Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cắt bỏ vú

Cắt bỏ vú là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến vú và đôi khi là phẫu thuật hỗ trợ để điều trị và phòng ngừa ung thư vú.

Mục đích

Phần lớn cắt bỏ vú được thực hiện để điều trị ung thư vú. Ngoài ra, cắt bỏ vú còn với mục đích dự phòng.

Điều trị ung thư: Có thể cắt bỏ toàn bộ hay từng phần vú hoặc bảo tồn.

Cắt bỏ vú dự phòng: Việc cắt bỏ vú dự phòng - cắt bỏ một hoặc hai vú để ngăn ngừa ung thư vú có thể xảy ra trong tương lai, vấn đề này đang gây tranh cãi. Tỷ lệ cắt bỏ vú dự phòng đã tăng lên khoảng 50% vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên cắt bỏ vú dự phòng không có gì đảm bảo rằng ung thư vú sẽ không phát triển hoặc tái phát.

Mô tả[sửa]

Có 4 loại phẫu thuật cắt bỏ vú: bảo tồn vú, cắt bỏ vú đơn thuần, cắt bỏ vú triệt để, cắt bỏ vú triệt căn sửa đổi.

- Phẫu thuật bảo tồn vú bao gồm cắt bỏ khối u và một lượng nhỏ mô bình thường xung quanh hoặc cắt bỏ một phần vú, việc bóc tách hạch bạch huyết có thể được thực hiện cùng lúc hoặc thực hiện sau đó thông qua một vết rạch riêng.

- Phẫu thuật cắt bỏ vú đơn thuần là phẫu thuật trong đó mô vú được tách ra khỏi da và cơ thành ngực bên dưới, tất cả các mô vú từ xương đòn đến xương sườn, từ đường nách trước đến xương ức đều bị loại bỏ, một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở nách có thể được loại bỏ thông qua một vết rạch riêng để kiểm tra các tế bào ung thư.

- Phẫu thuật cắt bỏ vú triệt để (phẫu thuật Halsted) sẽ loại bỏ vú và toàn bộ hạch bạch huyết xung quanh và cơ ngực. Những ca phẫu thuật này thường khiến thành ngực biến dạng và tàn tật, với khiếm khuyết lớn ở thành ngực cần phải ghép da và giảm đáng kể cảm giác và cử động ở cánh tay. Cắt bỏ tuyến vú triệt để chỉ được thực hiện đối với ung thư vú tái phát hoặc khi khối u đã di căn đến cơ ngực. Hiện nay, phương pháp này không còn áp dụng.

- Phẫu thuật cắt bỏ vú triệt căn sửa đổi là loại phổ biến nhất, phẫu thuật loại bỏ vú, núm vú, da trên khối u hình elip, hầu hết hạch bạch huyết vùng ngực nhưng thường để lại cơ ngực nguyên vẹn. Phẫu thuật để lại cho người phụ nữ hình dạng ngực bình thường hơn là phẫu thuật cắt bỏ vú triệt để.

Tập tin:Hình ảnh sau mổ cắt bán phần tuyến vú, vét hạch nách.jpg
Hình ảnh sau mổ cắt bán phần tuyến vú, vét hạch nách
Tập tin:Hình ảnh cắt toàn bộ tuyến vú + vét hạch nách.jpg
Hình ảnh cắt toàn bộ tuyến vú + vét hạch nách

Thận trọng[sửa]

Việc lựa chọn giữa các phương pháp nên được cân nhắc cẩn thận. Cắt bỏ vú làm mất cảm giác đáng kể, có thể ảnh hưởng đến cảm xúc tình dục.

Rủi ro[sửa]

Những tai biến, biến chứng khi cắt bỏ vú bao gồm:

- Biến chứng liên quan đến gây mê toàn thân

- Chảy máu quá nhiều trong hoặc sau phẫu thuật, đặc biệt là khi phẫu thuật cắt bỏ cả hai vú hoặc tái tạo vú

- Tê tại chỗ mổ hoặc đau nhẹ đến trung bình do dây thần kinh bị tổn thương

- Vết thương chậm lành do tụ dịch hoặc máu

- Nhiễm trùng

- Sẹo không mong muốn

- Các triệu chứng ảo ở vú như đau hoặc ngứa

- Phù bạch huyết sau khi cắt bỏ hạch nách (10% -20%)

- Các biến chứng phát sinh do phẫu thuật tái tạo vú

Kết quả[sửa]

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú thường không bị tái phát đối với khối u nhỏ dưới 4 cm được loại bỏ hoàn toàn (vùng rìa không còn tế bào ác tính). Đối với phụ nữ bị ung thư xâm lấn ít, xạ trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u giúp giảm 2/3 khả năng tái phát. Cắt bỏ vú dự phòng ở phụ nữ khoẻ mạnh có đột biến BRCA giảm nguy cơ ung thư vú tới 90%. Tuy nhiên, không rõ liệu phụ nữ trải qua quy trình này có nguy cơ tử vong do ung thư vú thấp hơn phụ nữ có nguy cơ cao sử dụng phương pháp giám sát cẩn thận không.

Kết quả phẫu thuật cắt bỏ vú bất thường bao gồm: loại bỏ không hoàn toàn ung thư dẫn đến tái phát sau phẫu thuật hoặc chứng đau mạn tính.

Không có giải pháp thay thế nào cho phẫu thuật cắt bỏ vú được chỉ định về mặt y khoa. Có những lựa chọn thay thế cho việc cắt bỏ vú dự phòng, bao gồm cả xét nghiệm di truyền để tìm đột biến BRCA. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú do đột biến BRCA có thể sử dụng phương pháp giám sát cẩn thận bằng chụp X- quang tuyến vú thường xuyên. Họ cũng có thể giảm nguy cơ ung thư vú bằng tamoxifen hoặc chất ức chế aromatase.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Văn Thuấn. Điều trị bệnh ung thư vú, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2014.
  2. Nguyễn Văn Hiếu. Ung thư học, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2015.
  3. Delinsky, Barbara. Uplift: Secrets from the Sisterhood of Break Cancer Survivors. 10th ed. New York: Atria, 2011.
  4. Hurley, Richart. “Jolie, Genes, and the Double Mastectomy”. British Medical Journal 346, no. 7909 (May 25, 2013): 27.
  5. American Cancer Society. “Breast Reconstruction After Mastectomy.” http://www.cancer.org/acs/group/cid/documents/webcontent/002992-pdf.pdf (accessed August 31, 2013).