Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cắt đoạn ruột

Cắt đoạn ruột là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột non hoặc đại tràng, sau đó khâu nối hai đầu đoạn ruột còn lai với nhau để khôi phục sự lưu thông tiêu hóa.

Mục đích[sửa]

Ruột là một phần của ống tiêu hóa bắt đầu từ chỗ tiếp nối với tá tràng (đoạn tiếp nối dạ dầy với ruột) đến chố tiếp nối với ống hậu môn. Ruột được chia làm 2 đoạn: tiểu tràng (ruột non) và đại tràng (ruột già). Tiểu tràng bắt đầu từ chỗ tiếp nối với tá tràng đến đại tràng, dài từ 5,5 mét đến 9 mét trung bình 6,5 mét, đoạn đầu của tiểu tràng là hỗng tràng dài độ 5,8 m đoạn tiếp theo là hồi tràng dài khoảng 0,7 m, gianh giới hai đoạn này thường không rõ. Cấu tạo tiểu tràng có 4 lớp: lớp ngoài cùng là thanh mạc, sau đén lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc. Trên niêm mạc ruột non có những núm nhỏ nổi lên gọi là nhung mao có chiều cao từ 0,2 đến 1 mm với số lượng rất nhiều khoảng 1.000/cm2. Trong mỗi nhung mao có lưới mao mạch và bạch huyết. Chức năng của ruột non là tiêu hóa thức ăn là protein, lipid, glucid thành các sản phẩm cuối cùng được hấp thu qua các nhung mao theo đường tĩnh mạch về gan sau đó theo tĩnh mạch chủ về tim.

Đại tràng là phần cuối của ống tiêu hóa, tiếp theo hồi tràng đến ống hậu môn, có hình chữ U ngược quây quanh tiểu trang, dài từ 1,4m đến 1,8m chia thành 5 đoạn. Đoạn đầu tiên là manh tràng tiếp nối với hồi tràng qua một van gọi là van hồi-manh tràng giúp đưa thức ăn đi theo một chiều. Tiếp theo là đại tràng lên đến gan thì chạy sang bên trái đến lách gọi là đại tràng ngang, từ đây đại tràng đi xuống dưới hố châụ trái gọi là đại tràng xuống để tiếp nối với đại tràng ở hố chậu có hình chữ S gọi là đại tràng xích ma. Cuối cùng tiếp nối với trực tràng. Đại tràng có 4 lớp như tiểu tràng nhưng lớp niêm mạc không có nhung mao, chỉ có các tuyến tiết chất nhầy giúp bảo vệ niêm mac ruột và phân di chuyển dễ dàng hơn. Đại tràng có chức năng tích trữ và bài tiết phân, đại tràng còn chức năng hấp thu nước làm phân rắn lại, có khả năng hấp thu một số chất dinh dưỡng. Trong lòng đại tràng có nhiều vi khuẩn ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn có hại và tổng hợp mộ số vitamin.

Các nguyên nhân dẫn đến cắt doạn ruột hay gặp nhất là các khối u. Ở ruột non thường là u lành tính, ở đại tràng chủ yếu là ung thư. Ngoài ra là các bệnh pôlip, viêm túi thừa, viêm loét ruột nặng, hoại tử ruột do xoắn ruột hoặc do tắc mạch, các tổn thương ruột nặng do chấn thương bụng hoặc vết thương bung gây ra…

Mô tả[sửa]

Có nhiều phương pháp cắt ruột khác nhau tuy theo vị trí đoạn ruột bị tổn thương. Đối với ruột non, đoạn ruột cắt bỏ là đoạn ruột tổn thương và khoảng 5-7 cm đoạn ruột lành ở 2 đầu đoạn ruột tổn thương, sau đó 2 đầu đoạn ruột còn lại được nối với nhau.

Đối với đại tràng, do phụ thuộc vào mạch máu nuôi ruột nên thường có các loại phẫu thuật sau : Cắt nửa đại tràng phải là phẫu thuật lấy bỏ 20-30cm hồi tràng, manh tràng, đại tràng lên và nửa phải đại tràng ngang. Phẫu thuật này được lưạ chọn cho tất cả các tổn thương ở bất kỳ vị trí nào ở đại tràng phải.

Phẫu thuật cắt nửa đại tràng trái bao gồm cắt nửa trái đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng xích ma. Phẫu thuật này được thực hiện đối với các khối u ác tình ở đại tràng bên trái. Sau khi cắt đại tràng việc khâu nối đầu trên của đại tràng trái với trực tràng chỉ thực hiện khi đại tràng được chuẩn bị tốt. Trong trường hợp tiên lượng miệng nối có nguy cơ bục sau mổ thì đầu trên của đại tràng được đưa ra ngoài ổ bụng qua một đường rạch nhỏ để phân ra ngoài gọi là hậu môn nhân tạo. Hậu môn nhân tạo được đóng lại sau vài tháng.

Phẫu thuật cắt nửa đại tràng trái là phẫu thuật nặng, vì vậy trong trường hợp ung thư đại tràng trái có kích thước nhỏ chỉ cần cắt một phần đại tràng : Với khôi u ở đại tràng góc lách hoặc đại tràng xuống thì cắt một phần đại tràng ngang và đại tràng xuống, gọi là phẫu thuật cắt nửa đại tràng trái cao. Khôi u ở đại tràng xuống hoặc đại tràng xích ma thì cắt một phần đại tràng xuống và đại tràng xích ma, gọi là phẫu thuật cắt nửa đại tràng trái thấp. Phẫu thuật cắt trực tràng thường được thực hiện trong ung thư trực tràng. Đối với ung thư ở vị trí cao, sau khi cắt trực tràng với khối u thì phục hồi lưu thông dường tiêu hóa bằng cách khâu nối đại tràng xích ma với trực tràng. Đối với u ở thấp gần hậu ôn thì phải cắt bỏ toàn bộ trực tràng với hậu môn và đưa đại tràng xích ma ra ngoài làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.

Các phẫu thuật cắt đại tràng có thể thực hiện bằng phương pháp mổ mở truyền thống và cũng có thể mổ bằng phẫu thuật nội soi.

Chuẩn bị[sửa]

Bệnh nhân cần khám lâm sàng kỹ càng và làm các xét nghiệm cần thiêt để đánh giá tình trạng của bệnh yêu cầu phải cắt ruột như chụp đại tràng có bơm thuốt cản quang baryte, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ và nội soi đại tràng. Ngoài ra phải khám toàn thể đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân và tình trạng chức năng của các cơ quan qua các xét nghiệm máu, sinh hóa, điện tim …

Đối với mổ cắt đại tràng, bệnh nhân được yêu cầu làm sạch ruột. Đây là một bước quan trọng để dự phòng và hạn chế các biến chứng sau mổ do trong lòng đại tràng rất bẩn. Để làm sạch ruột, bệnh nhân thường được áp dụng chế độ ăn ít chất bã trong vài ngày trước khi phẫu thuật. Chế độ ăn lỏng có thể được chỉ định ít nhất một ngày trước khi phẫu thuật, không uống gì sau nửa đêm. Làm sạch ruột bằng cách thụt tháo phân hoặc uống thuốc nhuận tràng như fortrans hoặc manitol. Bệnh nhân cũng có thể được kê đơn thuốc kháng sinh uống (neomycin, erythromycin hoặc kanamycin sulfate) một ngày trước khi phẫu thuật để giảm vi khuẩn trong ruột và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật. Một ống thông mũi dạ dày được đưa qua mũi vào dạ dày trong khi phẫu thuật và có thể được giữ trong 24-48 giờ sau khi phẫu thuật. Điều này loại bỏ các chất tiết trong dạ dày ngăn ngừa buồn nôn và nôn. Một ống thông tiểu có thể được đưa vào để giữ cho bàng quang trống trong khi phẫu thuật, tạo thêm không gian cho trường mổ và giảm nguy cơ chấn thương..

Chăm sóc[sửa]

Chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân bao gồm theo dõi huyết áp, mạch, hô hấp và nhiệt độ. Thở có xu hướng nông hơn do tác dụng của thuốc mê và đau vét mổ. Bệnh nhân được hướng dẫn cách thở sâu và ho, đồng thời được dùng thuốc giảm đau khi cần thiết. Dịch và chất điện giải được truyền vào tĩnh mạch cho đến khi có trung tiện, chế độ ăn uống của bệnh nhân bắt đầu bằng chất lỏng vài ngày. Bệnh nhân có thể tập đi sau 24 giờ và ra viện sau 7 ngày. Với phẫu thuật nội soi có thể ra viện sớm hơn. Quá trình hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật có thể mất hai tháng.

Rủi ro[sửa]

Các rủi ro trong khi mổ cắt đại tràng phải là làm tổn thương niệu quản phải và tá tràng, đối với cắt đại tràng trái có thể làm tổn thương niệu quản trái và lách. Để ngăn ngừa các rủi ro này trong quá trình bóc tách đại tràng phải cẩn thận.

Các biễn chứng sau phẫu thuật: ngoài các biến chứng chung của phẫu thuật bụng như chẩy máu, viêm phổi, viêm tác tĩnh mạch, tắc ruột, nhiễm trùng vết mổ…thì biến chứng bục xì miệng nối hay gặp và nguy hiểm vì chất chứa trong lòng ruột vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Tỷ lệ này gặp khoảng 5-10%, nguyên nhân tỷ lệ cao là do mạch máu nuôi dưỡng đại trạng kém, thành đại tràng mỏng và trong lòng đại tràng nhiều vi khuẩn. Để đề phòng biến chứng này việc làm sách đại tràng trước khi mổ phải làm tốt, trong khi mổ nếu tiên lượng miệng nối không đảm bảo thì nên làm hậu môn nhân tạo trên miệng nối hoặc để một ống thông trong lòng ruột trên miệng nối.

Kết quả[sửa]

Kết quả của cắt ruột tùy thuộc vào bệnh lý có chỉ định cắt ruột, độ dài của đoạn ruột còn lại và tình trạng của bệnh nhân trước khi mổ. Phần lớn những bệnh nhân cắt ruột do các bệnh lành tính thường có cuộc sống trở lại bình thường. Khoảng 70% bệnh nhân ung thư ruột có thể chữa khỏ bằng phẫu thuật cắt ruột. Giải pháp thay thế

Các lựa chọn thay thế cho việc cắt bỏ ruột phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể đang được điều trị. Đối với hầu hết các trường hợp được chỉ định cắt bỏ ruột, giải pháp thay thế duy nhất là điều trị bằng thuốc. Trong trường hợp ung thư ruột, điều trị bằng thuốc đơn thuần sẽ không chữa khỏi bệnh nên không có giải pháp thay thế. Đối với các tình trạng khác như viêm loét, túi thừa có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và chế độ ăn hợp lý.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đỗ Xuân Hơp, Giải phẫu bung. NXB Y hoc và thể dục thể thao, 1997.
  2. Jean Quenu, Jean Loygue, Jean Perrotin, Claude Dubost et Jean Moreaux “Operation sur les parois de l abdomen et sur les tube digestive” Masson & CIE, Paris, 1967.
  3. C. Sabiston “Texbook of Surgery The Biological Basis of Modern Surgical Practic”, Volum 2, 2001. Pag. 873-969.
  4. Lê Thế Trung, Phạm Gia Khánh. “Bệnh học ngoại khoa” Tập 2, 2002, NXB. Quân đội nhân dân. Tr.258-277.
  5. Jacqueline L. Longe. The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum IV, 2015, Tr. 816-820.