Cắt lách phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lách, một cơ quan thuộc hệ bạch huyết của cơ thể.
Mục đích[sửa]
Lách là một tạng hình hạt đậu có màu tím đậm nằm dưới cơ hoành bên trái, ở trên và bên trái dạ dầy, tương ứng với xương sườn thứ 9 và 11. Lách người trưởng thành khỏe mạnh, có chiều dài từ khoảng 7 đến 14 cm, có trọng lượng từ 150 đến 200 gam.
Lách tham gia sản xuất tế bào lympho, phá huỷ các tế bào máu già cỗi, giữ lại sắt, protein và các chất cần thiết để tạo tế bào mới. Lách tham gia dự trữ máu cho cơ thể, khi lách co vào hoặc giãn ra sẽ điều hoà khối lượng máu đến gan. Lách còn tham gia chống nhiễm trùng cho cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể chống lại các vi trùng.
Chỉ định cắt lách thường gặp nhất trong trường hợp cường lách, đó là bệnh lý mà lách có kích thước rất to, kèm theo giảm một hoặc cả ba dòng máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) gây thiếu máu. Cường lách thường đi kèm với xơ gan. Chỉ định thứ hai của cắt lách là trong các trường hợp bị bệnh về máu, như xuất huyết giảm tiểu cầu, đây là bệnh tự miễn, do cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu, các kháng thể này gắn vào tiểu cầu và làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, làm cơ thể rất dễ bị chảy máu. Một bệnh máu nữa hay gặp là bệnh thiếu máu huyết tán. Đây là bệnh thiếu máu tán huyết do di truyền, thường gặp là bệnh hồng cầu hình cầu, hoặc bệnh hồng cầu hình bầu dục. Ngoài ra cắt lách còn được thực hiện trong các trường hợp bệnh lý ở lách như ung thư lách, áp xe lách (hiếm gặp), đặc biệt trong chấn thương lách. Trước đây cắt lách là phẫu thuật lựa chọn cho chấn thương lách, ngày nay chấn thương lách chủ yếu được điều trị bảo tồn, lách chỉ được cắt bỏ khi bị tổn thương năng. Trong trường hợp phải cắt lách, nếu có thể chỉ cắt bỏ phần lách bị tổn thương, giữ lại phần lách lành gọi là cắt lách bán phần, mục đích để bảo vệ chức năng chống nhiễm khuẩn của lách.
Mô tả[sửa]
Phẫu thuật cắt toàn bộ lách: được thực hiện trong điều trị các bệnh về máu, các bệnh lý của lách và trong chấn thương lách nặng.
Phẫu thuật được tiến hành dưới gây mê. Phẫu thuật viên tiến hành mở bụng bằng một đường rạch giữa bụng từ mũi ức đến rốn, có thể vòng qua rốn xuống dưới trong trường hợp lách rất to. Lách được đưa ra ngoài ổ bụng, cắt các dây chằng giữ lách. Kẹp động mạch lách để hạn chế mất máu và giảm kích thước của lách, sau đó cắt động mạch lách, đầu động mạch còn lại được buộc và khâu bịt cẩn thận. Tĩnh mạch lách cũng được kẹp, cắt buộc và khâu lại tương tự và lách đã được loại bỏ. Trong một số ít trường hợp để theo dõi chẩy máu, phẫu thuật viên có thể để một ống thông bằng cao su, một đầu để ở hố lách, đầu kia đưa qua thành bụng ra ngoài. Cuối cùng khâu phục hồi lại thành bụng. Trong nhiều trường hợp, tổ chức lách phải được làm xét nghiệm để phân tích tìm nguyên nhân bệnh.
Phẫu thuật cắt một phần lách : Thường được thực hiện trong chấn thương lách, mục đích để giữ lại chức năng miễn dịch chống nhiễm trùng của lách. Có hai phương pháp cắt lách bán phần. Phương pháp thường dùng là cắt lách bán phần theo cấu trúc giải phẫu của lách và cắt lách bán phần phụ thuộc vào vị trí tổn thương của lách.
Phẫu thuật nội soi cắt lách : Đối với lách không quá to có thể cắt lách bằng phẫu thuật nội soi. Bằng một số đường mổ nhỏ trên thành bụng dưới hỗ trợ của camera và màn hình. Phẫu thuật viên đưa các dụng cụ vào trong ổ bụng tiến hành cắt lách như trong phẫu thuật mổ mở. Nhờ phẫu thuật ít sang chấn, bệnh nhân đỡ đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn và hồi phục sức khỏe nhanh.
Chuẩn bị[sửa]
Trước mổ cần xác định kích thước của lách bằng sờ nắn bụng và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, xạ hình, cắt lớp vi tính. Các xét nghiệm huyết học và sinh hóa được làm đầy đủ để xác định tình trạng bệnh và sức khỏe bệnh nhân. Kiểm soát miễn dịch là cần thiết, Người bệnh thường được tiêm vắc xin trước phẫu thuật 1 tháng. Các vắc xin thường dùng là Pneumovax hoặc Pnu-Imune 23 đề phòng nhiễm phế cầu, Menomune-A/C/Y/W – 135 đề phòng nhiễm màng não cầu
Hậu phẫu[sửa]
Quan trọng nhất sau mổ là kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn. Bệnh nhân cần tránh đến những khu vực có bệnh truyền nhiễm, khi sốt hoặc có biểu hiện của nhiễm khuẩn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Liệu pháp kháng sinh nên được áp dụng ở trẻ em cho đến khi chúng đủ 16 tuổi. Tất cả người bệnh có thể tăng liều vaccine phòng phế cầu trong khoảng thời gian 5 đến 10 năm sau phẫu thuật.
Rủi ro[sửa]
Nguy cơ sớm sau mổ cắt lách là chẩy máu, nguy cơ muộn hay gặp nhất là nhiễm khuẩn. Tình trạng này là do cơ thể suy giảm khả năng đào thải vi khuẩn trong máu, giảm nồng độ kháng thể chống lại virut. Nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn sau cắt lách cao nhất ở trẻ em, đặc biệt là 2 năm đầu sau phẫu thuật. Việc sử dụng vaccine trước phẫu thuật giúp làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Nhiều bác sĩ khuyên nên dùng penicillin trong vòng 2 năm đầu hoặc dùng ampicillin lâu dài.
Kết quả[sửa]
Kết quả cắt lách phụ thuộc vào nguyên nhân đòi hỏi phẫu thuật. Trong các bệnh rối loạn về máu, cắt lách giải quyết triệt để tình trạng phá huỷ tế bào máu, phần lớn mang lại kết quả tốt, nhiều người bệnh khỏi hoàn toàn. Quá trình hồi phục sau phẫu thuật diễn ra khá nhanh, thời gian nằm viện khoảng 1 tuần và người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau 4-6 tuần.
Điều trị thay thế[sửa]
Trong chấn thương lách nút mạch có thể thay thế cho phẫu thuật. Dưới sự hướng dẫn của màn X quang, bác sỹ dùng một ống thông đặc biệt qua đường động mạch đưa một vật liệu nhân tạo làm tắc động mạch lách gây chẩy máu.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Jacqueline L. Longe. The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum 7, 2015, Tr.4753-4757.
- Sabiston Texbook of surgery the Biological Basis of Modern surgical Practice, Vol.2, 2001, 1144-116.
- Bộ Y tế, Hướng dẫn quy trình bệnh viện, tập II, NXB Y học, Tr.342-344.