Hồ (1909- 2001) để giới thiệu với thế giới. Bà vốn là một ca nương nổi tiếng Hà Nội, từng là chủ nhà hát Vạn Thái ở phố Bạch Mai và được xem là ca nương đại diện của Ca trù thế kỷ XX. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc của UNESCO đã trao bằng danh dự cho bà vì công lao trong bảo tồn nghệ thuật ca trù. Sau khi đạt hạng cao nhất tại cuộc thi Âm nhạc Quốc tế tổ chức ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 1988, có 29 nước tham gia, bà được nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Cùng với Quách Thị Hồ, một số ca nương và kép đàn nổi tiếng khác đã âm thầm giữ nghệ thuật ca trù, dần khôi phục nó trong sự nhìn nhận thấu đáo của xã hội Việt Nam khi bước vào thời Đổi mới từ năm 1986, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội ra đời năm 1991, Ca trù Ca trù Thái Hà- Hà Nội ra đời năm 1998 trên cơ sở họ nghề (có nhà thờ Tổ Ca công).

Các Hội thảo và Liên hoan ca trù được tổ chức ở những trung tâm: Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) năm 1998, Hà Nội năm 1999, Liên hoan ca trù mở rộng được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) năm 2000 tụ họp những người hát ca trù của 14 tỉnh thành ở miền Bắc, hội thảo ở Thanh Hóa năm 2005. Năm 2006, điều tra của Viện Âm nhạc (thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết còn 18 nghệ nhân trong độ tuổi 80- 90 là những người cuối cùng trong những ca nương, kép đàn từng tham gia các giáo phường ca trù xưa kia ở các tỉnh, thành Bắc Bộ. Trong đó, những nghệ nhân như Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc, Phạm Thị Mùi, Nguyễn Thị Hào, Chu Văn Du, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỷ, Đinh Khắc Ban, Nguyễn Phú Đẹ.... đã nhiệt tình tham gia vào việc đào tạo thế hệ ca nương, kép đàn mới. Từ đó ra đời các câu lạc bộ ca trù ở 16 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Tháng 10-2009, ca trù được Unesco ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sau đó, việc bảo tồn và phát triển ca trù được thực hiện ở nhiều hình thức khác nhau như mở lớp đào tạo, tập huấn cho các nghệ sĩ trẻ, thi ca trù, củng cố và mở rộng các câu lạc bộ ca trù, phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Dân gian,... Nhưng các hình thức và môi trường diễn xướng truyền thống khó hồi phục, dù kép đàn nổi tiếng là Nguyễn Phú Đẹ (1923- 2019) đã giúp phục dựng hình thức hát cửa đình cho câu lạc bộ ca trù Hải Dương.

Tháng 11/2018, Liên hoàn ca trù Toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Tĩnh, có 15 tỉnh, thành phố tham gia: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và thành phố Hồ Chí Minh. Các thể thi cách bắt buộc gồm: giáo hương, dâng hương, hát giai, thét nhạc, gửi thư, bắc phản, mưỡu- hát nói, tỳ bà hành, nhịp ba cung bắc, ngâm thơ cô đầu, ả phiền 36 giọng, hát đò đưa, hát múa bài bông, hát múa bỏ bộ, hát múa chúc hỗ... Cuối năm 2020, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã cho thực hiện thực nghiệm: “Hiệu chỉnh khuôn thước âm luật và bài bản tại các câu lạc bộ ca trù Hải Phòng”, tại Hàng Kênh (Hải Phòng), theo phương pháp mô hình hóa khổ phách, khổ đàn của ca trù để truyền dạy dễ dàng hơn và dễ tiếp cận với công chúng. ca trù đang bước vào chặng đường mới trong việc tìm kiếm nghệ nhân kế truyền, việc phổ cập kiến thức về ca trù và môi trường thưởng thức đương đại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Huy Trâm, Khảo sát hát Ca công ở Thanh Hóa, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002.
  2. Trần Thị Kim Anh, “Ca trù qua một số khế ước và điều luật”, in trong Đặc khảo Ca trù Việt Nam (Nhiều tác giả), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006, tr. 36- 58.
  3. Nguyễn Xuân Diện, “Về lịch sử và sự phát triển Ca trù Việt Nam”, in trong Đặc khảo Ca trù Việt Nam (Nhiều tác giả), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006, tr.13- 35.
  4. Bùi Trọng Hiền, “Không gian văn hóa- các chức năng văn hóa xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật Ca trù”, in trong Đặc khảo Ca trù Việt Nam (Nhiều tác giả), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006, tr. 59- 109.
  5. Vũ Nhật Thăng, “Âm nhạc ca trù”, in trong Đặc khảo Ca trù Việt Nam (Nhiều tác giả), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006, tr. 110- 159