Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cảnh giới

Cảnh giới là loại bảo đảm tác chiến do phân đội, binh đội, binh đoàn tổ chức trong chiến đấu, hành quân, trú quân để phát hiện, thông báo, theo dõi và kịp thời ngăn chặn đối phương trinh sát và tập kích bất ngờ, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội triển khai chiến đấu, hành quân, trú quân.

Theo tính chất nhiệm vụ có: Cảnh giới chiến đấu; cảnh giới hành quân và cảnh giới trú quân. Theo môi trường có: cảnh giới trên mặt đất; cảnh giới trên không và cảnh giới trên biển.

Từ xa xưa, con người đã biết tổ chức các chòi canh để cảnh giới phòng, chống thú dữ, bảo vệ tính mạng và sản xuất của mình; khi hình thành quân đội, cảnh giới được vận dụng phổ biến để bảo vệ đội hình chiến đấu, hành quân, trú quân và được đưa vào điều lệnh chiến đấu, canh phòng của quân đội các nước.

Cảnh giới chiến đấu, được tiến hành trong các trận chiến đấu (chiến dịch) nhằm ngăn chặn trinh sát mặt đất, trên không của địch; yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ bộ phận cảnh giới của lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ theo dõi, nắm chắc mọi hoạt của địch trên không và mặt đất không để bị bất ngờ; chuẩn bị đầy đủ các phương án, chủ động xử trí các tình huống. Công tác cảnh giới được tiến hành từ quá trình chuẩn bị, thực hành chiến đấu và sau chiến đấu.

Trong chiến đấu tiến công, tổ chức cảnh giới bằng cử ra các tổ, đài (vọng) quan sát, kết hợp với lực lượng cảnh giới các khu vực phòng thủ nắm địch trên không, mặt đất cho các lực lượng xây dựng trận địa xuất phát tiến công. Khi thực hành tiến công, cảnh giới được tổ chức trên các hướng tiến công, phát hiện kịp thời địch ứng cứu giải tỏa, co cụm, rút chạy hoặc đánh vào bên sườn, phía sau, tập kích hỏa lực… để chủ động xử trí. Sau chiến đấu phải tổ chức cảnh giới chặt chẽ phòng chống địch tăng viện phản kích, tiến công hỏa lực để bảo vệ các địa bàn, mục tiêu đã giải phóng hoặc rời khỏi khu vực tác chiến.

Trong phòng ngự, tổ chức cảnh giới mặt đất, trên không từ khu vực tác chiến vòng ngoài bằng các lực lượng trinh sát chuyên trách kết hợp với lực lượng khu vực phòng thủ để nắm địch từ xa, đồng thời tổ chức cảnh giới ở các khu vực phòng ngự, khu vực bố trí lực lượng cơ động tiến công, các sở chỉ huy và khu vực bố trí hậu cần, kỹ thuật, làm trong sạch địa bàn, phát hiện kịp thời các lực lượng biệt kích, thám báo, đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm… sẵn sàng đánh địch trong các tình huống. Thời cơ triển khai cảnh giới có thể trước hoặc cùng lúc với chiếm lĩnh trận địa (khu vực) phòng ngự, trường hợp phòng ngự trực tiếp tiếp tiếp xúc với địch cảnh giới triển khai ngay trong giai đoạn chuẩn bị phòng ngự.

Cảnh giới hành quân, thường tổ chức cảnh giới phía trước, hai bên sườn, phía sau đội hình hành quân, phải nắm chắc địch mặt đất, trên không, đặc điểm địa hình, phối hợp cùng lực lượng tại chỗ nắm chắc và làm trong sạch địa bàn; lực lượng cảnh giới thường có bộ phận cơ động trước nắm địch, địa bàn từ xa và bộ phận cơ động cùng đội hình hành quân. Cần chuẩn bị trước các phương án phòng, chống địch tập kích hỏa lực, tập kích hóa học, đưa lực lượng ra phòng ngự dự phòng, đổ bộ đường không… ngăn chặn ta từ xa và các hoạt động thám báo, biệt kích khác… để chủ động xử trí nhanh chính xác.

Cảnh giới trú quân, do các phân đội, binh đội, binh đoàn tiến hành ở các khu vực tập kết, tập trung lực lượng, nhằm bảo đảm an toàn cho các lực lượng trú quân. Người chỉ huy, căn cứ vào nhiệm vụ trú quân, đặc điểm địa hình, địa bàn và hoạt động mặt đất, trên không của địch, để tổ chức cảnh giới cho phù hợp, thường tổ chức các lực lượng quan sát, trinh sát, tuần tra, canh phòng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong địa bàn trú quân, nắm chắc tình hình địch để có các phương án phòng, tránh địch tập kích hỏa lực không quân, pháo binh, đổ bộ đường không và các hoạt động chống phá khác bảo toàn lực lượng ta.

Cảnh giới trên không do lực lượng phòng không - không quân kết hợp với các lực lượng phòng không lục quân, hải quân và phòng không nhân dân thuộc các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, để thông báo báo động địch hoạt động trinh sát, tiến công hỏa lực đường không, đổ bộ đường không, hoạt động của máy bay không người lái, tên lửa hành trình, tổ chức bằng các vọng quan sát phòng không rộng rãi của các lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, các trạm ra đa, máy bay trinh sát trực chiến và các phương tiện trinh sát kỹ thuật của Bộ Quốc phòng và các quân, binh chủng… bảo đảm cảnh giới chặt chẽ, thông báo báo động kịp thời để phòng, chống địch tiến công đường không,

Cảnh giới trên biển do lực lượng hải quân làm nòng cốt kết hợp với các lực lượng khác và lực lượng phòng thủ các huyện đảo, xã đảo và khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển, nắm chắc mọi hoạt động trên biển, trên không của địch từ biển xa đến biển gần bằng các vọng quan sát, cảnh giới ven biển, trên các đảo gần và xa bờ, các phương tiện ra đa cảnh giới, tàu tuần tiễu, máy bay trinh sát của hải quân và các lực lượng trinh sát của phòng không - không quân. Cảnh giới trên biển thực hiện trong tác chiến chống đổ bộ đường biển, phòng thủ giữ các đảo gần và xa bờ, trong cơ động lực lượng, vận tải tiếp tế trên biển, trong chống phong tỏa đường biển và trong các trận đánh, chiến dịch trên biển.

Để nâng cao khả năng cảnh giới, cần nghiên cứu nắm chắc các phương tiện trinh sát hiện đại, các biện pháp thủ đoạn hoạt động trinh sát, đánh phá của địch, chủ động chuẩn bị kế hoạch cảnh giới, nắm địch từ xa đến gần, giáo dục bộ đội, nhân dân đề cao cảnh giác, coi trọng công tác huấn luyện cảnh giới và luôn sẵn sàng chiến đấu cao cả trong thời bình và thời chiến.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tư lệnh pháo binh, Điều lệnh chiến đấu pháo binh mặt đất, lữ, trung đoàn pháo binh, năm, 1984.
  2. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh chiến đấu lục quân tiểu đoàn, đại đội, Hà Nội, 1987.
  3. Bộ Quốc phòng, Sư đoàn bộ binh phòng ngự ở địa hình trung du, Hà Nội, năm 2000.
  4. Bộ Quốc phòng, Sư đoàn bộ binh tiến công địch cơ động, Hà Nội,năm 2000.
  5. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  6. Học Viện Quốc phòng, Đặc điểm tiến công của lữ, sư đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới Mĩ, Hà Nội, 2004.
  7. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  8. Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch phòng ngự.Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.