Cứu Quốc quân tên gọi các trung đội du kích chống Pháp sau khởi nghĩa Bắc Sơn.
Thực hiện chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các đơn vị vũ trang cách mạng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Đội du kích Bắc Sơn được bổ sung thêm một số cán bộ hội viên, kiện toàn ban lãnh đạo và đổi tên thành Đội Cứu quốc Bắc Sơn. Đây là Trung đội Cứu quốc quân 1, do Phùng Chí Kiên làm chỉ huy trưởng, Lương Văn Tri làm chính trị viên, Chu Văn Tấn làm chỉ huy phó. Ban Chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 1 đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Trung đội Cứu quốc quân 1 thành lập 1.5.1941 ở Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn); có tài liệu viết “thành lập ngày 23.2.1941”. Lúc đầu thành lập, trung đội có 52 cán bộ, chiến sĩ, biến chế thành ba tiểu đội; được trang bị 15 súng trường và súng kíp, còn lại chủ yếu là dao găm và giáo mác. Ngay sau khi thành lập, Trung đội Cứu quốc quân 1 tổ chức học tập chính trị, huấn luyện quân sự, tích cực hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển cơ sở quần chúng cách mạng, từng bước mở rộng căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai. Tháng 7.1941, thực dân Pháp huy động lực lượng tiến công vào căn cứu địa Bắc Sơn, Trung đội Cứu quốc quân 1 chiến đấu dũng cảm, bảo vệ các đồng chí Thường vụ Trung ương về xuôi an toàn. Trước sự càn quét truy lùng ráo riết của địch, Ban chỉ huy Cứu quốc quân 1 quyết định rút hai tiểu đội khỏi căn cứ Bắc Sơn, để lại một tiểu đội cùng nhân dân chống địch khủng bố, giữ vững cơ sở cách mạng. Trong quá trình chiến đấu và rút lui, Trung đội Cứu quốc quân 1 chịu tổn thất lớn, hai đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri anh dũng hi sinh. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, Trung đội Cứu quốc quân 1 để lại tấm gương sáng về vai trò, ý thức trách nhiệm bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng và căn cứ địa cách mạng, tạo tiền đề cho Đảng tổ chức, xây dựng Trung đội Cứu quốc quân 2.
Trung đội Cứu quốc quân 2 thành lập 15.9.1941 tại khu rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, châu Vũ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), quân số 47 người (có 3 nữ), biên chế thành năm tiểu đội, do Chu Văn Tấn chỉ huy trưởng, Nguyễn Cao Đàm làm chính trị - chỉ đạo viên, Trần Văn Phấn chỉ huy phó. Các chiến sĩ Cứu quốc quân 2 được lựa chọn từ những đội viên từng tham gia phong trào đấu tranh cách mạng ở Võ Nhai và Bắc Sơn, được trang bị vũ khí có 3 súng khai hậu, còn lại là súng kíp và dao găm. Đến cuối tháng 10.1942, quân số của Trung đội Cứu quốc quân 2 tăng lên 70 người, biên chế thành 7 tiểu đội; được trang bị 4 súng ngắn, 32 súng trường và súng khai hậu, còn lại là súng kíp, dao găm, giáo mác. Trung đội thành lập một chi bộ, mỗi tiểu đội có một tổ Đảng lãnh đạo. Cán bộ, chiến sĩ Trung đội Cứu quốc quân 2 vừa học tập chính trị, huấn luyện quân sự, vừa tổ chức đánh địch, tiêu biểu như các trận Khuôn Kẹn (2.10.1941), Khuôn Ba (5.10.1941), Khuôn Đá (15.10.1941), Khuôn Xổm (25.10.1941)... Trước sự phát triển và hoạt động của Trung đội Cứu quốc quân 2, đầu năm 1942 thực dân Pháp tập trung càn quét vào các làng bản, vơ vét của cải, cướp trâu, bò, bắt bớ, dồn dân vào trại tập trung... hòng triệt nguồn tiếp tế và liên lạc của Cứu quốc quân. Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng, Trung đội Cứu quốc quân 2 tạm ngừng các hoạt động quân sự, tăng cường đấu tranh chính trị, chờ thời cơ huận lợi tiếp tục đấu tranh vũ trang, chống địch càn quét. Trước tình hình địch liên tục mở các cuộc bao vây, càn quét và đường dây liên lạc với Trung ương Đảng bị mất hoàn toàn, Ban Chỉ huy Cứu quốc quân 2 quyết định chuyển đại bộ phận lực lượng ra khỏi vòng vây của địch, rút lên các vùng Tràng Định, Thoát Lãng (Lạng Sơn) sát biên giới Việt - Trung để củng cố lực lượng; lực lượng còn lại ở Bắc Sơn - Võ Nhai bám dân, hoạt động bí mật, giữ vững cơ sở cách mạng. Bộ phận Cứu quốc quân 2 đang hoạt động ở các vùng Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên), bắc Yên Thế, Hữu Lũng (Bắc Giang) tiếp tục xây dựng cơ sở, mở rộng địa bàn hoạt động. Năm 1943, Trung đội Cứu quốc quân 2 được lệnh trở lại Bắc Sơn - Vũ Nhai củng cố, xây dựng phong trào, sau đó phát triển lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động rộng lớn bao gồm các huyện Võ Nhai, Ðại Từ, Ðịnh Hóa, Phú Lương, Ðồng Hỷ (Thái Nguyên); Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Ðịnh, Thoát Lũng (Lạng Sơn); Chợ Ðồn, Bạch Thông (Bắc Cạn); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Trung đội Cứu quốc quân 3 thành lập 25.2.1944 tại Khuổi Kịch (châu Sơn Dương, Tuyên Quang) quân số 30 người, biên chế thành ba tiểu đội, do Triệu Khánh Phương chỉ huy, Phương Khương, Chu Phóng làm Trung đội phó. Các chiến sĩ Cứu quốc quân 3 gồm một số cán bộ, chiến sĩ Cứu quốc quân 2 và một số đội viên xung phong Nam tiến Trần Phú, một số đội viên từ các đội tự vệ Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang). Ngay sau khi ra đời, Trung đội Cứu quốc quân 3 đẩy mạnh hoạt động mở rộng địa bàn, coi trọng công tác xây dựng Đảng, đồng thời tranh thủ huấn luyện những động tác cơ bản về kỹ, chiến thuật. Tài liệu học tập chủ yếu là cuốn “Cách đánh du kích”, do lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo. Nhằm tăng cường vũ khí đánh giặc, Ban chỉ huy Cứu quốc quân phát động phong trào tự mua sắm trong tất cả các đơn vị tự vệ. Các Hội cứu quốc vận động nhân dân góp tiền mua sắm vũ khí ủng hộ Cứu quốc quân.
Đến cuối năm 1944, địa bàn hoạt động của Cứu Quốc quân tiếp tục củng cố, mở rộng nhiều vùng thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Cạn. Lực lượng phát triển hơn 400 người. Đến tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, tổ chức khởi nghĩa từng phần, sẵn sàng tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện. Các đơn vị Cứu quốc quân phối hợp với các đội tự vệ tước vũ khí của địch để trang bị cho ta, phối hợp với quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở nhiều địa phương tại Định Hóa, Phú Lương, La Hiện, Đại Từ, Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Na Hang, Hàm Yên (Tuyên Quang), Yên Thế, Bố Hạ, Nhã Nam (Bắc Giang), Vũ Lễ, Nam Nhi, Mỏ Nhài, Bình Gia (Lạng Sơn)... Lực lượng Cứu Quốc quân phát triển thành nhiều đại đội. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kì (15-20.4.1945), ngày 15.5.1945 tại Định Biên Thượng (Định Hóa, Thái Nguyên), Cứu Quốc quân hợp nhất với Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (thành lập 22.12.1944) và các tổ chức vũ trang khác của Đảng Cộng sản Đông Dương thành Việt Nam giải phóng quân (tên gọi đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam). Tuy lực lượng còn non trẻ, trang bị vũ khí thô sơ, nhưng các đơn vị Cứu Quốc quân do Ðảng lãnh đạo đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu chống càn quét, khủng bố, phát triển lực lượng, bảo vệ và mở rộng căn cứ địa góp phần đưa đến sự ra đời của Khu giải phóng Việt Bắc, căn cứ địa chủ yếu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Quá trình xây dựng, hoạt động của các đơn vị Cứu quốc quân đã để lại những kinh nghiệm phong phú, góp phần xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta thời kỳ đầu thành lập.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lịch sử QĐND Việt Nam, tập I, Nxb QĐND, Hà Nội, 1977.
- Quân đội nhân dân Việt Nam những chặng đường chiến đấu, Nxb QĐND, 1984.
- Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng (1945- 75), tập I, Nxb QĐND, Hà Nội, 1999.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004.
- Lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, tập 3, tr 90-94; 94-109; 110-125, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015.
- Từ điển Bách khoa Việt Nam 4 tập, bản điện tử.