Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cảm xúc buồn

Cảm xúc buồn là trạng thái cảm xúc của con người trong đó cảm xúc tiêu cực (âm tính) chiếm ưu thế và là thành tố chính trong trầm cảm.

Cảm xúc buồn là cảm xúc trung tâm của nỗi đau buồn và tang tóc. Rất nhiều trường hợp buồn nhưng không liên quan tới trầm cảm hoặc sự đau khổ quá lớn. Khi mất mát nhỏ hoặc điều không quan trọng có thể gây ra cảm xúc buồn ít hơn nhưng có thể gây ra sự mệt mỏi và phản ứng chậm chạp với những gì xung quanh.

Nguyên nhân[sửa]

Sự chia ly gia đình và bạn bè đều gây ra cảm xúc buồn cho con người trong tất cả các nền văn hóa. Trường hợp đặc biệt sự chia ly hay khi người yêu hoặc người bạn thân qua đời, nó làm cho cảm xúc buồn và đau khổ kéo dài hơn. Nguyên nhân cảm xúc buồn còn bao gồm mất thú cưng hoặc vật kỷ niệm nào đó. Sự lỡ hẹn hoặc thất bại cũng gây ra cảm xúc buồn. Điều này có thể là nguyên nhân nổi bật khi một người cảm thấy mình như là gốc rễ của việc lỡ hẹn hoặc thất bại đó. Một ví dụ rất thường gặp khi con người không đạt được mục tiêu của mình. Sự khiển trách mình do không kiểm soát được sự thất bại hoặc mất mát có thể làm buồn thêm và phát triển thành tổ hợp cảm xúc âm tính lớn hơn trầm cảm.

Các cá nhân có khuynh hướng khác nhau đối với cảm xúc buồn, một số người dễ có cảm xúc buồn hơn nhưng số khác lại luôn vui vẻ hơn người khác, một số khác nữa dường như họ đã từng trải hơn đối với trạng thái buồn chán. Cảm xúc buồn và các cảm xúc khác đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển khí chất và nhân cách. Kết quả một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng gen chứa đựng khoảng 50% đặc điểm nhân cách. Gen còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển trầm cảm.

Cảm xúc buồn[sửa]

Mặc dù con người thường gặp vấn đề khi nhận thức về khi nào họ buồn và mô tả về nỗi buồn đó. Những người buồn thường nói họ thất vọng và chán nản, mất can đảm hoặc tâm trạng kém. Họ có thể cảm thấy mệt mỏi và ít quan tâm tới sự vật hiện tượng xung quanh. Trạng thái chủ quan của cảm xúc buồn cản trở các quá trình tâm trí và thể chất. Sắc mặt và cơ thể thể hiện sự suy sụp điều này làm cho họ cảm nhận dấu hiệu chậm. Sự suy giảm năng lượng cơ thể có thể xuất phát từ cơ sở sinh học của cơ thể. Sự suy giảm tính tích cực của hệ thống thần kinh thực vật và mức độ truyền đạt thông tin thần kinh như serotonin… Nhưng các nghiên cứu hiện nay chưa xác định được quan hệ giữa sự mệt mỏi của lao động chân tay và sự mệt mỏi kèm theo cảm xúc buồn.

Biểu hiện của cảm xúc buồn[sửa]

Sự biểu cảm của nét mặt của cảm xúc buồn mang tính bẩm sinh và phổ biến. Các thành phần biểu cảm xuất hiện ngay từ những tuần đầu của cuộc sống. Có hai thành phần cơ bản, thứ nhất là sự không cân đối của lông mày trên mặt. Bên trong góc lông mày co xuống và chút hướng vào trong. Thứ hai là mồm ngậm lại và hướng xuống dưới, mắt nheo và da mắt nhăn nhúm lại. Khi hai hoặc ba tuổi trẻ có thể luyện tập tự kiểm soát các cơ mặt khi biểu cảm cảm xúc buồn. Trong thời thơ ấu trẻ có thể tự biểu cảm các dấu hiệu buồn ở mặt.

Chức năng của cảm xúc[sửa]

Cũng như các cảm xúc âm tính khác cảm xúc buồn có các đặc điểm có giá trị tích cực và giúp thích nghi tốt. Một trong các khía cạnh tích cực của cảm xúc buồn là sức mạnh để củng cố quan hệ xã hội trong lịch sử và tiến hóa của loài người. Con người có bản chất xã hội và luôn tăng cường các quan hệ xã hội tích cực với gia đình và bạn bè.

Vai trò của cảm xúc buồn thể hiện ở sự cảm thông và lòng vị tha như là cơ sở cho cuộc sống xã hội. Nếu chúng ta không trải nghiệm cảm xúc buồn trước nỗi khốn khó của người khác thì chúng ta đã không có được lòng vị tha.

Sự phát triển và xã hội hóa cảm xúc buồn[sửa]

Khi trẻ có trải nghiệm cảm xúc buồn thì kinh nghiệm có ý thức đó có thể giữ lại trong suốt cuộc đời. Các khả năng và kinh nghiệm nhận thức có thể được tăng cường và mở rộng các kỹ xảo với các sự kiện gây ra cảm xúc buồn. Cũng chính các yếu tố đó sẽ tham gia vào việc tăng cường các phản ứng để đối phó với cảm xúc buồn đó. Sự phát triển các trải nghiệm về cảm xúc buồn bắt đầu bởi việc hình thành các quan hệ giữa các cảm xúc và hệ thống nhận thức. Các liên kết đó là kết quả dẫn đến việc tạo ra hệ thống cảm xúc buồn hoặc mạng lưới sẽ kết nối giữa cảm nhận buồn với các ý nghĩ và hành động tương ứng. Cảm xúc buồn có thể được cá nhân và tình huống xung quanh thúc đẩy thông qua các ý nghĩ và hành động khác nhau. Sự phù hợp của tư duy và hành động phụ thuộc vào trí nhớ về các sự kiện buồn đã qua và chúng ta tiếp nhận được thông qua xã hội hóa.

Lý thuyết xã hội hóa của Tomkin về sự phát triển bên trong của các cảm xúc, hành động tích cực và nét tính cách nhân cách. Ví dụ, ông đã nhấn mạnh rằng nếu trừng phạt thể chất với mục đích kiểm soát trẻ khóc có thể dẫn đến hậu quả là hình thành liên kết giữa cảm xúc buồn và sự sợ hãi. Quan hệ cảm xúc buồn - sự sợ hãi làm cho tất cả các sự kiện gây ra cảm giác buồn và sự khóc lóc đều gây ra sự sợ hãi và cản trở phát triển lòng can đảm. Tomkin còn khuyên các bậc phụ huynh rằng, phản ứng của cha mẹ đối với sự khóc của trẻ (một cách cứng nhắc hoặc loại bỏ nó) có thể ảnh hưởng tới liên kết giữa cảm giác buồn và sự hổ thẹn của trẻ. Điều này có nghĩa là nếu không có sự gặp gỡ giữa chúng có thể làm mất đi liên kết cảm xúc buồn với cảm giác hổ thẹn. Cảm giác buồn với cảm giác hổ thẹn ứng phó với cảm xúc buồn rất khác nhau.

Ứng phó với cảm xúc buồn[sửa]

Một trong các cách ứng phó với cảm xúc buồn có hiệu quả là tận dụng hiệu suất thấp của nó trong suy nghĩ và hành động. Suy nghĩ thông qua các vật dụng một cách chậm hơn có thể cho phép con người phân tích nguyên nhân bên trong của cảm xúc buồn và làm thế nào để điều khiển được chúng. Điều quan trọng là biết kết hợp giữa hoạt động và suy nghĩ và tránh trầm ngâm quá nhiều. Tiếp tục suy nghĩ về kết quả không thay đổi được có thể làm tăng cảm xúc buồn. Thông thường cảm xúc buồn sẽ làm giảm bớt sự chuyển động thời gian, nhưng cả hai thời gian và cảm xúc buồn sẽ chuyển động rất nhanh khi con người phản ứng tích cực với đối tượng. Các hoạt động có thể bao gồm kế hoạch trị liệu cho bản thân và bạn bè thân yêu. Nói chuyện với những người bạn tin cậy cũng có thể cũng giúp ứng phó với cảm xúc buồn.

Suy nghĩ về thời gian hạnh phúc cũng có thể làm giảm cảm xúc buồn. Nhớ lại hoặc dự đoán các sự kiện thú vị trong quá khứ và tương lai sẽ có hiệu quả cao giúp giảm thiểu cảm xúc buồn. Có thể làm tăng hiệu quả bằng ghi chép lại các sự kiện hạnh phúc trong quá khứ và tương lai và tập trung vào một sự kiện nổi bật nhất. Thay đổi môi trường có thể giúp làm giảm cảm xúc buồn. Cảm xúc buồn cũng như trầm cảm có thể làm giảm sự quan tâm của con người tới các sự vật bên ngoài. Vận động phù hợp với thể lực bản thân như đi bộ, đi đạp xe xung quanh địa bàn sống hoặc đi dạo trong công viên sẽ tìm được các tác động lý thú, nổi bật. Khi con người hoạt hóa các cảm xúc hứng thú sẽ chống lại được các cảm xúc buồn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, luyện tập thể dục có hiệu quả tích cực đối với tâm trạng. Đi bộ ngắn cũng có thể làm dịu cảm xúc buồn. Phần lớn con người có thể điều hòa cảm xúc sẽ và tăng cường sinh lực và trạng thái tâm trí bằng tập thể dục. Các nhà sinh lý học và các nhà tâm lý học đều đồng tình rằng tập thể dục có giá trị trị liệu nhưng họ không biết chính xác điều chỉnh hiệu quả có ích như thế nào. Có thể nói, hoạt động thể chất có thể tăng cường năng lượng và làm dịu sự căng thẳng. Một khả năng khác là luyện tập suy nghĩ tích cực, trực tiếp thông qua các kênh khác nhau đối với các sự kiện tiêu cực có thể làm giảm cảm xúc buồn. Tập thể dục khoảng nửa tiếng có thể làm tăng protein (endorphins) và các chất dẫn truyền thần kinh khác trong não. Khi các chất dẫn truyền thần kinh tăng lên thì có thể nâng cao trạng thái tâm trí tích cực.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Darwin, C., The expression of the emotions in man and animals, Chicago: University of Chicago Press (Original work published 1872), 1965.
  2. Bowlby, J., Attachment and loss, New York: Basic Books, 1980.
  3. Barnett, M. A., Howard, J. A., Melton, E.M,. & Dino, G.A., Effec of inducing sadness about self or other on helping behavior in hight and low empathic children, Child Development, 53. 920923, 1982.
  4. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  5. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.