Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cắt bỏ tuyến tiền liệt

Cắt bỏ tuyến tiền liệt là phẫu thuật cắt toàn bộ hoặc một phần tuyến tiền liệt.

Có ba loại phẫu thuật chính là: phẫu thuật mở cắt tuyến tiền liệt, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP) và phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc bằng nội soi hoặc có hỗ trợ của robot.

Mục đích[sửa]

Nó thường được sử dụng để điều trị bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt-một tình trạng mà các khối u lành tính phát triển trong tuyến tiền liệt cũng như trong điều trị un thư tuyến tiền liệt khi có chỉ định.

Mô tả[sửa]

Phẫu thuật mở cắt tuyến tiền liệt: Tác dụng chính của phẫu thuật này là để điều trị bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Phẫu thuật mở là phương pháp điều trị được lựa chọn cho khoảng 2-3% bệnh nhân có tuyến tiền liệt rất lớn, bàng quang bị tổn thương hoặc một số vấn đề nghiêm trọng khác liên quan. Phẫu thuật mở được sử dụng khi tuyến tiền liệt quá lớn (80 -100 g) mà phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP) không thể thực hiện được hoặc khi bệnh nhân có sỏi bàng quang kích thước lớn kèm theo. Ngoài ra, phẫu thuật còn được chỉ định cho nam giới với đặc điểm:

  • Bí đái cấp.
  • Tắc nghẽn dòng chảy từ bàng quang.
  • Những thay đổi bệnh lý ở bàng quang, niệu quản hoặc thận do sự tắc nghẽn của tuyến tiền liệt gây nên.
  • Đái máu tái diễn có nguồn gốc từ tuyến tiền liệt.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu kéo dài hoặc tái diễn.

Chống chỉ định của phẫu thuật bao gồm: phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt trước đó, ung thư tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt nhỏ và phẫu thuật vùng chậu trước đó mà có thể gây cản trở việc tiếp cận với tuyến tiền liệt.

Các loại phẫu thuật mở phổ biến: phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc qua đường đáy chậu và phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc qua đường sau xương mu.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP) thường được sử dụng để điều trị bệnh. Nó cũng được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt. TURP gồm 4 loại là: TURP thông thường, TURP lưỡng cực, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt bằng laser và cắt bỏ plasmakinetic.

Phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc (LRP) được sử dụng để loạibỏ toàn bộ tuyến tiền liệt trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Ưu điểm của phương pháp là ít gây ra chảy máuvà các rủi ro khác trong quá trình phẫu thuật cũng như các biến chứng sau phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc có hỗ trợ của robot bao gồm các vết mổ chính tương tự như LRP. Tuy nhiên, phương pháp này có độ chính xác cao hơn và các vết mổ nhỏ hơn, dẫn đến làm giảm đau,chảy máu và nguy cơ nhiễm trùng, cũng như thời gian lành vết thương và thời gian nằm viện ngắn hơn.

Sự chuẩn bị[sửa]

Nam giới cần phải xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt (PSA) và thăm trực tràng định kỳ (DRE) trước khi phẫu thuật. Nếu nồng độ PSA và DRE là dấu hiệu nghi ngờ của ung thư tuyến tiền liệt, sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn siêu âm phải được thực hiện trước khi phẫu thuật mở cắt tuyến tiền liệt để phát hiện sự hiện diện của ung thư tuyến tiền liệt.Ngoài ra, bệnh nhân trước phẫu thuật nên được kiểm tra đường tiết niệu dưới bao gồm: tốc độ dòng nước tiểu và lượng nước tiểu tồn dư trong bàng quang.

Chăm sóc sau phẫu thuật[sửa]

Đối với phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo, kiểm soát đau là một trong những mục tiêu chính ngay sau phẫu thuật. Thuốc giảm đau sẽ được chỉ định khi cần thiết. Thuốc chống co thắt có thể được dùng bằng đường uống hoặc qua đường trực tràng nếu xảy ra co thắt bàng quang. Sau khi rút ống thông tiểu, ngừng thuốc chống co thắt đường trực tràng để bàng quang hoạt động trở lại bình thường. Bắt đầu đi bộ càng sớm càng tốt sau phẫu thuật sẽ giúp chức năng ruột bình thường trở lại. Nó cũng giúp thở hiệu quả hơn, cải thiện tuần hoàn, ngăn ngừa cứng khớp và giảm áp lực.

Sau khi bị ra viện, bệnh nhân nên thực hiện theo những khuyến cáo sau trong vòng từ bốn đến sáu tuần:

  • Không thực hiện bất kỳ bài tập gắng sức hoặc nâng vật nặng.
  • Tránh táo bón.
  • Không dùng các thuốc nhưAspirin, Motrin, Advil, Nuprin hoặc NSAIDS trong ít nhất 6tuần sau phẫu thuật.
  • Tránh hoạt động tình dục trong 4 tuần sauphẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt có thể cho phép bệnh nhân về nhà trong ngày sau phẫu thuật. Bệnh nhân thường được khuyên nên nằm trên giường cho đến sáng sau khi phẫu thuật. Sau đó, nên di chuyển càng nhiều càng tốt.

Các kết quả[sửa]

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo cho kết quả tốt với khoảng 80-90% bệnh nhân tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Đối với phẫu thuật mở cắt tuyến tiền liệt, bệnh nhân thường sẽ không có chảy máu.Đái máu thường được giải quyết trong vòng hai ngày sau phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc thường có kết quả rất khả quan. Ngoài ra, phương pháp này giúpgiảm thời gian nằm viện, kiểm soát đau tốt hơn, giảm thời gian đặt ống thông và nhanh chóng trở lại các hoạt động hàng ngày so với các phương pháp khác.

Rủi ro[sửa]

Đối với phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo, những bệnh nhân có vấn đề về tim không được phẫu thuật vì nguy cơ chảy máu nặng. Các biến chứng khác từ phẫu thuật bao gồm: hẹp cổ bàng quang, bí đái tạm thời, đái không tự chủ, nhiễm trùng đường tiết niệu, xuất tinh ngược, cương dương.

Những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật với phẫu thuật mở đã làm giảm nguy cơ chảy máu đến mức tối thiểu.

Đối với phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc, các rủi ro bao gồm:tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, liệt dương, hẹp niệu đạo.

Kết quả[sửa]

Kết quả với phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo là tuyệt vời cho 80-90% bệnh nhân. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chung là cực kỳ thấp đối với bệnh nhân phẫu thuật mở cắt tuyến tiền liệt. Cắt nội soi tuyến tiền liệt triệt để được coi là an toàn nhất trong các thủ thuật.

Lựa chọn thay thế[sửa]

Đối với các tuyến tiền liệt nhỏ hơn, điều trị bằng thuốc có thể giúp kiểm soát sự phát triển bất thường của tuyến tiền liệt. Khi tuyến tiền liệt lớn (75 gram và lớn hơn), phẫu thuật sẽ được chỉ định.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Văn Bình (2010), Điều trị phẫu thuật bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
  2. Bộ y tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư tiền liệt tuyến, Hà Nội.
  3. Hội Tiết niệu-Thận học Việt Nam (2019), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tang sinh lành tính tiền liệt tuyến. Nhà xuất bản y học, Hà Nội.
  4. American College of Physiciancs, 190 N. Independence Mall West, Philadephia, PA, 19106-1572, (215) 351-2400, (800) 523-1546, http://www.acponline.org.
  5. Hubert, John, Peter Wiklund, and John H. Witt, eds. Atlas of Robotic Prostatectomy. Berlin: Springer, 2013.
  6. Klein, Eric A., and J. Stephen Jones, eds. Management of Prostate Cancer. New York: Humana Press, 2013.