Cừu ăn thịt người là hiện tượng quý tộc phong kiến chiếm đoạt ruộng đất của công xã, đuổi tá điền ra khỏi ruộng đất mà họ đang canh tác, sau đó cải tạo thành các đồng cỏ để nuôi cừu lấy lông đem bán ra thị trường thu lợi nhuận, còn người nông dân mất nhà cửa, không còn phương tiện sinh sống, phải lang thang trong đói khổ mà Thomas More, nhà tư tưởng đương thời, gọi đây là hiện tượng “cừu ăn thịt người”. Hiện tượng này diễn ra điển hình ở nước Anh từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVII.
Cho đến đầu thế kỷ XVII, Anh vẫn là một nước nông nghiệp, có tới 4/5 cư dân sống ở nông thôn. Quan hệ sản xuất phong kiến vẫn bao trùm và trang viên của quý tộc, địa chủ vẫn là trung tâm của nông thôn. Nông dân cày cấy phần đất trong trang viên phải nộp tô cho địa chủ, quý tộc. Họ không được bán hoặc trao đổi phần đất của mình và chỉ được truyền lại cho con cháu sau khi đã nộp cho địa chủ một số tiền và được địa chủ đồng ý. Ngoài phần đất của địa chủ, quý tộc và nông dân khá giả chiếm làm tư hữu, còn có phần đất công xã, như đồng cỏ, đất hoang, rừng rú thì công xã sử dụng chung; mọi người đều có thể chăn nuôi gia súc trên đồng cỏ chung hoặc kiếm củi trong rừng của công xã. Những nông dân nghèo nhất đều phải sống dựa vào phần đất chung này.
Nhưng cũng từ cuối thế kỷ XV, nông thôn Anh bắt đầu có sự biến đổi to lớn. Do ngành công nghiệp len dạ phát triển mạnh ở Anh và Netherlands, nhu cầu về lông cừu ngày càng lớn, giá cả tăng nhanh, nên nghề nuôi cừu trở thành nghề có lợi nhất. Chủ đất không thỏa mãn với địa tô thu được từ người nông dân và tìm cách tăng thu nhập của ruộng đất bằng việc đuổi các tá điền ra khỏi ruộng đất mà họ đang canh tác, chiếm đoạt ruộng đất của công xã, khoanh ruộng đất riêng của mình và của công xã bằng một hàng rào chung (gọi là “khoanh đất”) và biến những mảnh đất ấy thành đồng cỏ nuôi cừu. Những người nông dân nghèo chỉ sống được nhờ vào đất làng xã đã bị làn sóng “rào đất” tấn công, đến nỗi, năm 1489, Nghị viện Anh phải thông qua pháp lệnh “cấm rào đất và cấm dỡ bỏ trang trại” nhưng không thể ngăn chặn được. Chẳng hạn như, từ năm 1485 đến năm 1500, các quận Hampton, Warwich, Oxfood, Backinhham, Bourke tổng cộng có 16.000 mẫu Anh đất bị rào, trong đó 13.000 mẫu là bãi chăn nuôi.
Nông dân không còn đất để trồng trọt và chăn nuôi, bị đuổi ra khỏi ruộng đất, phải rời bỏ nhà cửa, lang thang khắp nơi, sống cuộc đời khổ cực. Tình cảnh này được các nhà tư tưởng đương thời phản ánh trong các tác phẩm của mình. Năm 1549, trong Thuyết trình về đặc điểm chung của Vương quốc Anh, được dẫn trong P. Mantoux, Cuộc Cách mạng công nghiệp ở thế kỷ XVIII, John Hales thốt lên rằng, những đất bị rào ấy sẽ là tổn thất của người nông dân, vì họ sẽ không tìm thấy được đất đai để cày bừa nữa. Mọi cái đều bị chiếm đóng làm đồng cỏ cho chăn nuôi cừu và gia súc lớn: đến nỗi chỉ trong vòng bảy năm, trong một vùng có bán kính sáu dặm, đã có hàng chục chiếc cày bị bỏ xó; nơi mà hơn bốn mươi người ngày trước đã tìm được chỗ sống thì bây giờ chỉ có một người và những đàn cừu của anh ta. Chính những con cừu này đem lại khốn khổ cho người nông dân. Họ bị đuổi khỏi những vùng đất mà trước đó đã từng cung cấp cho xã hội đủ mọi loại sản phẩm từ nông nghiệp, còn bây giờ chỉ thấy cừu, cừu lại cừu. Còn Lupton (1622) lại chua xót nhận xét rằng, những đất rào đang làm cho các đàn cừu béo lên còn người nghèo thì gầy đi.
Nỗi khổ của người dân bị mất đất còn được nhà tư tưởng vĩ đại ở Anh hồi thế kỷ XVI, Thomas More đã mô tả lại như sau: Những con cừu xưa kia ngoan ngoãn hiền hậu biết bao, bây giờ đều trở thành những con vật hung hãn, tham lam. Cừu ăn thịt người, phá hoại ruộng vườn, nhà cửa và thành thị.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- F.N. Nikifôrốp, Lịch sử thế giới, tập II, Lịch sử cận đại, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961.
- Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Đại cương lịch sử thế giới cận đại, tập 1, Nxb. Giáo dục, 1995.
- Michel Beaud, Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500 đến 2000 (Sách tham khảo), người dịch Huyền Giang, Nxb. Thế giới, 2002.
- Tiền Thừa Đán, Hứa Khiết Minh, Thông sử nước Anh, Người dịch Đặng Thanh Tịnh, Nxb. Lao động – Xã hội, 2005.
- Phan Ngọc Liên (chủ biên), Đào Tuấn Thành, Nguyễn Thị Huyền Sâm, Mai Phú Phương, Lịch sử thế giới cận đại, tập 1, In lần thứ hai, Nxb. Đại học Sư phạm, 2010.