Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cảm giác thấp kém

Cảm giác thấp kém là trạng thái tâm lý, khi một người mất tự tin vào bản thân, không tin vào việc ra quyết định cũng như những hành vi, hành động của mình nhưng lại tin một cách mù quáng vào sự vượt trội của người khác ở mọi khía cạnh của đời sống.

Khi con người rơi vào trạng thái cảm giác thấp kém thì nhìn nhận cái gì cũng không đúng, không hiểu ngay chính bản thân mình, luôn đánh giá thấp bản thân và có tâm lý buồn chán vì các nhu cầu không được thỏa mãn. Người có cảm giác thấp kém thường hay phê phán mình, không hài lòng với kết quả công việc mình làm; không quyết đoán, sợ phạm sai lầm, khi mắc thì lo lắng bào chữa các sai lầm; mong sự cầu toàn trong cuộc sống; cảm giác mình có lỗi một cách vô cớ; bi quan, lầm lũi và sống xa cách. Những người này luôn có những hành vi không xác đáng, thiếu kiềm chế khi đối xử với bản thân và với người khác. Trong những hoàn cảnh có mâu thuẫn phức tạp không dám bảo vệ mình cũng như bảo vệ người khác. Người có cảm giác thấp kém luôn cảm thấy người khác mạnh hơn có quyền thế hơn mình, phóng đại sự nguy hiểm của người khác đối với mình, không tin vào sự chống lại của bản thân, luôn thể hiện mình là người nhu mì, hiền lành, nhẫn nhục, khiêm nhường, không để bụng, không tham vọng, cả tin và luôn tự hài lòng với bản thân mình. Những người này sống khép kín, ít giao tiếp, ngại làm việc vì sợ mắc sai lầm. Họ luôn là đối tượng của sự chế giễu hoặc bình phẩm, mỉa mai từ người khác.

Cảm giác thấp kém có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của con người như cản trở sự thăng tiến trong nghề nghiệp, khó khăn trong xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp và với những người khác, khó tạo dựng được một gia đình hạnh phúc. Cảm giác thấp kém còn là nguyên nhân tích tụ những cảm xúc tiêu cực, sau chuyển thành bệnh căng thẳng tâm lý và trầm cảm. Cảm giác thấp kém ảnh hưởng xấu không chỉ đến sức khỏe tâm lý mà còn là nguyên nhân sinh ra các bệnh mãn tính khác ở người như các bệnh tim mạch, tiêu hóa, thần kinh khác.

Cảm giác thấp kém lần đầu tiên được Alfred Adler (Đức) nêu ra trong học thuyết nhân cách của mình. Theo ông, sự hình thành cảm giác thấp kém có nguồn gốc từ những khiếm khuyết ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống cá nhân. Nhiều đứa trẻ sinh ra bị bệnh bẩm sinh như hở van tim, yếu phổi, gan, tụy hay sứt môi, lồi mắt, tai điếc, nói ngọng, còi xương... Lớn lên, nhiều người trong số này không có khả năng vượt khó để khắc phục những khiếm khuyết đó mà bằng lòng với cuộc sống tù hãm, tự thỏa mãn với những hạn chế của cơ thể, sống thiếu lạc quan. Ngoài những khiếm khuyết về cơ thể như trên, A. Adler cũng nhận thấy ở một số người còn có các khiếm khuyết về tâm lý. Những người này thường bị người khác chê là xấu xí, ngu ngốc, đần độn, lập dị, vô dụng, đồ bị thịt, v.v. Dần dần những lời chê bai đó nhập tâm và họ tin mình đúng là như thế. Một số người trong số đó có xu hướng tích cực bù đắp lại các khiếm khuyết đó bằng cách cố gắng phấn đấu để khắc phục. Tuy nhiên, một số người lại không chịu cố gắng khắc phục, tự hài lòng với bản thân mình, từ đó sinh ra mặc cảm thấp kém, cuộc sống trở nên bị động, đơn điệu, buồn tẻ và có thể dẫn đến trầm cảm. Cá biệt, có một số người lại đi bù đắp các thiếu hụt đó theo hướng phấn đấu trở thành siêu nhân, có tài năng siêu việt như các nhà chính trị, tướng lĩnh quân sự nổi tiếng.

Cảm giác thấp kém có các thành tố cấu trúc bao gồm: cảm xúc, nhận thức, hành vi, tư tưởng. Thành tố cảm xúc biểu hiện ở sự sợ hãi, lo lắng, cáu gắt, hồi hộp. Thành tố nhận thức biểu hiện ở mức kỳ vọng thấp, tâm thế tiêu cực, thái độ không đúng với chính bản thân mình. Thành tố hành vi biểu hiện ở các hành vi xã hội không phù hợp, thích ứng kém, sự không phù hợp trong quan hệ với chính mình. Thành tố tư tưởng biểu hiện ở sự không rõ ràng về quan niệm sống, có quan điểm tư tưởng khác với người khác.

Cảm giác thấp kém không phải chỉ hình thành ở giai đoạn ấu thơ như A. Adler khẳng định mà nó phát triển ở mọi giai đoạn lứa tuổi trong đời con người.

Những cơ chế chủ yếu hình thành cảm giác thấp kém: a) Cơ chế bắt chước những người xung quanh và đồng nhất hóa bản thân khi ở tuổi ấu thơ. Ở giai đoạn này đứa trẻ liên tục tiếp nhận những mô hình hành vi của người lớn một cách vô thức, đồng nhất mình với họ và đặc biệt bắt chước ngay cảm giác tự ti của bố mẹ và những người lớn gần gũi; b) Cơ chế nhẫn nhục: Xảy ra ngay thời kỳ thơ ấu, khi đứa trẻ nhận ra những tình huống, hoàn cảnh mà nó không thể thay đổi, dẫn đến tâm lý phó mặc, không làm gì được, nhẫn chịu; c) Cơ chế ngược đãi: Khi mà đứa trẻ được giáo dục trong các nhà trường liên tục bị nhắc nhở, trừng phạt hay kỷ luật hoặc luôn nhận được những đánh giá tiêu cực từ phía người khác. Khi đó, cảm giác thấp kém hình thành nên là do trẻ đã mất hết niềm tin vào bản thân, tin vào những đánh giá âm tính từ phía người khác đối với mình.

Các nguyên nhân chính nảy sinh cảm giác thấp kém, gồm: a) Do đặc điểm của kiểu loại hoạt động thần kinh; b) Do những khiếm khuyết về cơ thể, đặc điểm của di truyền gien và phong cách hành vi được truyền lại từ các thế hệ trước trong gia đình; c) Do bắt chước các mô hình hành vi của người lớn khi ở tuổi ấu thơ; d) Do những đặc điểm về phong cách giáo dục trong gia đình cũng như giáo dục của xã hội; đ) Do bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội, đặc biệt là những khuôn mẫu và những động hình có trong truyền thông xã hội, hoàn cảnh kinh tế khó khăn của đất nước.

Những biện pháp khắc phục cảm giác thấp kém gồm: a) Dùng biện pháp tự ám thị và thư giãn; b) Luôn cố gắng nhớ, tập làm lại tình huống, thời điểm mà mình cảm thấy rất tự tin, làm việc có kết quả, rất thành công; c) Ghi lại và phân tích những sợ hãi của bản thân đã làm ảnh hưởng xấu đến việc ra quyết định; d) Nâng cao tự đánh giá của bản thân, mạnh dạn không chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết mà còn phải tìm ra và khẳng định những ưu điểm của mình, phát triển kỹ năng tự bảo vệ, tự ra quyết định, mạnh dạn nhận trách nhiệm về những hành động và những hành vi của mình, nâng cao bản lĩnh của cá nhân; đ) Tăng cường tiếp xúc, xây dựng các mối quan hệ liên nhân cách tốt đẹp để bày tỏ ý kiến của mình và nghe ý kiến của người khác; e) Phát triển khả năng tự phê bình và tự phê phán mình. Cần biết yêu và kính trọng bản thân. Giảm bớt việc so sánh mình với những thần tượng, người nổi tiếng; f) Biết đặt ra cho mình những mục tiêu thực tế, phù hợp với khả năng, không nên đặt những yêu cầu quá cao với bản thân.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Adler A., Study of organ inferiority and its psychical compensation: A contribution to clinical medicine, S. E. Jellife, Trans. New York: Nervous and Mental Disease Publication (Original work published, 1907), 1917.
  3. Adler A., Understanding human nature, Garden City, NY: Garden City Publishing, 1927.
  4. Ansbacher H. L., Alfred Adler and humanistic psychology, Journal of Humanistic Psychology, 11, 1971, pp. 23 - 63.
  5. Crandall J. E., Adler's concept of social interest: Theory, measurement, and implications for adjustment, Journal of Personality and Social Psychology, 39, 1980, pp. 481 - 495.
  6. Adler A., Physical manifestations of psychic disturbances. Individual Psychology Bulletin, 4, 1994, pp. 3 - 8.