Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cảm giác cân bằng

Cảm giác cân bằng Cảm giác cho phép duy trì sự cân bằng của cơ thể khi ngồi, đứng, đi lại hoặc những vận động khéo léo khác. Một tập hợp con những cảm nhận của cơ thể được điều khiển một phần bởi hệ thống tiền đình ở tai trong, nơi có chứa các thụ cảm thể tiền đình phát hiện ra những chuyển động của đầu.

Hệ thống tiền đình[sửa]

Cùng với thính lực, tai trong có nhiệm vụ mã hóa các thông tin về sự cân bằng, cảm giác thăng bằng. Cơ quan thụ cảm cơ học tương tự là tế bào tóc có lông mao giúp cảm nhận tư thế của đầu, chuyển động của đầu và sự đang chuyển động của cơ thể. Tư thế của đầu được cảm nhận bởi thông nang và tiểu nang, trong khi chuyển động của đầu được cảm nhận bởi các ống bán khuyên. Các tín hiệu thần kinh được tạo ra trong hạch tiền đình được dẫn truyền qua dây thần kinh ốc tai đến thân não và tiểu não.

Thông nang và tiểu nang đều được cấu tạo phần lớn từ mô hoàng điểm. Hoàng điểm được cấu thành bởi các tế bào tóc do các tế bào nâng đỡ bao quanh. Các mao lập thể của tế bào tóc kéo dài thành chất gel nhớt gọi là màng sỏi tai. Trên cùng của màng sỏi tai là lớp tinh thể canxi cacbonat, được gọi là sỏi tai. Màng sỏi tai di chuyển tách biệt với hoàng điểm để đáp ứng với các chuyển động của đầu. Việc nghiêng đầu sẽ làm cho màng sỏi tai trượt qua hoàng điểm theo hướng trọng lực, làm uốn cong mao lập thể, khiến cho một số tế bào lông bị khử cực trong khi những tế bào khác tăng phân cực.

Các ống bán khuyên là ba phần mở rộng như vòng của tiền đình: một vòng hướng theo ngang, trong khi hai vòng khác được hướng theo chiều dọc. Các ống dọc trước và sau nghiêng khoảng 45 độ so với mặt cắt dọc đối xứng. Gốc của mỗi ống bán khuyên, nơi các ống giao với tiền đình, kết nối với một vùng mở rộng được gọi là bọng. Bọng chứa các tế bào tóc phản ứng với chuyển động quay. Mao lập thể của các tế bào tóc này kéo dài thành ổ, một màng dính vào đỉnh của bọng. Khi đầu quay theo mặt phẳng song song với ống bán khuyên, chất lỏng bị trùng xuống, làm lệch ổ theo hướng ngược lại với chuyển động của đầu. Các ống bán khuyên chứa một vài bọng, trong đó một số hướng theo chiều ngang, còn một số khác thì hướng theo chiều dọc. Bằng cách so sánh các chuyển động tương đối của cả các bọng ngang và dọc, hệ thống tiền đình có thể phát hiện hướng của phần lớn các chuyển động đầu trong không gian 3 chiều.

Cảm giác cân bằng và hệ thống tiền đình[sửa]

Cảm giác cân bằng thường liên quan đến sự thăng bằng, nó cung cấp những phản hồi về tư thế và chuyển động của đầu và cơ thể con người trong không gian. Một hệ thống khác - cảm giác vận động - cho con người nhận biết được định hướng của các bộ phận cơ thể khác nhau có liên quan đến nhau. Trong khi các thông tin về vận động cần thiết cho não bộ đến từ các khớp và các sợi cơ trên khắp cơ thể, thì các thụ cảm thể của cảm giác cân bằng lại khu trú trong các ống bán khuyên và túi tiền đình của tai trong. Cảm giác cân bằng còn được gọi là cảm giác tiền đình.

Có ba ống bán khuyên được sắp xếp ở các góc gần như vuông góc với nhau, với hai túi tiền đình nằm ở đáy. Cả ống bán khuyên và túi tiền đình đều chứa chất lỏng và các tế bào tóc, hoạt động như những thụ cảm thể. Khi đầu của một người chuyển động, các chất lỏng sẽ làm rối loạn các tế bào đó, gây kích thích một nhánh của dây thần kinh thính giác, truyền tín hiệu cho não để thực hiện các điều chỉnh trong mắt và cơ thể. Một chuyển động ở bất kỳ góc nào cho trước đều sẽ có tác động chính lên một trong ba ống bán khuyên. Kích thích quá mức từ những chuyển động quá mạnh sẽ gây ra chóng mặt và buồn nôn. Cảm giác của cá nhân về tư thế cơ thể khi nghỉ ngơi được cung cấp bởi các túi tiền đình, nơi chứa các sỏi tai, tạo áp lực lên các tế bào tóc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bloch, H., Chemama, R., Gallo, A., Laconte, P., Le-Ny, J.F., Postel, J., Moscovici, S., Reuchlin, M. & Vurpillot, E., Grand Dictionnaire de la Psychologie, Paris: Larousse, France, 1991, pp. 710.
  2. Robins, L.N., Regier, D.A., Psychiatric Disorders in America: The Epidemiologic Catchment Area Study, New York: The Free Press, 1991.
  3. Burke, Shirley R., Human Anatomy and Physiology in Health and Disease, New York: Delmar, 1992.