Cấy ghép tim Phẫu thuật thay thế quả tim bị bệnh có nguy cơ đe dọa cuộc sống bằng một quả tim khỏe mạnh khác từ người hiến.
Mục đích[sửa]
Những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối hoặc mắc một số bệnh lý tim đe dọa tính mạng đã được điều trị tối ưu bằng tất cả các phương pháp mà không có kết quả cần được ghép tim để cứu sống bệnh nhân và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Những bệnh nhân được ghép tim đa số mắc bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, hoặc bệnh tim do thải ghép đã điều trị bằng các phương pháp mà không có kết quả . Những bệnh nhân trong tình trạng sau không có chỉ định ghép tim: nhiễm khuẩn tiến triển, tăng áp lực động mạch phổi, bệnh phổi mạn tính với chức năng hô hấp giảm hơn 40%, bệnh gan, thận giai đoạn cuối, ung thư đang hoạt động, đái tháo đường tổn thương nhiều cơ quan, bệnh lý tâm thần kinh hoặc bệnh nhân không có khả năng tuân thủ điều trị bài bản, nghiện chất kích thích, ma túy hoặc rượu.
Mô tả[sửa]
Ghép tim trên người được Christiaan Barnard thực hiện đầu tiên vào ngày 3/12/1967 tại Cape Town, Nam phi. Ghép tim là phẫu thuật thường gặp đứng hàng thứ 3 sau ghép thận và ghép gan. Trung bình mỗi năm trên thế giới có trên 4.000 ca ghép tim, số này thấp hơn nhiều so với số bệnh nhân có nhu cầu ghép tim do thiếu nguồn cho. Ghép tim ở Việt nam được thực hiện lần đầu tại Viện quân y 103- Học viện Quân y, tính đến năm 2019 cả nước ghép được 45 ca.
Kỹ thuật ghép: Quả tim của người hiến sau khi lấy ra dược bảo quản trong dung dịch lạnh đặc biệt và được ghép tốt nhất trong 4 giờ. Bệnh nhân ghép được gây mê, bác sỹ phẫu thuật mở dọc xương ức tiếp cận với tim. Trước khi cắt bỏ tim bệnh lý, bác sỹ lắp máy tuần hoàn ngoài cơ thể để thay thế chức năng tim và phổi đảm bảo tuới máu và cung cấp duỡng khí cho cơ thể trong khi tim người nhận được lấy bỏ. Các bác sĩ cắt bỏ tim của bệnh nhân bằng cách cắt động mạch chủ , động mạch phổi và tĩnh mạch chủ trên và dưới, chia đôi tâm nhĩ trái, để lại thành sau của tâm nhĩ trái với các lỗ thông động mạch phổi. Bác sĩ đặt tim của người hiến vào đúng vị trí tim lấy bỏ của bệnh nhân, kết nối trái tim của người hiến tặng bằng cách khâu nối tĩnh mạch chủ, động mạch chủ, động mạch phổi và tâm nhĩ trái của người nhận và người cho. Sau khi ghép các mạch máu, quả tim mới được nuôi dưỡng bởi máu người bệnh và bắt đầu đập trở lại. Nếu quả tim không đập lại, phẫu thuật viên sẽ sử dụng máy sốc để khôi phục nhịp đập.
Chăm sóc sau ghép[sửa]
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại đơn vị hồi sức tích cực vài ngày và ở lại bệnh viện trong khoảng ba, bốn tuần. Trong thời gian hậu phẫu bệnh nhân được theo dõi sát và đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của tim và các cơ quan trong cơ thể như thận, gan, não và hệ hô hấp.
Bệnh nhân nhận tim ghép được bắt đầu sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trước hoặc ngay trong khi mổ. Các thuốc được dùng phổ biến như Neoral, Sandimmune (cyclosporine), CellCept, Myfortic (Mycophenolate mofetil), Prograf (Tacrolimus), Prednisone và các loại steroid khác. Bệnh nhân cần được điều trị với liều cao các nhóm thuốc này vì quá trình thải ghép diễn ra mạnh mẽ nhất trong vài tháng đầu sau phẫu thuật. Sau thời gian này, liều các thuốc ức chế miễn dịch có thể giảm dần và bệnh nhân phải duy trì thuốc suốt đời.
Trong khoảng 3 tháng đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân nên tái khám 02 lần trong tuần để kiểm tra sức khỏe và chức năng tim mạch, kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, thải ghép hoặc các biến chứng nếu có.
Khám lâm sàng cần lưu ý đến huyết áp và nghe tim để phát hiện nhịp bất thường hoặc tiếng tim bất thường. Chức năng gan thận cần kiểm tra kĩ lưỡng, đặc biệt khi tim bị thải ghép thì các mô và cơ quan đều suy giảm chức năng.
Sinh thiết cơ tim là phương pháp lấy một mảnh cơ tim để làm giải phẫu bệnh. Kĩ thuật này được tiến hành nhờ thông tim. Mô cơ tim được đánh giá ở mức độ vi thể để đánh giá các dấu hiệu của thải ghép. Sinh thiết cơ tim thường quy thường được làm hàng tuần trong 4-8 tuần ngay sau ghép và sinh thiết định kỳ vào những khoảng thời gian dài hơn sau giai đoạn này.
Nguy cơ[sửa]
Một số biến chứng có thể gặp ngay sau phẫu thuật như: chảy máu, tràn dịch màng tim có ép tim, rối loạn nhịp tim, giảm phân suất tống máu, rối loạn thể tích tuần hoàn.
Biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất của ghép tim là thải ghép, phần lớn xẩy ra ngay sau khi ghép. Các biểu hiện thải ghép như khó thở, sốt, mệt mỏi, đau tức ngực, tăng cân do giữ nước, tiểu ít. Chẩn đoán càng sớm điều trị đáp ứng nhanh và hiệu quả hơn. Khi có thải ghép, bệnh nhân cần kết hợp nhiều nhóm thuốc ức chế miễn dịch với liều cao hơn. Phần lớn các trường hợp thải ghép đều có kết quả điều trị tốt.
Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp sau ghép tim, phần lớn là do tác dụng không mong muốn của thuốc ức chế miễn dịch. Các nhóm thuốc này tác động đến hệ miễn dịch làm giảm sức đề kháng của cơ thể tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút và các mầm bệnh vi sinh khác phát triển. Điều trị nhiễm trùng ngoài sử dụng các thuốc kháng sinh cần phải thay đổi nhóm thuốc và liều thuốc ức chế miễn dịch.
Khoảng một nửa số bệnh nhân ghép tim mắc bệnh mạch vành (mạch máu nuôi tim) sau ghép 1-5 năm. Bệnh nhân có thể có triệu chứng đau thắt ngực, đây là biến chứng của bệnh mạch máu ghép đồng loại và thải ghép mạn tính. Một trong những phương pháp điều trị vấn đề này là ghép lại. Biến chứng lâu dài khác của việc dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài là loãng xương, đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, bệnh thận, ung thư, đặc biệt là ung thư da và ung thư lympho.
Kết quả[sửa]
Kết quả của phẫu thuật ghép tim phụ thuộc vào tuổi, sức khỏe và nhiều yếu tố khác. Theo một số thống kê, tỷ lệ bệnh nhân sống thêm trên 1 năm khoảng 85%. Nguyên nhân tử vong chủ yếu trong năm đầu tiên là nhiễm khuẩn và thải ghép cấp tính. Sống thêm trên 5 năm là 70-75%, sống trên 10 năm khoảng 55%.
Sau ghép, phần lớn tim có chức năng và hoạt động bình thường. Tim ghép thường đập nhanh hơn so với tim thường vì quá trình phẫu thuật một số dây thần kinh chi phối tim bị cắt bỏ. Tim ghép cũng thường không đáp ứng tăng nhịp nhanh như tim thường trong khi bệnh nhân gắng sức. Mặc dù vậy, phần lớn bệnh nhân đều cảm thấy tốt hơn trước khi ghép tim rất nhiều, khả năng gắng sức của họ cũng cải thiện đáng kể từ sau khi ghép. Khoảng 90% người sống trên 5 năm không có biểu hiện lâm sàng của suy tim. Khỏang 30% người quay trở lại cuộc sống và lao động bình thường. Nhiều người thậm chí có thể chơi thể thao sau ghép tim. Các biện pháp thay thế
Suy tim giai đoạn cuối dù điều trị nội khoa tích cực vẫn có thể tử vong. Các thiết bị hỗ trợ thất trái có thể thay thế cho bệnh nhân không có khả năng ghép tim. Sự tiến bộ của các thiết bị hỗ trợ thất trái đã khiến cho thiết bị này được sử dụng phổ biến hơn trên lâm sàng. Các thiết bị này có vai trò giống như tim nhân tạo và hứa hẹn trở thanh phương pháp thay thế cho những bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tim trong tương lai. Một số phương pháp hứa hẹn có nhiều tiềm năng khác trong điều trị như liệu pháp gen hoặc giá đỡ mô cho phép các tế bào tim bị tổn thương tự hồi phục, nếu phương pháp này có hiệu quả có thể cho phép thay thế ghép tim trên lâm sàng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Jacqueline L. Longe. The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum 1, 2015, Tr.2327-2332
- https://www.heart.org/en/health-topics/congenital-heart-defects/care-and-treatment-for-congenital-heart-defects/heart-transplant
- https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/heart-transplant/about/pac-20384750
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/heart-transplant