(language situation)
tình hình tồn tại và hành chức của các ngôn ngữ hoặc các hình thức của ngôn ngữ trong phạm vị lãnh thổ hay cộng đồng xã hội. Theo đó, CHNN có thể chỉ giới hạn trong phạm vi của một ngôn ngữ, của các biến thể của ngôn ngữ (phương ngữ địa lí hay phương ngữ xã hội), cũng có thể là của nhiều ngôn ngữ.
CHNN là một khái niệm quan trọng của ngôn ngữ học xã hội bởi nó liên quan đến việc nhìn nhận vị thế, chức năng của các ngôn ngữ, việc sử dụng các ngôn ngữ trong các bối cảnh giao tiếp khác nhau, v.v. Đáng chú ý là, cảnh huống ngôn ngữ có hiệu quả trực tiếp đối với chính sách ngôn ngữ. Có thể nói, cùng với mục tiêu chính trị, CHNN là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định và thực hiện chính sách ngôn ngữ. "Chính sách ngôn ngữ gắn bó chặt chẽ với CHNN. Chỉ có chính sách ngôn ngữ nào mà tính đến tất cả các nhân tố của CHNN thì mới có kết quả." (Mikhalchenko, 1988).
CHNN được hình thành từ 4 nhân tố chủ yếu. Thứ nhất là nhân tố dân tộc-nhân khẩu, gồm: thành phần dân tộc, mức độ dân số giữa các dân tộc, cách cư trú của các dân tộc (tập trung hay đan xen giữa các dân tộc, định cư hay dư cư, v.v.), sự phân tầng xã hội (về giới, tuổi, thu nhập, địa vị, học vấn, tôn giáo, ...). Thứ hai là nhân tố ngôn ngữ học, gồm: đặc điểm về cấu trúc và chức năng của mỗi ngôn ngữ, như các phong cách chức năng, hệ thống thuật ngữ, truyền thống chữ viết .v.v; đặc điểm về mối quan hệ giữa các ngôn ngữ ở loại hình học, nguồn gốc và vị thế, chức năng giữa các ngôn ngữ. Thứ ba là nhân tố vật chất, gồm: các tài liệu giúp cho sự tồn tại và phổ biến các ngôn ngữ như: từ điển, sách hội thoại, tài liệu dạy-học; điều kiện vật chất như lớp học ngôn ngữ và giáo viên dạy ngôn ngữ đó. Thứ tư là nhân tố con người, gồm: khả năng về ngôn ngữ và thái độ ngôn ngữ họ đối với ngôn ngữ của cộng đồng mình (trung thành, tự ti hay đề cao thái quá) và đối với ngôn ngữ của cộng đồng khác (tôn trọng hay xem thường).
Đối với các cộng đồng đa ngữ (như khu vực, quốc gia hay tại các vùng miền), bên cạnh các nhân tố nêu trên, CHNN cần tính đến các nhân tố như: Một là, hoàn cảnh, trong đó xuất hiện nhu cầu các trạng thái đa ngữ: việc cùng tồn tại các cộng đồng thuộc các ngôn ngữ khác nhau; áp lực của cộng đồng này đối với cộng đồng khác; sự tác động của cá nhân tố ngoài ngôn ngữ như chính trị, kinh tế, văn hóa đối với sự tồn tại và hành chức của các ngôn ngữ. Hai là, tình hình ở các cộng đa ngữ: số lượng người sử dụng của mỗi ngôn ngữ; số lượng người sử dụng tiếng mẹ đẻ so với số lượng người sử dụng các ngôn ngữ khác; ảnh hưởng của việc cư trú đối với mỗi ngôn ngữ, trong đó chú trọng đến tiếng mẹ đẻ (cư trú tập hay phân tán, cư trú tập trung hay đan xen). Ba là, các điều kiện ngôn ngữ làm cho đa ngữ phát triển như: Mối quan hệ giữa các ngôn ngữ về cội nguồn (thân thuộc hay xa lạ), loại hình học (cùng loại hình hay khác loại hình), chức năng (sự phân bố chức năng giữa các ngôn ngữ). Ý nghĩa của sự tác động qua lại giữa các ngôn ngữ, như: sự tác động qua lại giữa các ngôn ngữ trên cơ sở bình đẳng về chính trị và bình đẳng trước pháp luật; sự tác động qua lại trên cơ sở bình đẳng về chính trị nhưng không bình đẳng trước pháp luật.
Trên cơ sở của sự hình thành thành CHNN, có thể đưa ra ba tiêu chí tổng hợp về CHNN, đó là: tiêu chí về định lượng, tiêu chí về định chất và tiêu chí về định giá.
a. Tiêu chí về lượng, gồm các thông số: 1/ Số ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ, số lượng biến thể ngôn ngữ trong xã hội đa phương ngữ); 2/ Số lượng người sử dụng từng ngôn ngữ, biến thể ngôn ngữ; 3/ Phạm vi giao tiếp của từng ngôn ngữ, của biến thể ngôn ngữ; 4/ Số lượng ngôn ngữ, biến thể ngôn ngữ nổi trội về mặt chức năng.
b. Tiêu chí về chất, gồm các thông số: 1/ Các ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ có phải là ngôn ngữ thực sự (ngôn ngữ độc lập) hay chỉ là biến thể của ngôn ngữ và ngược lại; 2/ Quan hệ giữa các ngôn ngữ, biến thể ngôn ngữ về cấu trúc - cội nguồn; 3/ Quan hệ giữa các ngôn ngữ, biến thể ngôn ngữ có ngang bằng về chức năng hay không; 4/ Đặc điểm ngôn ngữ nổi trội trong phạm vi quốc gia.
c. Tiêu chí về thái độ ngôn ngữ, gồm thái độ trung thành ngôn ngữ, thái độ tự ti ngôn ngữ và thái độ xem thường ngôn ngữ (còn gọi là chủ nghĩa xô-vanh trong ngôn ngữ). Các thái độ này được thể hiện ở cách nhìn nhận ngôn ngữ hay biến thể ngôn ngữ của cộng đồng mình và cách nhìn nhận ngôn ngữ hay biến thể ngôn ngữ của cộng đồng khác.
Nếu như ngôn ngữ học cấu trúc chú trọng tới loại hình học và cội nguồn để phân loại ngôn ngữ thì ngôn ngữ học xã hội từ góc độ CHNN để phân loại. Chẳng hạn:
Thứ nhất, từ góc độ vị thế về chức năng giao tiếp ngôn ngữ, có thể phân loại ngôn ngữ thế giới thành hai loại lớn là sự bình đẳng và sự không bình đẳng về chức năng giao tiếp.
Thứ hai, từ góc độ mức phát triển về chức năng giao tiếp ngôn ngữ có thể phân chia CHNN thành hai loại lớn là ngôn ngữ có văn tự và ngôn ngữ chưa có văn tự. Ngôn ngữ có văn tự có thể chia làm hai tiểu loại là ngôn ngữ có truyền thống văn tự và ngôn ngữ mới có văn tự. Ngôn ngữ chưa có văn tự là những ngôn ngữ hiện chưa có chữ viết, hay nói một cách chính xác là chưa có hệ thống văn tự chung. Ví dụ, hiện ở Việt Nam còn tới khoảng trên 20 ngôn ngữ chưa có chữ viết chính thức (tức là có thể đã và đang có một hay nhiều cách ghi).
Thứ ba, từ góc độ phạm vi chức năng giao tiếp của ngôn ngữ có thể phân chia CHNN thành: ngôn ngữ giao tiếp dân tộc; ngôn ngữ giao tiếp khu vực; ngôn ngữ giao tiếp đời thường; ngôn ngữ hoạt động kinh tế; ngôn ngữ hoạt động chính trị xã hội; ngôn ngữ khoa học kĩ thuật; ngôn ngữ tôn giáo; v.v.
Thứ tư, từ góc độ số lượng chức năng giao tiếp có thể phân chia ngôn ngữ thành: Ngôn ngữ có chức năng đơn nhất hay đơn chức năng (các các phương ngữ của ngôn ngữ sách vở hoặc ngôn ngữ chưa có chữ viết của ngôn ngữ dân tộc thiểu số, ngôn ngữ sử dụng ở thành phố, ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, ngôn ngữ của các nhóm xã hội, ngôn ngữ tôn giáo, v.v) và ngôn ngữ có nhiều chức năng hay đa chức năng (phương ngữ sách vở, ngôn ngữ thông dụng toàn quốc, v.v).
Thứ năm, dựa vào các tiêu chí “duy nhất” (unique) hay “không duy nhất” (non-unique), tiếp giáp (adjoining) và không tiếp giáp (non-adjoining), kết dính (cohesive) và không kết dính (non-cohesive) để phân loại CHNN. Chẳng hạn, dựa vào thuộc tính “duy nhất” (unique) hay “không duy nhất” (non-unique) có thể phân loại CHNN thành: 1/Ngôn ngữ chỉ tồn tại duy nhất trong một một quốc gia mà không có ở các quốc gia khác (ví dụ, tiếng Mường, tiếng Mạ ở Việt Nam); 2/ Ngôn ngữ không tồn tại duy nhất nhưng luôn là ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong một một quốc gia mà không có ở các quốc gia khác (ví dụ, tiếng Mông ở Việt Nam và tiếng Mèo ở Trung Quốc); 3/ Ngôn ngữ không tồn tại duy nhất nhưng là đa số ở hoàn cảnh này và là thiểu số ở hoàn cảnh khác (ví dụ, tiếng Thái là ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhưng là ngôn ngữ đa số ở Thái Lan). Dựa vào tiêu chí tính tiếp giáp (adjoining) và không tiếp giáp (non-adjoining) về đại lí để phân loại CHNN. Ví dụ, tiếng Khmer ở Việt Nam và tiếng Khmer ở Campuchia có sự tiếp giáp nhau về địa lí. Dựa vào là tính kết dính (cohesive) và không kết dính (non-cohesive) để phân loại CHNN. Ví dụ, các ngôn ngữ thuộc nhóm Chăm như Gia Rai, Chu Ru, Ê Đê, Chăm.
Tài liệu tham khảo
1. V.Ju. Mikhal’chenko, Những vấn đề dân tộc ngôn ngữ ở Liên Bang Nga: Cảnh huống ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ, in trong “Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc”, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1997, tr. 136.
2. Viện Ngôn ngữ học (tuyển chọn và dịch), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1997.
3. Nguyễn Văn Khang, Cảnh huống ngôn ngữ, trong “Ngôn ngữ học xã hội”. Nxb Giáo dục Việt Nam, chương 3, 2012,tr.58-83.
4. Viện Ngôn ngữ học, Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2012.
5. Nguyễn Văn Khang, Cảnh huống ngôn ngữ ở Việt nam hiện nay, trong “Chính sách ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, 2014, tr.254-295.
6. Ronald Wardhaugh, An Introduction to Sociolinguistics. Black Well Publishing, 2006 ( in lần đầu 1986).
7. Li Yuming, Li Wei, The Language Situation in China, eBook (PDF), ISBN: 978-1-61451-253-0.
8. Colin Baker (Đinh Lư Giang dịch), Foundations of Bilingual Education and Bilingualism ( Những cơ sở của giáo dục song ngữ và vấn đề song ngữ), Nxb Đại học quốc Tp. Hồ Chí Minh, 2008.