Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cải tạo, phục hồi môi trường

Cải tạo, phục hồi môi trường là khôi phục lại tình trạng môi trường như trước khi chúng bị tổn hại hoặc đến mức có thể chấp nhận được. Đây là sự bắt đầu hoặc đẩy nhanh sự phục hồi của một hệ sinh thái đã suy thoái, bị hư hại hoặc ô nhiễm gây ra do hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người hoặc các tác nhân tự nhiên như lũ lụt, bão, núi lửa phun trào. Các dự án có thể tập trung vào việc phục hồi môi trường hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Phục hồi môi trường là trách nhiệm của cơ quan quản lí môi trường trong trường hợp môi trường bị ô nhiễm, suy thoái bởi các yếu tố khách quan như thiên tai, lũ lụt,... Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải có trách nhiệm lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi tiến hành các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Phục hồi môi trường bao gồm xác định khả năng, phạm vi và mức độ gây ô nhiễm môi trường; đánh giá rủi ro; lựa chọn phương án khả thi cải tạo, phục hồi môi trường; lập kế hoạch và kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án.

Lập kế hoạch phục hồi môi trường dựa trên kiến thức từ các nguồn thông tin khác nhau như khảo sát, đánh giá địa hình và môi trường xung quanh khu vực cần phục hồi (khí hậu, đất và cảnh quan, chất lượng môi trường,…); tác động của dự án đối với môi trường liên quan đến các hoạt động hiện tại, các hạn chế pháp lý; nhu cầu sử dụng trong tương lai; chức năng của khu vực được phục hồi; khoảng thời gian để phát triển và tuổi thọ của dự án phục hồi; chi phí đầu tư; kế hoạch quan trắc, giám sát, duy trì dự án phục hồi môi trường để tránh các vấn đề phát sinh trong tương lai.

Các phương án cải tạo, phục hồi môi trường được xây dựng căn cứ vào điều kiện thực tế của từng loại dự án hoặc sự cố môi trường; ảnh hưởng của quá trình hoạt động dự án hoặc sự cố như sự cố ô nhiễm, sự cố chất thải đến môi trường, cộng đồng dân cư xung quanh; điều kiện môi trường khu vực dự án cần cải tạo, phục hồi môi trường. Các phương án phải được đánh giá để lựa chọn phương án tốt nhất đảm bảo các yêu cầu quy định, không để xảy ra các sự cố môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các quy định khác. Một ví dụ của phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật,... tại khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người. Cải tạo, phục hồi môi trường phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch khai thác khoáng sản; quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương và khu vực khai thác liên mỏ; phải được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản. Các dự án khai thác khoáng sản phải lập Đề án cải tạo phục hồi môi trường theo qui định của pháp luật.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư về Cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015.
  2. Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
  3. Santamartaa J. C., Nerisb J., Rodríguez-Martínc J., Environmental Restoration, Natural Hazards & Climate Change, Published by Colegio de Ingenieros de Montes, 2014.
  4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định về Cải tạo phục hồi môi trường và Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2013.