Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cố kết nhóm

Cố kết nhóm là tổ hợp những sức mạnh lôi cuốn các thành viên tham gia, gắn bó với nhau và với nhóm được tạo thành bởi sự hấp dẫn xúc cảm lẫn nhau, sự tương đồng về giá trị và định hướng giá trị của các cá nhân trong hoạt động của nhóm.

Hướng tiếp cận[sửa]

Tiếp cận cảm xúc[sửa]

Cách tiếp cận cảm xúc tập trung vào sự hấp dẫn của nhóm đối với các thành viên hay sự thu hút vào nhóm. Cố kết nhóm là kết quả của tập hợp nhiều lực tác động lên các thành viên nhằm giữ họ lại trong nhóm. Những lực này phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn về uy tín của nhóm và các thành viên trong nhóm hoặc các hoạt động mà nhóm tham gia. Cố kết nhóm là một kết quả chung của nhóm được tạo nên từ số lượng và sức mạnh của những thái độ tích cực giữa các thành viên trong nhóm với nhau. Nền tảng của những thái độ tích cực này là sự kỳ vọng của cá nhân vào phản ứng mang tính tích cực của các cá nhân khác khi họ đạt được các mục tiêu hay được khen thưởng. Theo cách tiếp cận này, bản chất của cố kết nhóm cao là sự đáp lại của các mối quan hệ xung quanh với các kích thích một cách tích cực.

Tiếp cận động cơ[sửa]

Cách tiếp cận động cơ nhấn mạnh cố kết nhóm là kết quả của các lực và động lực thúc đẩy các cá nhân ở lại nhóm. Tiếp cận này nhấn mạnh khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của thành viên trong nhóm gồm: nhu cầu an toàn, nhu cầu được công nhận, sự đền bù và các giá trị tinh thần. Các thành viên chỉ ở lại nhóm khi các nhu cầu này được thỏa mãn.

Tiếp cận định hướng giá trị[sửa]

Cách tiếp cận định hướng giá trị coi cố kết nhóm như là sự thống nhất định hướng giá trị - là một đặc trưng của hệ thống các mối liên hệ bên trong nhóm, thể hiện mức độ trùng hợp các giá trị và lập trường của các thành viên nhóm trong quan hệ với một đối tượng nào đó tương đối có ý nghĩa với nhóm. Theo cách tiếp cận này, cố kết nhóm không phải là hiện tượng bề nổi mà là có bản chất bên trong. Sự cố kết này có sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố tâm lý thể hiện trong sự thống nhất định hướng giá trị - các thành tố tạo nên tính tích cực bên trong của nhóm.

Thang đo[sửa]

Các nghiên cứu về cố kết nhóm sử dụng một số thang đo khác nhau.

Thang đo Nhận thức về sự cố kết nhóm (Perceived Cohesion Scale - PCS) của Bollen và Hoyle (1990). Thang đo gồm 6 items với thang Likert 11 điểm (0- “hoàn toàn không đồng ý” đến 10- “hoàn toàn đồng ý”), đo 2 thành tố của sự cố kết là cảm giác thuộc về và cảm giác về đạo đức. Thang đo được tiến hành trên mẫu khách thể gồm sinh viên của một trường đại học và 110 cư dân của thành phố cỡ trung. Sau đó, thang đo được Chin và cộng sự (1999) thích ứng trên nhóm khách thể là sinh viên. Thang đo được sửa đổi các items cho phù hợp với nhóm nhỏ (“cộng đồng” được thay bằng “nhóm”) và được tính trên thang Likert 7 điểm (hoàn toàn không đồng ý - hoàn toàn đồng ý).

Thang đo cố kết nhóm của Tinakon Wongpakaran và cộng sự (2013). Thang đo gồm 7 items, sử dụng thang Likert 5 điểm (1- “hoàn toàn không đồng ý” đến 5- “hoàn toàn đồng ý). Tuy thang đo gốc dành cho khách thể là bệnh nhân tâm thần nhưng các tác giả đề xuất sử dụng trong bất kỳ các hoạt động nhóm nào khác.

Tác động của cố kết nhóm[sửa]

Cố kết nhóm đóng góp vào các tiến trình nhóm: tuân thủ, hiệu suất làm việc, sự hài lòng công việc, cảm nhận hạnh phúc. Trong một số trường hợp, CKN có ảnh hưởng đến tính sáng tạo, khuyến khích sự phản hồi giữa các thành viên nhóm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được ảnh hưởng của CKN đến cảm xúc xã hội và các khía cạnh liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của nhóm. Các thành viên trong nhóm có sự cố kết cao có xu hướng thể hiện những tương tác tích cực và thuận lợi hơn và có những tương tác tích cực giữa cấp trên - cấp dưới, giữa các đồng nghiệp với nhau. Cố kết nhóm cũng đáp ứng được các nhu cầu gắn kết của các thành viên.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2008.
  2. Oliver, L. W., Harman, J., Hoover, E., Hayes, S. M., & Pandhi, N. A., A quantitative integration of the military cohesion literature, Military Psychology, 11 (1), 1999, pp. 57 - 83.
  3. Van Knippenberg, D., & Schippers, M. C., Work group diversity, Annu. Rev. Psychol., 58, 2007, pp. 515 - 541.
  4. Wongpakaran, T., Wongpakaran, N., Intachote‐Sakamoto, R., & Boripuntakul, T., The group cohesiveness scale (GCS) for psychiatric inpatients, Perspectives in psychiatric care, 49 (1), 2013, pp. 58 - 64.
  5. Aubke, F., Woeber, K., Scott, N., & Baggio, R., Knowledge sharing in revenue management teams: Antecedents and consequences of group cohesion, International Journal of Hospitality Management, 41, 2014, pp. 149 - 157.
  6. Bruner, M. W., Eys, M. A., Wilson, K. S., & Côté, J., Group cohesion and positive youth development in team sport athletes, Sport, Exercise, and Performance Psychology, 3, 2014, pp. 219 - 227.
  7. Kim, S., & Yang, E. B., Does group cohesion foster self-directed learning for medical students? A longitudinal study, BMC Medical Education, 20 (1), 2020, pp. 1 - 7.