Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cảm tử quân
Cảm tử quân ôm bom ba càng chiến đấu trên đường phố Hà Nội (1946)

Cảm tử quân là tên gọi những chiến sĩ Vệ quốc Đoàn, tự vệ chiến đấu trong thời kì đầu Kháng chiến chống Pháp, sẵn sàng hi sinh thân mình để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ác liệt, nguy hiểm với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Các đội Cảm tử quân thành lập và hoạt động ở các địa phương Nam Bộ ngay trong thời kỳ đầu thực dân Pháp nổ súng trở lại xâm lược Việt Nam (9.1945). Nhiều trận đánh của Cảm tử quân gây tiếng vang lớn, tiêu biểu như trận đánh táo bạo, mưu trí, dũng cảm của Đội cảm tử quân thuộc Quốc gia tự vệ Cần Thơ vào trụ sở đại đội quân Pháp tại chợ Cái Răng (12.11.1945); các đội Cảm tử quân Nha Trang tham gia chiến đấu bao vây quân Pháp tại Mặt trận Nha Trang 101 ngày đêm (23.10.1945 - 2.2.1946), trận tấn công kho đạn Thị Nghè của Đội cảm tử thành phố Sài Gòn (8.4.1946)... Đến cuối năm 1946, trước âm mưu và hành động gây hấn của quân Pháp ở miền Bắc, căn cứ vào địa chính trị - quân sự ở các vùng miền, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chia toàn quốc thành 12 chiến khu, mỗi chiến khu tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang tập trung (chi đội, trung đoàn) và các đội Cảm tử quân sẵn sàng chiến đấu. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19.12.1946), các đội Cảm tử quân tiếp tục ra đời và hoạt động tích cực trên phạm vi cả nước, nhất là tại các đô thị từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng...); phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh địch, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của quân Pháp. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu của Cảm tử quân tại Mặt trận Hà Nội, lực lượng hơn 1.200 người, liên tục chiến đấu, hi sinh anh dũng trong 60 ngày đêm (19.12.1946 - 19.2.1947), tạo điều kiện cho các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ rút về căn cứ địa Việt Bắc an toàn; được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên, khen ngợi (27.1.1947).

Cảm tử quân được tuyển chọn theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện của các chiến sĩ vệ quốc quân và tự vệ chiến đấu không kể tuổi tác, giới tính... Tổ chức biên chế các đơn vị Cảm tử quân thường không cố định mà phụ thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ và tình huống chiến đấu, ý định của người chỉ huy. Thông thường mỗi tổ 3 - 4 người, tiểu đội 6 - 12 người, trung đội 21 - 30 người, cao nhất là đại đội đến 500 người. Được sự chỉ huy trực tiếp của tiểu đoàn, trung đoàn và tương đương.

Cảm tử quân ra đời trong điều kiện, hoàn cảnh hết sức cấp thiết và quan trọng khi lực lượng ta còn mỏng, yếu, trang bị thô sơ nhưng tinh thần quyết tâm rất cao, chiến đấu với đội quân xâm lược Pháp có số lượng đông, trang bị hiện đại. Cảm tử quân được sử dụng có khi từng người, từng tổ, từng tiểu đội, trung đội, khi độc lập tác chiến, khi bố trí trong đội hình chiến đấu từng mũi, hướng tấn công hoặc trong phòng thủ (từng mục tiêu, phố, khu phố...) căn cứ yêu cầu của cấp trên và nhiệm vụ của đơn vị. Về trang bị của đơn vị Cảm tử quân, thông thường là vũ khí thô sơ (giáo, mác, bom, mìn tự tạo, bom ba càng)... tuỳ theo nhiệm vụ chiến đấu và khả năng của đơn vị.

Cảm tử quân ra đời đáp ứng yêu cầu đặc biệt của chiến tranh, thể hiện tinh thần, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam. Các chiến sĩ Cảm tử quân anh dũng chiến đấu, hi sinh, khắc phục muôn vàn khó khăn, không tiếc thân mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Tư liệu tham khảo[sửa]

  1. Đại từ điển tiếng việt, Nxb Văn hóa thể thao, Hà Nội, 1998.
  2. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Trung đoàn Thăng Long, những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở thủ đô Hà Nội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  4. Từ điển bách khoa Việt Nam 4 tập, phiên bản điện tử.