Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cọn nước

Cọn nước người Thái gọi là pặt nặm, một công cụ tưới tiêu được sử dụng phổ biến trong canh tác ruộng nước của người Thái vùng Tây Bắc và miền núi Thanh – Nghệ của Việt Nam. Công cụ tưới tiêu này cũng được tìm thấy ở một số tộc người nói ngôn ngữ Tày- Thái ở Việt Nam và một số nhóm Thái ở khu vực Đông Nam Á.

Cọn nước là sản phẩm văn hoá thể hiện sự sáng tạo độc đáo, giúp con người thích ứng với tiểu môi trường vùng lòng chảo ở các khu vực miền núi. Sự xuất hiện của cọn nước gắn với lịch sử canh tác ruộng nước lâu đời của các nhóm Thái ở các thung lũng vùng lòng chảo. Nó là một thành tố quan trọng của hệ dẫn thuỷ nhập điền cổ truyền mương – phai- lái – lín. Chính vì vậy, tuy không có tài liệu nào ghi chép về thời điểm xuất hiện đầu tiên của cọn nước trong hệ thống tưới tiêu này, song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, công cụ tưới tiêu này đã được các cộng đồng người Thái sáng tạo và đưa vào sử dụng từ hàng trăm năm trước. Cọn nước là sản phẩm thủ công, với nguyên vật liệu là gỗ và tre. cọn nước là một guồng quay hình tròn, có đường kính lớn, nhỏ khác nhau, tương ứng với độ cao hay thấp của các triền ruộng so với lòng suối. cọn nước có trục quay là một thanh gỗ, nằm ở chính tâm, với độ dài từ 20-30 cm. Nối từ trục quay này với 2 vòng tròn ngoài cùng là các cây tre con, có độ dài bằng nhau, được xếp đan chéo hướng ra vòng tròn bên ngoài theo hình chữ V. Ở ngoài cùng của guồng quay này là 2 vòng tròn, được làm bằng nan tre, mỗi vòng nằm ở điểm ngoài cùng của chữ V, cách một khoảng đều nhau (khoảng từ 30 – 50 cm tuỳ theo độ lớn của guồng quay). Nối giữa hai vòng tròn này là các phên đan bằng nan tre hay nứa, hình chữ nhật, có kích bằng nhau, được đặt đều nhau theo hướng chéo dần đều. Đặt ngang với các phên đan này là các ống đựng nước.

Tập tin:Cọn nước.jpg

Cọn nước vận hành như một một cỗ máy bơm nước tự động, có chức năng tưới tiêu cho các khu ruộng nằm ở các khu vực có địa hình không thể đắp phai (đập), đào mương. Nguyên lý vận hành của nó là dựa vào sức chảy của dòng nước. Sức chảy của nước từ các dòng suối tác động vào các phên đan, với chức năng hoạt động như những chân vịt, làm cho guồng quay chuyển động theo vòng tròn. Các ống nước đặt ở cạnh các phên đan sẽ lần lượt, theo sự chuyển động của vòng quay, đưa nước từ dưới lên trên rồi đổ vào lín (máng nước làm bằng tre, vầu bổ đôi), và từ lín, nước được đưa vào từng thửa ruộng hay cả cánh đồng. Với nguyên lý vận hành như vậy, cọn nước có thể đưa nước từ những lòng suối nằm rất thấp lên tưới tiêu cho các triền ruộng nằm ở trên cao, với khoảng cách lên đến cả chục mét.

Với sự xuất hiện của cọn nước, các cộng đồng người Thái, trong lịch sử tụ cư ở các vùng lòng chảo, có thể khai phá bất cư khu vực đất trống nào để làm ruộng. cọn nước, cùng với hệ thống dẫn thuỷ nhập điền mương- phai- lái – lín, không chỉ góp phần biến các lòng chảo vùng Tây Bắc và miền núi Thanh – Nghệ trở thành những vựa lúa trù phú, mà góp phần còn tạo ra một nền văn hoá, văn minh lúa nước ở các khu vực miền núi. Do công năng quan trọng và hiệu quả của nó trong việc tưới tiêu, cọn nước hiện nay vẫn được sử dụng phổ biến, vẫn đóng vai trò như một cỗ máy bơm nước tự động không thể thay thế ở các khu vực này. cọn nước trở thành một biểu tượng văn hoá Thái và nhiều khu vực có cọn nước, hiện nay, là điểm đến cho khách du lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Cầm Trọng, Phan Hữu Dật, Văn hoá Thái Việt Nam, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1995.
  2. Vi Văn An, “Tri thức dân gian của người Thái trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước”, Tạp chí Dân tộc học, số 1/2008, Hà Nội, 2011, tr.15-24-9.
  3. Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2017