Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cầu toàn

Cầu toàn là một kiểu nhân cách theo đuổi sự hoàn hảo, đặt ra các tiêu chuẩn cao cho bản thân và/hoặc người khác trong mọi việc. Người theo đuổi sự hoàn hảo hay chủ nghĩa hoàn hảo được gọi là người cầu toàn. Người cầu toàn có mong muốn mọi thứ đều phải hoàn hảo hoặc chính xác.

Theo truyền thống, thuật ngữ chủ nghĩa hoàn hảo, người cầu toàn thường gắn với những đặc điểm tiêu cực: xu hướng đặt ra các tiêu chuẩn cao không thực tế về thành tích của bản thân và người khác, cùng với việc không thể chấp nhận những sai lầm hoặc sự không hoàn hảo về ngoại hình cá nhân, trong việc chăm sóc nhà cửa hoặc công việc; có thể kèm theo nỗi ám ảnh về sự trọn vẹn, thuần khiết hoặc tốt đẹp.

Chủ nghĩa hoàn hảo có hai thành phần: tiêu chuẩn cao không tưởng và các hành vi nhằm giúp đạt được tiêu chuẩn và tránh sai lầm. Các tiêu chuẩn cao cản trở thành tích và hành vi cầu toàn trở thành một trở ngại thay vì một phương tiện để đạt được mục tiêu. Do nỗ lực mang tính chất ám ảnh và tiêu chuẩn cao về thành tích kết hợp với năng khiếu tự nhiên, những người cầu toàn có thể đạt được thành tích cao về thể thao, âm nhạc, học tập hoặc xã hội, nhưng cũng có thể không đạt được thành tích. Những người cầu toàn tin rằng chỉ có một kết quả đúng và một cách để đạt được kết quả đó. Suy nghĩ này gây ra sự thiếu quyết đoán, vì họ sợ rằng một quyết định, khi được đưa ra, sẽ hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai. Do đòi hỏi độ chính xác cao, họ mất quá nhiều thời gian để thực hiện các nhiệm vụ. Ngay cả những nhiệm vụ nhỏ cũng trở nên quá tải, dẫn đến sự thất vọng, trì hoãn và thêm lo lắng do thời gian hạn chế. Những người cầu toàn thường chỉ trích bản thân về những sai lầm hoặc thất bại và coi thường thành công của mình. Quá lo lắng về thành tích trong tương lai, họ không thể tận hưởng những thành công hiện tại. Sự lo lắng về sự hoàn hảo có thể gây ra đau đầu, các vấn đề về tiêu hóa, căng cơ và các vấn đề về tim mạch. Sự lo lắng cũng có thể gây ra hiện tượng “mất trí nhớ” hoặc mất trí nhớ tạm thời trước các sự kiện như biểu diễn âm nhạc hoặc kỳ thi học thuật. Người cầu toàn cũng ngại thử các hoạt động mới vì sợ thất bại. Người cầu toàn theo đuổi sự hoàn hảo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, thay vì trong một lĩnh vực. Ở các dạng cực đoan, chủ nghĩa hoàn hảo có thể góp phần gây ra trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Các hội chứng phổ biến hơn của chứng chán ăn tâm thần và chứng ăn vô độ có thể được coi là một dạng cực đoan của chủ nghĩa hoàn hảo hướng về cơ thể và vẻ ngoài. Sự cầu toàn có thể có nguyên nhân di truyền và/hoặc môi trường. Định hướng cầu toàn thường thể hiện rõ ở những năm mẫu giáo, mặc dù nó có thể không gây ra vấn đề gì cho đến những năm đại học.

Nhiều nhà tâm lý học cho rằng chủ nghĩa hoàn hảo có hai hình thức: tích cực và tiêu cực. Chủ nghĩa hoàn hảo tích cực chính là sự phấn đấu theo đuổi sự hoàn hảo với những chuẩn mực cá nhân cao và chủ nghĩa hoàn hảo hướng vào bản thân (cầu toàn đối với bản thân). Chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực là sự bận tâm về sự hoàn hảo một cách tiêu cực với những lo lắng về sai lầm, những nghi ngờ về hành động, áp lực về sự ghi nhận của xã hội và nhận thức về sự khác biệt giữa những thành tựu thực tế và kỳ vọng cao. Theo tiếp cận nhóm, các nhà nghiên cứu thường chia những người cầu toàn thành 3 nhóm như sau: (1) những người theo chủ nghĩa hoàn hảo lành mạnh là những cá nhân có mức độ nỗ lực theo đuổi sự hoàn hảo cao và mức độ bận tâm về sự hoàn hảo thấp; (2) những người cầu toàn không lành mạnh là những cá nhân có mức độ nỗ lực theo đuổi sự hoàn hảo cao và mức độ bận tâm về sự cầu toàn cao và (3) những người không cầu toàn như những cá nhân có mức độ nỗ lực theo đuổi sự hoàn hảo thấp. Kết hợp tiếp cận chiều cạnh và tiếp cận theo nhóm, Hewitt và Flett (1991) phân chia những người cầu toàn thành 3 nhóm sau: (1) Nhóm thứ nhất bao gồm những người cầu toàn do nhu cầu nội tại, tức là họ chỉ đặt ra các tiêu chuẩn rất cao đối với bản thân mình; (2) Nhóm thứ hai bao gồm những người cầu toàn do đòi hỏi xã hội, tức là những người tin rằng bản thân có được người khác chấp nhận hay không tùy thuộc vào sự hoàn hảo của mình và (3) Nhóm thứ ba bao gồm những người cầu toàn với người khác hay những người đòi hỏi người khác phải hoàn hảo.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Manes, S., Be a Perfect Person in Just Three Days, New York: Bantam/Skylark Books, 1987.
  2. Adderholdt-Elliott, M.R., Perfectionism: What’s Bad About Being Too Good, Minneapolis: Free Spirit, 1987.
  3. Hewitt, P. L., & Flett, G. L., Perfectionism in the self and social contexts: Conception, assessment, and association with psychopathology, Journal of Personality and Social Psychology, 60, 1991, pp. 456 - 470.
  4. Mallinger, A.E. and J. DeWyze., Too Perfect: When Being in Control Gets Out of Control, NY: Random House, 1993.
  5. Stoeber, J. & Otto, K., Positive Conceptions of Perfectionism: Approaches, Evidence, Challenges, Personality and Social Psychology Review, Vol. 10, No. 4, 2006, pp. 295 - 319.
  6. Frost, N., The problem with perfectionists, Source: BBC WorkLife, 2019.