Cửa mở là đoạn vật cản trước tiền duyên phòng ngự của địch đã bị tháo gỡ hoặc làm mất tác dụng, để lực lượng tiến công tiến vào công kích mục tiêu.
Phá vỡ vật cản, mở cửa để đưa lực lượng vào công kích mục tiêu bên trong, được hình thành trong các trận chiến đấu từ thời cổ xưa (thế kỷ V - thế kỷ I, trước công nguyên), đến thế kỷ XVI - XIX, khi mìn và các phương tiện vật cản phát triển, được sử dụng để tăng cường độ vững chắc cho phòng ngự, vấn đề mở cửa càng được chú trọng trong chiến đấu tiến công. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất và chiến tranh thế giới lần thứ Hai, các trận tiến công địch phòng ngự có công sự vật cản vững chắc, đã được các bên tham chiến nghiên cứu về các biện pháp mở cửa để đưa các lực lượng bộ binh, xe tăng, pháo binh đi cùng vào tiến công các mục tiêu bên trong. Ở Việt Nam, cửa mở có lịch sử hình thành, phát triển cùng với sự ra đời, phát triển của các trận tiến công địch phòng ngự bằng đột phá, Trong kháng chiến chống Pháp, mở cửa được vận dụng trong chiến thuật đánh công kiên, điển hình là các trận đánh cứ điểm Đông Khê trong chiến dịch Biên giới 1950, trận Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954… Trong kháng chiến chống Mỹ, mở cửa được vận dụng phổ biến trong tiến công các cứ điểm, căn cứ phòng ngự của địch phòng ngự có công sự, vật cản vững chắc, phức tạp, rút ra những kinh nghiệm quý báu về thời cơ, lực lượng phương pháp, tổ chức hỏa lực chuẩn bị bảo đảm cho mở cửa, góp phần phát triển lí luận đột phá phòng ngự địch trong chiến đấu tiến công.
Tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp tác chiến, để xác định các loại Cửa mở, thường có: Cửa mở cho bộ binh; cho xe tăng, xe thiết giáp; cho đặc công… Vị trí, số lượng Cửa mở do người chỉ huy xác định khi hạ quyết tâm tác chiến. chiều rộng cửa mở phụ thuộc đặc điểm của lực lượng, phương tiện đưa vào đột phá địch phòng ngự. Cửa mở cho bộ binh, thường do các đơn vị bộ binh tự mở cửa trong giai đoạn hỏa lực chuẩn bị, thực hành mở cửa và đánh chiếm đầu cầu trước khi bộ binh thực hành xung phong đánh chiếm các mục mục tiêu bên trong; vị trí cửa mở được chọn trên các đoạn đột phá, nơi bất ngờ, có điều kiện tiếp cận để mở cửa nhanh, hạn chế tổn thất lực lượng, thuận tiện cho bộ binh vào đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu. Cửa mở cho xe tăng, thiết giáp thường do lực lượng công binh của cấp trên đảm nhiệm, tùy theo quy mô sử dụng xe tăng, thiết giáp để xác định số lượng cửa mở cho phù hợp, một đại đội tăng cần 2 – 3 của mở, tiểu đoàn tăng cần 3 – 4 cửa mở, chiều dài cửa mở bằng chiều dày của lớp vật cản, chiều rộng một cửa mở bảo đảm cho 1- 2 chiếc xe tăng cùng cơ động vào đột phá. Cửa mở cho đặc công, thường do lực lượng đặc công tự mở cửa, bằng phương pháp mở cửa bí mật của đặc công.
Phương pháp mở cửa: Bí mật tháo gỡ vật cản; bộc phá liên tục và bằng bộ khí tài mở cửa hiện đại; hoặc có thể kết hợp các phương pháp với nhau. Yêu cầu chung của Cửa mở: đúng hướng, đủ kích thước, dọn sạch vật cản, đánh chiếm, giữ chắc đầu cầu, hạn chế được hỏa lực địch khống chế Cửa mở, bảo đảm an toàn cho lực lượng mở cửa và các lực lượng vào xung
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cục Khoa học quân sự, Từ điển giải thích thuật ngữ quân sự, Hà Nôi, 1985.
- Bộ Tổng tham mưu, Sư đoàn bộ binh chiến đấu tiến công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
- Bộ Tổng tham mưu, Sư đoàn bộ binh tiến công vào khu vực địch phòng ngự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
- Học Viện Quốc phòng, Giáo trình sư đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự trận địa, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.