Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cờ bạc

Cờ bạc là việc tham gia vào các trò chơi có mục đích ăn thua bằng tiền bạc hay các vật có giá trị khác.

Các mức độ[sửa]

Chơi cờ bạc có những mức độ khác nhau.

Chơi cờ bạc thái quá[sửa]

Hệ quả cơ bản nhất của việc cờ bạc thái quá là vấn đề tài chính. Để xử lý các nợ nần của mình, những người chơi cờ bạc thường vay mượn của người khác: gia đình, bạn bè hoặc tham gia các hoạt động tội phạm. Kết quả của việc mất tài sản dẫn tới phá sản. Việc bị bắt giữ hay tống giam do thực hiện hoặc tham gia vào các hoạt động phạm pháp cũng xảy ra khá phổ biến ở những đối tượng này.

Những người chơi cờ bạc thường bị trầm cảm hoặc gặp các vấn đề về nghiện rượu. Họ cũng báo cáo tỷ lệ lớn các dấu hiệu kiệt quệ về tâm lý và cần đến các trị liệu tâm thần. Họ cũng trải nghiệm các khó khăn nghiêm trọng trong các mối quan hệ. Vợ/chồng và gia đình buộc phải ứng phó với các hệ quả là các hành vi có vấn đề của họ, bao gồm việc bỏ nhà, sự ngờ vực và căng thẳng về tình hình tài chính của gia đình. Tỷ lệ ly hôn trong những người cờ bạc cao hơn so với tỷ lệ thông thường.

Nghiện cờ bạc mang tính bệnh lý[sửa]

Người chơi bị lệ thuộc không cưỡng lại được bởi cờ bạc dù cho có gặp các vấn đề rắc rối trong cuộc sống. Nghiện cờ bạc chính thức được xác nhận như là rối nhiễu kiểm soát xung lực bởi DSM-III với các tiêu chuẩn:

  1. Luôn bận tâm tới cờ bạc;
  2. Phung phí số tiền lớn để có trải nghiệm hưng phấn;
  3. Cảm giác né tránh khi cố gắng kiểm soát việc chơi bạc;
  4. Chơi bạc để chạy trốn vấn đề của bản thân;
  5. Đuổi theo sự thua lỗ;
  6. Dựa vào người khác để giấu diếm việc chơi bạc;
  7. Sẵn sàng thực hiện các hành động phi pháp để có tiền chơi bạc;
  8. Hy sinh các mối quan hệ quan trọng hoặc các cơ hội để chơi bạc;
  9. Dựa vào sự hỗ trợ tài chính của người khác để trả các khoản nợ;
  10. Cố gắng không có kết quả trong việc hạn chế việc chơi.

Các nhà tâm lý học cố gắng tìm hiểu vai trò của các yếu tố tâm lý trong vấn đề cờ bạc. Các nghiên cứu mối quan hệ giữa chơi cờ bạc và các nét nhân cách (như tìm kiếm cảm giác, hướng ngoại và tiêu điểm kiểm soát) phát hiện được những liên hệ khá hạn chế về vai trò của nét nhân cách trong chơi cờ bạc.

Các nhà hành vi học đã sử dụng các mô hình học tập để giải thích việc hình thành các vấn đề liên quan đến chơi bạc ở cá nhân. Theo lý thuyết điều kiện hóa tạo tác, cá nhân chơi bạc bởi vì được củng cố. Những lần được bạc đóng vai trò củng cố hành vi chơi bạc.

Trị liệu cho người nghiện cờ bạc[sửa]

Đối với số lượng nhỏ những người chơi bạc sử dụng phương pháp trị liệu phổ biến nhất là G.A. (Gambling Anonymous - nhóm tự hỗ trợ dựa trên mô hình bệnh và theo chương trình 12 bước, nhấn mạnh vào sự hỗ trợ của nhóm, sự trung thực và sự cam kết). Các thành viên của G.A. chia sẻ các câu chuyện về việc chơi bạc quá mức dẫn tới có vấn đề. Việc ngừng chơi bạc chỉ là một mục tiêu có thể đạt được. Các thành viên được khuyến khích tham gia tích cực vào chương trình thậm chí sau thời gian cai tích cực để tránh việc tái nghiện. Nghiên cứu cho thấy chương trình chỉ có hiệu quả đối với tỷ lệ nhỏ những người tham gia.

Các chiến lược trị liệu hành vi được phát triển bao gồm: trị liệu ác cảm (cái mình không muốn), làm giảm cảm giác, giảm nhạy cảm (mòn cảm giác) hình ảnh, ngăn chặn phản hồi. Mặc dù các chương trình này thiếu sự đánh giá nghiêm ngặt, các dữ liệu đầu ra nhìn chung cho thấy có hiệu quả.

Sự phát triển của trị liệu gần đây tập trung vào mô hình nhận thức. Trị liệu này sử dụng các kỹ thuật tái cấu trúc nhận thức được thiết kế để thay đổi những niềm tin bất hợp lý của người nghiện về cờ bạc.

Để đánh giá các vấn đề cờ bạc, các nhà khoa học đã thiết kế các công cụ đo với các mục tiêu khác nhau. Có thể kể đến một số công cụ mang tính minh họa: Thang đo Tần suất chơi cờ bạc và chuẩn được nhận biết (Gambling Quantity and Perceived Norms Scale - GQPN); Thang đo Chỉ số vấn đề cờ bạc (The Gambling Problem Index - GPI); Thang đo Niềm tin và thái độ đối với CB của Breen & Zuckerman (The Gambling; Attitudes and Beliefs Scale - nGABS; 1999).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology, Brumfield, ML, 1999.
  3. Bonnie, R. Strickland, The GallEncyclopedia of Psychology, Executive editor, Gale group, 2001.
  4. Charler Spielbeger (Editor - in chief), Encyclopedia of Aplieded Psychology, Elsvior Academic press, 2012.