Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cộng đồng Pháp ngữ
Cờ của cộng đồng Pháp ngữ

Cộng đồng Pháp ngữ bao gồm các quốc gia, chính phủ và vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp, chính thức được thành lập ngày 20.3.1970 với tên gọi Cơ quan Hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT) và lấy tên là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (tiếng Pháp: L’Organisation internationale de la Francophonie (OIF) năm 1986.

OIF lấy ngày 20.3 là Ngày quốc tế Pháp ngữ và hiện nay có tổng cộng 88 thành viên và quan sát viên thuộc 5 châu lục.

Khái niệm về Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1880, do nhà địa lý học người Pháp Onésime Reclus sử dụng thuật ngữ “francophonie” để chỉ “tập hợp những người nói tiếng Pháp”. Lúc đó khái niệm chỉ được hiểu là bao hàm toàn bộ các dân tộc, các vùng nói tiếng Pháp trên thế giới. Mãi đến những năm 60 của thế kỷ XX, cùng với phong trào phi thực dân hóa, sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và xu thế liên kết khu vực, quan hệ giữa các nước thuộc địa nói tiếng Pháp mới giành được độc lập với Pháp và giữa các nước này với nhau có những biến đổi sâu sắc.

Năm 1970, sau khi giành được độc lập, các nước thuộc địa cũ của Pháp đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ trên cơ sở di sản Pháp ngữ, thể hiện qua sự thành lập của Cơ quan hợp tác văn hóa kỹ thuật (Agence de coopération culturelle et technique - ACCT). Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước trong tổ chức này vẫn mang đậm tính chất nghề nghiệp và kỹ thuật, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhiều nước muốn có một tổ chức có tầm vóc chính trị, có vị trí và tiếng nói đáng kể trong quan hệ quốc tế. Tháng 2.1986, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Paris với sự tham gia của gần 40 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng Pháp ngữ. Tháng 11.1997, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII được tổ chức tại Hà Nội đã thông qua Hiến chương và bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Pháp ngữ, đồng thời đánh dấu bước chuyển căn bản từ khuôn khổ hợp tác văn hóa thông qua ngôn ngữ chung là tiếng Pháp sang sự hợp tác toàn diện cả về chính trị và kinh tế và đánh dấu Pháp ngữ chính thức trở thành một tổ chức quốc tế. Tháng 12.1998, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 12, họp tại Bucarest (Romania), đã thông qua tên gọi chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Về cơ chế tổ chức của OIF, bao gồm các Cơ quan chính trị và các Cơ quan thực thi của Hội nghị Cấp cao. Các cơ quan chính trị gồm: Hội nghị Cấp cao (Sommet), là hội nghị của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có tham gia tổ chức và là cơ quan tối cao của Cộng đồng Pháp ngữ. Hội nghị họp hai năm một lần nhằm xem xét những vấn đề lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật liên quan đến các nước trong Cộng đồng, đề ra đường lối, phương hướng hoạt động cho Cộng đồng và bầu Tổng Thư ký Pháp ngữ. Ngoài ra, còn có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (CMF)-là cơ quan cao nhất về phương diện chính trị; Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF)-là cơ quan chính trị thường trực của Cộng đồng được đặt dưới sự chỉ đạo của CMF và Tổng Thư ký Pháp ngữ là Chủ tịch chấp hành của CPF; Ban Tổng Thư ký-được đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng Thư ký Pháp ngữ. Tổng Thư ký Pháp ngữ do những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên bầu ra với nhiệm kỳ bốn năm. Bên cạnh đó, các Cơ quan thực thi của Hội nghị Cấp cao bao gồm: Cơ quan liên Chính phủ Pháp ngữ (AIF), Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF), Đài Truyền hình Quốc tế Pháp ngữ (TV5)… .

Về mục tiêu hoạt động, OIF dựa trên nền tảng cơ bản là cùng sử dụng tiếng Pháp và chia sẻ văn hóa chung, đề ra mục tiêu giúp đỡ, thiết lập và phát triển dân chủ đối với các quốc gia trong cộng đồng; phòng ngừa xung đột, hỗ trợ nhà nước Pháp quyền và quyền con người; tăng cường đối thoại văn hóa; tạo quan hệ gần gũi giữa các dân tộc thông qua việc hiểu biết lẫn nhau; tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc thông qua các hoạt động hợp tác đa phương nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế của họ phát triển. OIF ngữ tôn trọng chủ quyền, ngôn ngữ và văn hoá của các quốc gia; tuyệt đối giữ trung lập trong các vấn đề nội bộ của các quốc gia.

Về nguyên tắc hoạt động, OIF vận hành cơ bản theo nguyên tắc đồng thuận. Theo quy định của Hiến chương, Hội nghị Cấp cao (Sommet) là cơ quan tối cao và có quyền quyết đinh nhiều vấn đề như chọn nước đăng cai Hội nghị cấp cao, thông qua việc kết nạp các thành viên mới, thông qua các nghị quyết, kể cả nghị quyết về ngân sách, tài chính, bầu chọn Tổng thư ký (bốn năm/lần), thông qua Khung chiến lược trung hạn (tám năm/lần). Tuy nhiên, Hội nghị cấp cao lại không có quyền kiểm tra, bác bỏ, trừng phạt và bãi nhiệm. Hội nghị cấp cao không có quyền cách chức Tổng Thư ký, khai trừ thành viên mới hay tạm ngưng quy chế thành viên hoặc trừng phạt các quốc gia trong Cộng đồng. Những quyền này thuộc về Tổng Thư ký và Hội đồng thường trực Pháp ngữ. Điều này cho thấy OIF có một thiết chế lỏng lẻo. Hội nghị cấp cao hầu như không có quan hệ quyền lực với các cơ quan thực thi trực tiếp và tư vấn cũng như hai Hội nghị bộ trưởng chuyên môn. Giữa hai Hội nghị cấp cao, không có bất cứ một cơ chế tham khảo ý kiến nào.

Tổng Thư ký có nhiệm kỳ bốn năm và có vai trò lớn trong nguyên tắc hoạt động của OIF. Là quan chức đứng đầu OIF đồng thời lại đảm đương chức Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ, Tổng Thư ký có quyền tự do hành động như đại diện Pháp ngữ tại các diễn đàn quốc tế, ký kết các văn bản hợp tác quốc tế mà không có quy định Tổng Thư ký phải xin ý kiến trước khi ký hay báo cáo hoặc trình để phê chuẩn sau khi ký. Những nguyên tắc này cho thấy Tổng Thư ký Pháp ngữ có quyền tự do hành động và quyền hạn lớn hơn bất cứ người đứng đầu nào của mọi tổ chức quốc tế hiện hành. Đây cũng chính là một đặc thù của OIF.

Kể từ khi thành lập cho đến nay, OIF đã tổ chức được 17 Hội nghị cấp cao, có nhiều đóng góp, nổi bật nhất là bảo tồn đa dạng văn hóa và gìn giữ hòa bình. Trong đó, một trong những dấu ấn đậm nét nhất là sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ Bảy được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11.1997. Với việc tổ chức thành công hội nghị này, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa hoạt động chính trị, đề cao hợp tác kinh tế bên cạnh các lĩnh vực chính trị, văn hóa - ngôn ngữ. Tham gia OIF, Việt Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật. Đây cũng là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại đa phương nhằm tăng cường vị thể của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam cũng là nhóm nước nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chính sách của OIF.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Raymond Aron, Paix et guerre entre les nations (Hòa bình và chiến tranh giữa các dân tộc), Nouvelle edition Calmann-Lévy, Paris, 2004.
  2. Michel Guillou, Francophonie - Puissance: L’équilibre multipolaire (Pháp ngữ-Sức mạnh : Sự cân bằng đa cực), Ellipses, Paris, 2005.
  3. Anna KRASTEVA, « La Francophonie des pays de l’Est » (Pháp ngữ ở quốc gia Đông Âu), Francophonie et intégration européenne, Éditions Nouvelle Université bulgare, Sofia, 2007.
  4. PGS. TS. Dương Văn Quảng, “Tranh Luận về Đa Dạng Văn Hoá Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hoá,” Tạp Chí Nghiên Cứu Quốc Tế, Hà Nội, 2008.
  5. OIF, “La Langue Française Dans Le Monde. Synthèse”, Organisation Internationale de