Cần sa là một loại chất kích thích thần kinh, gây ảo giác, được chiết xuất từ cây gai dầu.
Cần sa có khả năng gây tác động mạnh lên cơ thể người vì nó có chứa các chất kích thích thần kinh (cannabinoids); mạnh nhất là chất Delta-9-tetrahydro-cannabinol, chất chính gây kích thích não bộ, từ đó làm ảnh hưởng tới trạng thái tinh thần và hành vi của người sử dụng. Cần sa tác động thông qua hệ thống đường dẫn truyền, gửi tín hiệu đến các tế bào trong toàn bộ hệ thần kinh, kích thích trực tiếp những trung khu trong não bộ liên quan đến học hành, trí nhớ, điều phối các hoạt động của cơ thể và cảm xúc thỏa mãn.
Những bất lợi tâm lý khi lạm dụng cần sa: Trong cần sa có 3 chất chính đã được tìm thấy là Cannabinoid, Tetrahydrocannabinol (THC) và Cannabinol. Trong đó, THC là hoạt chất chính gây ảnh hưởng về mặt tâm lý. Hoạt chất THC trong cần sa được xếp vào nhóm chất gây ảo giác, dễ tan trong chất béo nên khi hút vào, THC nhanh chóng xâm nhập mô phổi, sau vài phút người hút sẽ có những thay đổi về mặt tâm sinh lý. Sử dụng cần sa quá liều có thể gây ra cơn say cần sa. Đầu tiên là biểu hiện choáng váng, có tiếng lùng bùng hoặc bị ù đi, đầu nhẹ lâng lâng, tay chân ngược lại có cảm giác nặng hơn, bắt đầu thấy đói và thèm ăn đồ ngọt. Một vài trường hợp bị sốc khi hút cần sa dẫn đến tình trạng ói mửa, đau bụng, cay mắt và tim đập rất nhanh. Khi đó tâm lý con người có thể bị các tác động gây trạng thái hưng phấn, cười sảng khoái hoặc buồn ngủ, thẫn thờ. Khi say cần sa con người cảm thấy rất nhạy cảm với các kích thích bên ngoài, thấy chú ý của mình sâu và rộng hơn, thấy màu sắc tươi sáng và phong phú hơn, nhạy cảm hơn với âm nhạc, nghệ thuật, ngưỡng vị giác và khứu giác tăng lên. Thời gian dường như chậm lại, người bị say cần sa bắt đầu nhận thấy có rất nhiều sự kiện đang xảy ra tại mỗi thời điểm, cùng lúc nhận thấy đang ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, vừa cảm thấy mình đang hoang tưởng, rồi lại cười nhạo những ý nghĩ đó. Với những người mới thử hút lần đầu, say cần sa thường gây cảm giác lo lắng, bồn chồn, đa số họ đều rơi vào nỗi ám sợ bị người khác bắt gặp, phát hiện. Giai đoạn đầu nhanh chóng qua đi, người say cần sa sẽ thấy sảng khoái, thần kinh bị kích thích. Một số họ có những rối loạn về trí nhớ, dễ khóc, dễ cười, không kiểm soát được hành vi của bản thân và xuất hiện những ảo giác tùy theo tâm trạng lúc đó. Thậm chí âm thanh, tiếng động, màu sắc mà người đang phê thuốc cảm nhận hoàn toàn khác với người bình thường. Đáng nói hơn là hoạt chất THC còn gây ra trạng thái có tên gọi là “giải thể nhân cách” (Depersona-lization), khiến người hút nghĩ họ là anh hùng và có siêu năng lực. Họ rất dễ bị kích động và tiến hành những hành vi như nhảy nhót không ngừng, tự rạch tay chân mình, chỉ cần nghe một lời nói khích hay xúi làm chuyện xấu cũng có thể thực hiện được, kể cả giết người. Sử dụng cần sa quá mức làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần, bao gồm các triệu chứng loạn thần, trầm cảm, lo âu và nghiện. Nguy cơ và mức độ bệnh tâm thần liên quan đến liều sử dụng, tuổi sử dụng lần đầu và yếu tố di truyền. Bằng chứng rõ rệt nhất về mối liên quan giữa sử dụng cần sa và rối loạn tâm thần là ở những người có bệnh tiềm ẩn, bệnh tâm thần, nghiện hoặc các tổn thương bệnh lý khác có từ trước khi sử dụng. Hút cần sa có thể dẫn tới nguy cơ tồn tại triệu chứng loạn thần dai dẳng, dễ gây các rối loạn nhân cách.
Sử dụng cần sa có thể gây suy giảm khả năng nhận thức ở nhiều mức độ tùy thuộc vào tuổi sử dụng lần đầu và thời gian đã sử dụng. Đặc biệt sử dụng cần sa ở tuổi thanh thiếu niên có thể làm giảm vĩnh viễn chỉ số trí tuệ (IQ), tức là khi đã ngưng sử dụng cần sa cũng như khi trưởng thành rồi vẫn không hồi phục được điểm IQ bị mất. Điều này cho thấy, cần sa có ảnh hưởng lâu dài, mạnh nhất đến những người trẻ khi não bộ đang phát triển. Trên thực tế, cần sa gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phối hợp động tác, trí nhớ ngắn hạn và khả năng tập trung chú ý. Sử dụng cần sa có liên quan đến khả năng bỏ học cao hơn. Cần sa cũng liên quan nhiều đến chểnh mảng công việc dẫn tới mất việc làm và những thương tích do tai nạn xe cộ. Sử dụng cần sa cũng có liên quan đến hành vi toan tự sát và tự sát thật ở tuổi vị thành niên.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Goldschmidt L., Day N.L., Richardson G.A., Effects of prenatal marijuana exposure on child behavior problems at age 10, Neurotoxicol Teratol. 22 (3), 2000, pp. 325 - 336.
- Richardson G.A., Ryan C., Willford J., Day N.L., Goldschmidt L., Prenatal alcohol and marijuana exposure: effects on neuropsychological outcomes at 10 years, Neurotoxicol Teratol, 24 (3), 2002.
- Galli J.A., Sawaya R.A., Friedenberg F.K., Cannabinoid Hyperemesis Syndrome, Curr Drug Abuse Rev, 4 (4), 2011, pp. 241 - 249.
- Meier M.H., Caspi A., Ambler A., et al., Persistent cannabis users show neuropsychological decline from childhood to midlife, Proc Natl Acad Sci U.S.A., 109 (40): E2657-E2664, 2012.
- Jackson N.J., Isen J.D., Khoddam R., et al., Impact of adolescent marijuana use on intelligence: Results from two longitudinal twin studies, Proc Natl Acad Sci U.S.A. 113 (5): E500- E508, 2016.
- Young-Wolff K.C., Tucker L.Y., Alexeeff S., et al., Trends in Self-reported and Biochemically Tested Marijuana Use Among Pregnant Females in California From 2009 - 2016, JAMA. 318 (24): 2490, 2017.