Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cứ điểm
Hầm chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ

Cứ điểm vị trí đóng quân, được xây dựng kiên cố (tương đối kiên cố), đồng thời là căn cứ quân sự (trận địa chiến đấu) được dùng để phòng ngự, ngăn chặn các cuộc tiến công xâm nhập của đối phương; bảo vệ hành lang, các trục đường giao thông; làm bàn đạp tiến công vào vùng đối phương kiểm soát.

Trong kháng chiến chống Pháp, các CĐ của quân Pháp được xây dựng và bố trí nhiều lô cốt ở các địa hình khống chế, trên các tuyến đường giao thông quan trọng. Từng lô cốt có các lỗ châu mai quan sát và đặt các loại súng bộ binh như: đại liên, trung liên để khống chế đối phương khi bị tiến công. Vòng ngoài trước tiền duyên, tổ chức hệ thống vật cản kiên cố, gồm các lớp hàng rào dây thép gai (có thể từ 3- 5 lớp), kết cấu các kiểu khác nhau (kiểu hàng rào đơn, hàng rào mái nhà, cũi lợn...), bố trí xen kẽ các bãi mìn chống bộ binh, mìn chống tăng, mìn phát sáng để ngăn chặn đối phương tiếp cận tiến công cứ điểm. Các lớp hàng rào có thể bố trí cách nhau từ 3- 5m, tiện cho tuần tra kiểm soát, quan sát cảnh giới, đề phòng đối phương đột nhập và tăng chiều sâu bãi vật cản. Các CĐ quan trọng có thể bố trí một số chốt ở vòng ngoài để cảnh giới bảo vệ, phát hiện và ngăn chặn đối phương tiến công từ xa. Công sự trong CĐ có thể xây dựng kiên cố vững chắc bằng bê tông hoặc bằng công sự gỗ, đất, bao cát để có thể chống được đạn pháo của đối phương. Sở chỉ huy và những vị trí đặc biệt quan trọng có thể xây dựng hệ thống hầm ngầm kiên cố để bám trụ chiến đấu trong mọi tình huống. Điển hình là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm mà quân Pháp đã xây dựng. Mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hỏa lực có thể độc lập chiến đấu, đồng thời những cứ điểm gần nhau được tổ chức thành cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng). Tập đoàn cứ điểm có 8 trung tâm đề kháng được chia thành 3 phân khu.

Trong kháng chiến chống Mĩ, tổ chức cụm cứ điểm và CĐ của quân Mỹ, Quân đội Sài Gòn đã có những thay đổi so với trước đó. Các CĐ là thành phần cơ bản của cụm cứ điểm trong khu vực phòng ngự cấp lữ đoàn, sư đoàn bộ binh trong tác chiến phòng ngự. Tùy theo mục đích phòng ngự, CĐ có thể tổ chức ở quy mô: cứ điểm trung đội, đại đội hoặc tiểu đoàn bộ binh; cứ điểm được tổ chức xây dựng vững chắc để phòng ngự (phòng thủ) lâu dài hoặc xây dựng ở mức độ tương đối vững chắc để phòng ngự trong một thời gian tác chiến nhất định. Điển hình trận Làng Vây (6-7.2.1968), sau khi ta chiếm ngã ba Cu Bốc, điểm cao 471 và Huội San mà quân địch không có biểu hiện tăng viện, Bộ Tư lệnh chiến dịch đường 9 - Khe Sanh quyết định tổ chức trận then chốt tiến công cứ điểm Làng Vây, nhằm giải phóng đoạn đường 9 từ quận lị Hướng Hóa đến biên giới Việt - Lào, bao vây cô lập địch ở Tà Cơn.

Tổ chức bố trí các CĐ thường lựa chọn ở những địa hình có lợi, như: các cao điểm có tầm quan sát và khống chế hoả lực, các khu vực địa hình khống chế, hai bên trục các đường giao thông quan trọng... tiện cho tổ chức phòng ngự để bảo vệ các mục tiêu, trục đường cơ động. Các CĐ thường tổ chức tạo thành thế liên hoàn trong cụm cứ điểm hoặc trong khu vực phòng ngự (phòng thủ) của địch, có thể chi viện cho nhau trong quá trình tác chiến. Các CĐ thường tổ chức thành cụm cứ điểm phòng ngự hình vòng để có thể cảnh giới và đánh đối phương tiến công từ các hướng, trong đó tập trung lực lượng và hệ thống công sự, vật cản, hoả lực trên các hướng có nguy cơ bị uy hiếp nhiều hơn. Mỗi CĐ tổ chức hệ thống công sự hình thành nhiều tuyến (thường 2- 3 tuyến) để tăng chiều sâu cho phòng ngự. Bố trí lực lượng phòng ngự theo các tuyến từ ngoài vào trong, vị trí chỉ huy (sở chỉ huy) và trận địa hoả lực thường bố trí ở trung tâm, trên từng tuyến, xây dựng các công sự chiến đấu của cá nhân, tổ, tiểu đội, các hầm trú ẩn, có các hào giao thông nối liên hoàn giữa các công sự, hầm chiến đấu. Sở chỉ huy và những vị trí đặc biệt quan trọng có thể xây dựng hệ thống hầm ngầm kiên cố để bám trụ chiến đấu trong mọi tình huống.

Thủ đoạn hoạt động của địch trong các CĐ: Trước khi bị tiến công, thường tiến hành các biện pháp trinh sát, cảnh giới, lùng sục và sử dụng hoả lực bắn không thành quy luật ra các khu vực bên ngoài CĐ, đề phòng bị ta tiến công. Khi phát hiện khả năng bị tiến công, địch tăng cường các biện pháp trinh sát, cảnh giới và sử dụng hoả lực đánh phá vào những nơi nghi có lực lượng của ta tiếp cận; tăng cường vật cản trên các hướng uy hiếp hoặc tổ chức thêm các chốt phòng ngự dự phòng. Khi bị tiến công, lực lượng phòng ngự dựa vào hệ thống công sự, vật cản vững chắc cố thủ, phát huy nỗ lực các loại hoả lực đánh chặn các hướng, tăng cường biện pháp bịt cửa mở và phản kích sớm để đẩy lùi tiến công của ta. Sử dụng hoả lực không quân, pháo binh tập trung đánh mạnh vào đội hình tiến công, các trận địa hoả lực chi viện cho lực lượng trong CĐ giữ vững trận địa phòng ngự. Khi lực lượng phòng ngự trong CĐ có nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt; địch có thể tiến hành tăng viện phản kích bằng đường bộ hoặc đổ bộ đường không để ứng cứu giải toả. Khi tăng viện phản kích không thành công, địch có thể tiến hành co cụm cố thủ, hoặc bốc, rút quân để bảo toàn lực lượng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng Trung đoàn bộ binh tiến công tiêu diệt quân địch phòng ngự cứ điểm có công sự vững chắc, năm 1977.
  2. Bộ Quốc phòng Sư đoàn bộ binh chiến đấu tiến công,năm 1985.
  3. Bộ Quốc phòng Từ điển giải thích thuật ngữ quân sự cục khoa học năm 1985.
  4. Bộ Quốc phòng Tiểu đoàn bộ binh tiến công tiêu diệt quân địch phòng ngự trong cứ điểm có công sự vững chắc, năm 1994
  5. Bộ Quốc phòng Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, năm 1996.
  6. Bộ Quốc phòng Sư đoàn bộ binh tiến công vào khu vực địch phòng ngự, năm 2000
  7. Học viện Quốc phòng Giáo trình sư đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự trận địa, năm 2002.
  8. Bộ Quốc phòng Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam,năm 2004.
  9. Bộ Quốc phòng Từ điển Thuật ngữ quân sự, năm 2007.