Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cải lương
Trích đoạn cải lương Tự Đức dâng roi – màn trình diễn cải lương trên chợ nổi tại Liên hoan Ẩm thực Món ngon các nước lần V – 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cải lương loại hình sân khấu kịch hát của Việt Nam xuất hiện đầu tiên ở một số tỉnh Nam Bộ: Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc… vào những thập niên đầu thế kỷ XX. cải lương hình thành trên cơ sở cải cách sân khấu hát bội truyền thống, phát triển lối ca ra bộ và tiếp thu nền kịch nghệ phương Tây. Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, nghệ thuật cải lương ra đời ở Nam Bộ, giữa lúc công chúng dần quay lưng với sân khấu hát bội truyền thống và lối ca ra bộ cần có một không gian mở để trình diễn. Theo thời gian, nghệ thuật cải lương không chỉ được tiếp nhận ở Nam Bộ, mà còn trở thành loại hình sân khấu độc đáo định hình và phát triển ở các vùng văn hóa khác trong nước. Tuy nhiên, mỗi vùng văn hóa có cách tiếp nhận, sáng tạo nghệ thuật cải lương theo nhu cầu thẩm mỹ riêng.

Cải lương trong các giai đoạn[sửa]

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nam Kỳ vừa chịu sự cai trị trực tiếp của Pháp, vừa chịu sự tác động, ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây (điển hình là nền văn hóa Pháp), xã hội Nam Kỳ biến đổi một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Sự ra đời của chữ quốc ngữ, báo chí, nhà in, những tác phẩm văn học… hình thành một đội ngũ trí thức Tây học, và những công chúng mang thị hiếu mới, tâm lý thưởng ngoạn cũng khác với những thời kỳ trước.

Song song với những tiếp xúc, ảnh hưởng văn hóa phương Tây ở lĩnh vực báo chí, văn học, ở địa hạt sân khấu cũng diễn ra quá trình tiếp biến. Sự ra đời của cải lương Nam Bộ đánh dấu sự kế thừa nghệ thuật sân khấu dân tộc và tiếp thu nền kịch nghệ phương Tây. Hát bội vốn là nghệ thuật thịnh hành có truyền thống ở Nam Bộ, nhưng trước những biến đổi xã hội, nghệ thuật hát bội mất dần vị thế. Một bộ phận tuồng cung đình mất đất diễn, những gánh hát diễn sang diễn tuồng dân gian ở những nơi công cộng. Hát bội có nội dung mới, diễn tuồng Tàu từ năm 1910 trở đi, tuồng Tàu phát triển mạnh, nhưng cả hai loại tuồng dân gian và tuồng Tàu vẫn chưa thể đáp ứng thị hiếu khán giả. Khán giả muốn sân khấu phải đổi mới, phải nói được tâm tư thời đại, nghệ thuật phải hướng đến cuộc sống hiện tại. Những tầng lớp khán giả thành thị đòi hỏi và đề xướng nhu cầu cải cách văn hóa, nghệ thuật trong đó có hát bội, cải cách âm nhạc và nội dung. Lương Khắc Ninh trong bài phát biểu đăng trên Nông Cổ Mín Đàm ngày 19/4/1917 (bài phát biểu được xem là Tuyên ngôn của nghệ thuật cải lương) “nay tôi tính hát thông thường, không kể Nam, không kể Khách gì, nên không kể đến nhạc. Hát tuồng Comede mà răn rời”. Ông đề xuất bỏ lối hát Nam, hát Khách vì không kể đến nhạc. Do đó họ đã chuyển dịch hai bài hát trên sang hình thức nói lối, nói mềm mỏng có giai điệu, hình thành hình thức nói lối sau này của cải lương. Hướng cải cách thứ hai là dùng tuồng hát để “răn đời”. Muốn “răn đời” thì phải thể hiện được hiện thực xã hội, nghĩa là mỗi bài ca phải có phần đặt lời cho một hình thức âm nhạc mới. Người nghệ sĩ, tác giả phải thực hiện hai công việc đổi mới: một là cải cách âm nhạc, hai là đặt lới có tính hiện thực xã hội, đáp ứng nhu cầu khan giả. Đó là những yêu cầu xã hội những năm 1919-1917, đây là sụ khởi đầu cải cách hát bội vào sân khấu cải lương, mang nội dung hiện thực đời sống.

Sân khấu cải lương ra đời trên cơ sở hình thành từ nghệ thuật đàn ca tài tử, những bản nhạc tài tử là những làn điệu cơ bản của ca nhạc cải lương sau này. Từ năm 1910-1914, ở Nam Bộ có những ban nhạc tài tử như Ban Ký Qườn (Vĩnh Long), Ban Tư Triều, Ban Hồng Triều (Mỹ Tho), Ban Ái Nghĩa (Cần Thơ), Ban Ba Chột (Bạc Liêu)… Các ban nhạc tài tử tiến lên ca ra bộ, ca ra bộ là trò diễn đầu tiên hình thành sân khấu cải lương.

Nam Bộ với hoàn cảnh của xứ thuộc địa chịu sự chi phối của thực dân Pháp, song lại mang đặc điểm của một không gian văn hóa mở, có sự giao lưu và tiếp xúc với văn hóa phương Tây sớm nhất. Điều này, phản ánh những chuyển biến trong đời sống văn hóa của con người Nam Bộ một cách đáng kể. Và cũng chính những tiếp biến văn hóa, những chuyển biến xã hội đã cho ra đời nghệ thuật cải lương nhằm đáp ứng những cải cách văn hóa và tâm lý thưởng ngoạn của công chúng đương thời.

Từ 1917 đến 1920 được xem là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương ở Nam Bộ. Bài diễn thuyết Hí nghệ cải lương của Lương Khắc Ninh tại nhà Hội Khuyến học ngày 28 tháng 3 năm 1917 được xem là tuyên ngôn của sân khấu nghệ thuật cải lương trong chặng đường đầu tiên. Vào giữa năm 1920, gánh Tân Thinh được thành lập có quy mô ở Sài Gòn, tại đường Boresse (nay là đường Yersin, phường Nguyễn Thái Bình, quận I). Chủ nhân của gánh là Trương Văn Thông, nguyên quán Sa Đéc. Tân Thinh diễn vở Bạch Tuyết kiên trinh (1920) treo bảng hiệu Đoàn hát cải lương cùng hai câu liễn nêu tôn chỉ của đoàn:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.

Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu là tác giả hai câu liễn, và chính là soạn giả của đoàn Tân Thinh. Nội dung câu liễn của đoàn hát Tân Thinh không chỉ thể hiện tôn chỉ của đoàn mà còn thể hiện ý nghĩa, định hướng của sân khấu cải lương.

Giai đoạn đầu, các tác giả mặc dù không được đào tạo trường lớp nhưng bản thân họ đã tự mài mò sáng tạo trong cách xây dựng kịch bản. Nội dung kịch bản cải lương phổ biến ở ba hướng chính: một là chuyển thể từ những tác phẩm văn học, truyện thơ, truyện dài, tiểu thuyết; hai là phóng tác theo truyện dân gian, thần thoại, dã sử; ba là sáng tác kịch bản có tính hiện thực xã hội, tố cáo chế độ phong kiến, tư sản, những tệ thói hủ tục… Nghệ thuật cải lương giai đoạn này hình thành hai phong cách sân khấu trên hai hướng đề tài. Phong cách cải lương cổ tương ứng với những vở diễn cổ, thần thoại, dã sử… sân khấu với những nhân vật mũ cao, áo dài đứng trên sân khấu hoành tráng, lộng lẫy. Phong cách cải lương đương đại tương ứng với những vở diễn phản ánh hiện thực xã hội, tâm lý con người. Sân khấu với những cảnh trí dân dã tái hiện vùng quê sông nước Nam Bộ, con người mộc mạc nghĩa tình mang đến cho cư dân Nam Bộ sức hấp dẫn rất lớn, hướng đến thị hiếu tìm sự mới mẻ, đổi mới.

Giai đoạn từ 1920 đến 1945 là giai đoạn phát triển mạnh. Phong trào cải lương thời kỳ này phát triển rầm rộ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn. Ở Bến Tre, Mỹ Tho có ban hát Sĩ Đông Du, Tiểu Học ban, Như Thủy ban, Tập Ích ban, Văn Hí ban… Từ năm 1935, giai đoạn phục hưng của cải lương, có đến trên ba trăm vở chuyển thể từ tác phẩm kiếm hiệp, trinh thám, tiểu thuyết của soạn giả Mộng Vân, do những gánh biểu diễn của Mộng Vân, Tân Xuân, Nam Thành, Nhạn trắng, Hữu Thành…biểu diễn. Tính từ năm 1940-1945 toàn Nam Bộ có khoảng 67 ban hát cải lương.

Từ 1945 đến 1954 là giai đoạn nghệ thuật cải lương tồn tại và phát triển theo hai dòng chính: cải lương cách mạng kháng chiến và cải lương vùng tạm chiếm. Với dòng cải lương vùng tạm chiếm chủ yếu diễn các vở cải lương tuồng Tàu, Tây hoặc những vở xã hội mang đậm tính ủy mị, sướt mướt. Năm 1945 – 1948, phong trào cải lương cách mạng chủ yếu mang phong cách dân tộc, truyền thống, ca ngợi hình tượng thanh niên xung phong, nông dân, phụ nữ trí thức theo kháng chiến. Từ 1955 đến 1975, cải lương bước vào giai đoạn tiếp nối truyền thống dòng cải lương cách mạng kháng chiến, khẳng định vị thế trong lòng khán giả Nam Bộ. Những đoàn văn công giải phóng dựng những vở cải lương theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, viết về đề tài con người mới có tinh thần chiến đấu. Từ 1985 đến nay, cải lương đối mặt với những thách thức của thời đại, cải lương mất dần vị trí độc tôn trong lòng khán giả Nam Bộ và đi vào giai đoạn suy thoái.

Cấu trúc[sửa]

Cấu trúc tác phẩm nghệ thuật cải lương là chỉnh thể tổng hòa của kịch, ca nhạc, phục trang, hóa trang, thiết kế sân khấu và đạo cụ. Ngôn ngữ sân khấu cải lương được tạo nên từ sự tổng hợp các yếu tố âm nhạc, diễn, nói, vũ đạo… Trong đó, kịch là một trong những thành tố nghệ thuật quan trọng bậc nhất và được kể đến đầu tiên trong cấu trúc nghệ thuật. Xây dựng một kịch bản cải lương với nội dung hoàn chỉnh được phân chia thành nhiều màn - hồi (mỗi màn - hồi có thể có nhiều phân cảnh). Màn - hồi của vở diễn được xây dựng trên cơ sở diễn trình của hành động kịch. Hành động kịch của một vở cải lương thường triển khai qua ba bước: Khai đề - Thắt nút – Mở nút (Nguyên nhân – Phát triển – Kết quả). Phương thức xây dựng hành động kịch của cải lương cũng rất gần với thể loại kịch cổ điển phương Tây.

Đề tài và nội dung[sửa]

Đề tài và nội dung kịch bản có ý nghĩa quy định hình thức sân khấu cải lương. Trong lịch sử hình thành và phát triển, sân khấu cải lương thường được chia thành hai dòng sân khấu lớn: Dòng sân khấu cải lương tuồng Tàu còn được gọi là cải lương tuồng cổ. Dòng sân khấu cải lương tuồng Tây (còn gọi là cải lương tuồng hương xa): diễn những vở phóng tác theo tác phẩm của Pháp, Anh hay những tuồng xã hội có cốt truyện Việt Nam. Tùy theo đề tài, cốt truyện mà người soạn giả kiêm đạo diễn (buổi đầu gọi là thầy tuồng) quy định loại hình biểu diễn sân khấu theo dòng tuồng Tàu hay tuồng Tây.

Yếu tố ca kịch[sửa]

Cải lương Nam Bộ vốn là sân khấu tả thực thuộc loại hình ca kịch, vì thế yếu tố vũ trong kịch bản không rõ nét so với yếu tố kịch và ca. Thông thường, yếu tố vũ trong những tuồng Tàu thể hiện rõ hơn những vở tuồng Tây và tuồng xã hội. Trong kịch bản cải lương yếu tố kịch và ca chiếm một vị thế chủ lực và luôn luôn là sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý. Mỗi thể giọng, làn hơi, phản ánh cung bậc tình cảm nhất định, mỗi bài ca được người nghệ sĩ cất lên ứng với hoàn cảnh kịch đang diễn ra. Người khán giả xem cải lương mang tâm lý thưởng ngoạn vừa để biết về một câu chuyện (phần kịch) vừa nghe (phần ca nhạc) với những bài ca thấu tình và hơn cả là những bài vọng cổ thật mùi mẫn. Sự kết hợp giữa ca – kịch trong kịch bản cải lương cho ta nhận diện – người soạn giả vừa là nghệ sĩ vừa là nhạc sĩ.

Khi nói đến thành tố ca nhạc trong cải lương, các nghệ nhân luôn đề cao vai trò của bài bản và làn điệu. Bài bản là những bài nhạc có văn bản như những bản nhạc Bắc, bản nhạc lễ cung đình Huế, bản nhạc Tàu… Làn điệu là tên gọi các điệu trong ca nhạc cải lương như giọng Bắc, giọng Nam, giọng Oán, giọng Quảng, giọng tân nhạc… điệu cải lương phong phú hơn cả hát bội, ngoài ba giọng chính là: giọng Bắc, giọng Oán, giọng Nam; còn có vọng cổ, điệu lý, giọng bình, giọng ngâm, điệu hò, nói thơ, thán, giọng Quảng và giọng tân nhạc. Bài bản và làn điệu có vai trò quyết định đối với một tác phẩm sân khấu cải lương. Nói cách khác, bài bản và làn điệu là nền tảng hình thành kịch bản cải lương. Sự kết hợp ăn ý giữa bài bản và làn điệu mang lại hiệu quả sân khấu trong cách diễn tả tình cảm nhân vật và hành động nhân vật. Bên cạnh bài bản, làn điệu thành tố ca nhạc trong nghệ thuật cải lương còn có sự hỗ trợ của hệ thống nhạc cụ. Nhạc cụ cải lương gồm bộ dây và bộ hơi. Âm nhạc trong nghệ thuật cải lương mang tính trữ tình, hơi nhẹ nhàng vì thế chủ yếu dùng đàn dây tơ, dây kim và sáo, không có bộ gõ như trong hát bội. Có tám loại nhạc cụ thường dùng trong sân khấu cải lương như: đàn kìm (đàn nguyệt cầm), đàn tranh, đàn cò, đàn sến, đàn guitar, violon, sáo, cuỗn. Nhìn chung, thành tố ca nhạc là một trong những thành tố quan trọng trong cấu trúc nghệ thuật cải lương. Do cải lương là loại hình ca kịch, nên khi ca người nghệ sĩ phải nắm rõ tất cả những nguyên tắc của bài bản, làn điệu nhằm chuyển tải trọn vẹn tâm tư tình cảm đến khán giả, đồng thời gây hiệu ứng xúc cảm nơi khán giả.

Phục trang và hoá trang[sửa]

Phục trang và hóa trang là hai thành tố cơ bản, có sự gắn kết chặt chẽ trong việc tạo dựng diện mạo của người diễn viên trên sân khấu cải lương. So với hát bội, phục trang trên sân khấu cải lương không mang nặng tính nguyên tắc của một sân khấu ước lệ. Sân khấu cải lương thiên về tả thực, vì thế phương thức vận dụng phục trang, hóa trang trong biểu diễn nhằm khơi gợi, tái hiện trước mắt khán giả những con người thật bằng xương bằng thịt, rất đỗi gần gũi với khán giả. Trang phục của người nghệ sĩ trên sân khấu cải lương đòi hỏi phải nắm nguyên tắc “hợp cảnh hợp tình”. Điều đó có nghĩa, tùy thể loại cải lương (tuồng Tàu hay tuồng Tây), tùy hoàn cảnh, vị thế của nhân vật mà diễn viên ăn mặc phù hợp.

Diện mạo[sửa]

Về diện mạo bên ngoài, người diễn viên không chỉ ăn mặc theo đúng nội dung vở diễn, mà còn chú ý đến cách hóa trang cho phù hợp với tích cách và hoàn cảnh của nhân vật. Nghệ thuật hóa trang của diễn viên hát bội mang tính tượng trưng ước lệ. Diễn viên cải lương không đi theo lối hóa trang theo kiểu mô thức của hát bội, tiết chế sự tô vẽ màu sắc. Cách hóa trang của cải lương thiên về nghệ thuật tả thực. Người diễn viên bộc lộ cảm xúc, thân phận bằng gương mặt thật, tạo độ sáng trên sân khấu trình diễn bằng sự uy nghi, diễm lệ. Cách hóa trang của sân khấu cải lương phá vỡ thủ pháp cách thức hóa và cường điệu hóa của hát bội, nhằm hướng đến sự chân thật, gần gũi của nhân vật.

Diễn viên cải lương thường thể hiện tính biểu cảm trong tính cách, dung mạo và điệu bộ. Tài năng của người diễn viên được đánh giá bằng sức thu hút khác giả. Thông thường, những diễn viên được đánh giá là tài năng, chính là những người thông qua hình tượng nhân vật sân khấu để lấy nước mắt của khán giả. Cũng như trong quá trình biểu diễn, người diễn viên ứng tác thường để góp phần tăng hiệu quả của màn diễn, vở diễn. Khi nói đến người diễn viên cải lương, dường như cần phải hội đủ bốn yếu tố “thanh, sắc, tài, duyên”. “Thanh sắc” được hiểu với hàm nghĩa giọng hay, người đẹp; “tài duyên” mang ý nghĩa diễn xuất phải có điệu bộ màu mè, có tấn kịch, thu hút được khán giả. cải lương thiên về tả thực nên sân khấu là sự tái hiện cảnh thật, thiết kế sân khấu của cải lương mô phỏng theo sân khấu phương Tây, có phân màn, phân hồi. Mỗi màn đều có tranh cảnh vẽ không gian kịch.

Cải lương trong đời sống[sửa]

Nghệ thuật cải lương là loại hình sân khấu tổng hợp, trên nền tảng kịch giữ vị trí trung tâm có tính chủ đạo là sự đồng vận hành của các thành tố nghệ thuật khác như ca nhạc, phục trang, hóa trang, thiết kế sân khấu và đạo cụ. Tất cả đều có vai trò nhất định, đồng tạo hiệu quả nghệ thuật và thẩm mỹ trong thời gian trình diễn. Đến với sân khấu cải lương, khán giả xem diễn, nghe hát và vận dụng những kiến thức âm nhạc – văn hóa – xã hội, kết hợp với xúc cảm của bản thân để đưa ra sự hưởng ứng, tán thưởng. Vở cải lương khi trình diễn, thông thường kết thúc bài vọng cổ mùi mẫn của diễn viên là những tràn vỗ tay của khán giả từ phía khán đài. Cũng chính khán giả tạo sự khích lệ cho việc ứng tác của diễn viên trong quá trình biểu diễn. Có thể nói, trong quá trình tạo hiệu quả cảm xúc, thẩm mỹ sân khấu, khán giả mang vị trí gần cân bằng với tác giả và diễn viên.

Cải lương là loại hình ca kịch sân khấu truyền thống, sản phẩm văn hóa nghệ thuật hình thành và phát triển trên mảnh đất Nam Bộ. Buổi đầu, cải lương ra đời dần thay thế vị trí của Hát bội trên sân khấu Nam Bộ. Từ khi ra đời đến nay, nghệ thuật cải lương trải qua chặng đường gần một trăm năm gắn bó với công chúng Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung. Trong quá khứ, cải lương từng chiếm giữ vị trí độc tôn, được công chúng yêu thích. Tuy nhiên, hơn hai mươi năm qua, cải lương đã và đang đối diện với sức ép cạnh tranh từ nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí mới xuất hiện, lượng khán giả cải lương ngày càng thu hẹp. Dù vậy, vị trí và sự thừa nhận loại hình này trong lòng công chúng chưa bao giờ bị đứt gãy. cải lương vẫn luôn là loại hình sân khấu đặc sắc của Nam Bộ, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1970.
  2. Đỗ Dũng, Sân khấu cải lương Nam Bộ, Nxb Trẻ, Tp. hát cướiM, 2003.
  3. Trần Văn Khê, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp. hát cướiM, 2004.
  4. Tuấn Giang, Nghệ thuật cải lương, Nxb Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. hát cướiM, 2006.
  5. Nguyễn Thị Trúc Bạch, Cải lương Nam Bộ - Nhìn từ chủ thể văn hóa và đặc tính biểu cảm của loại hình, Tạp chí Khoa học xã hội Tp. hát cướiM, số 5 năm 2015, tr.15-24.