Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cải cách Taika

Cải cách Taika là cuộc cải cách trong lịch sử Nhật Bản, do Thiên hoàng Kotoku đề xướng năm 645 nhằm từng bước chuyển hoá đất nước từ một vương triều Thiên hoàng ít nhiều còn mang dấu vết của chế độ thủ lĩnh bộ lạc thành một nhà nước phong kiến.

Vào thế kỷ VI, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia thống nhất. Nhờ cải tiến kỹ thuật nên sản xuất phát triển, thương nghiệp được đẩy mạnh. Mâu thuẫn giai cấp khá sâu sắc và thường xuyên xảy ra việc bỏ trốn của các bộ dân. Trong khi đó, việc buôn bán với Trung Quốc và Triều Tiên cũng được đẩy mạnh. Di dân của Trung Quốc và Triều Tiên sang Nhật Bản ngày càng nhiều và cùng với họ là những kỹ thuật sản xuất tiên tiến, chế độ chính trị, tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và các thành tựu văn hóa khác của lục địa cũng được truyền bá vào đây. Vì vậy, Thiên hoàng Shotoku đã thực hiện một số cải cách tích cực, tạo nên sự chuyển mình của Nhật Bản thời kỳ này. Chính tư tưởng trung quân, muốn xây dựng và củng cố một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh theo hình mẫu của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến Cải cách Taika.

Năm 622, Shokotu mất trong khi các chính sách mới đang được thực thi. Lợi dụng tình thế đó, dòng họ Soga ngày càng lộng hành, chiếm nhiều ruộng đất và lũng đoạn chính quyền Thiên hoàng. Vì vậy, chỉ có thủ tiêu thế lực dòng họ Soga thì việc cải cách mới có thể thực hiện được. Năm 645, Soga Irusa đã bị ám sát khi tiếp kiến sứ thần Triều Tiên. Quyền lực thực sự được trả về cho Thiên hoàng Kotoku (Hiếu Đức), hiệu là Taika. Tháng giêng năm 646 (năm Taika thứ hai), Thiên hoàng hạ chiếu cải cách và tiếp đó đề ra một số luật, lệnh cụ thể. Vì vậy, lịch sử Nhật Bản gọi cuộc cải cách này là Cải cách Taika.

Chiếu chỉ về cải cách này có 4 chương: chương 1 nói về việc xóa bỏ quyền tư hữu ruộng đất và bộ dân; chương 2 đề cập đến việc thành lập vùng trung tâm văn hóa, chính trị gọi là Kinai, bao gồm nơi có chính quyền trung ương đóng ở thủ đô, cải tạo mạng lưới giao thông ngoài tỉnh và định chế độ bổ nhiệm các quan tỉnh và huyện thuộc triều đình; chương 3 – định chế độ điều tra dân số để hoạch định chương trình nông nghiệp một cách hợp lí và bổ nhiệm các quan chức trông coi việc nông thôn; chương 4 – xóa bỏ các thứ thuế đã lỗi thời, phát triển nguồn nhân lực và giới thiệu chế độ thuế khóa mới.

Cuộc cải cách tập trung vào những nội dung và biện pháp chủ yếu sau đây:

Tuyên bố xóa bỏ chế độ bộ dân. Các tầng lớp bộ dân giờ đây được bình đẳng với các tầng lớp nông dân phụ thuộc khác và đều là thần dân của nhà nước. Đồng thời, tất cả quyền chiếm hữu ruộng đất của tư nhân bị bãi bỏ. Ruộng đất nói chung đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Trên cơ sở đó, nhà nước thực hiện chế độ “ban điền”, theo đó tất cả những nông dân từ sáu tuổi trở lên đều được chia ruộng đất, có tính đến những người mới lớn và không chia cho những người đã chết. Đất nhà ở và đất vườn được công nhận là sở hữu tư nhân và có thể truyền cho con cháu. Những người được cấp ruộng đất không có quyền rời khỏi mảnh ruộng đã được chia và có nghĩa vụ phải nộp “tô” (bằng tơ, lụa, bông, vải hoặc thổ sản của địa phương).

Xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước trung ương tập quyền. Người đứng đầu và có quyền lực cao nhất là Thiên hoàng. Dưới Thiên hoàng có các quan quản lí các việc nội chính, tư pháp, quân sự, kinh tế tài chính, lễ nghi...do một quan Tể tướng đứng đầu và tám bộ gồm Bộ Trung ương, Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Ngân khố và Bộ Hoàng cung. Cả nước được chia thành các đạo (kuni), quận (kori), lý (làng, xã), do các Quốc ty, Quận ty và lý trưởng đứng đầu. Thiên hoàng không chỉ là người có quyền lực cao nhất, nắm toàn bộ ruộng đất và thần dân mà còn được thần thánh hóa, coi như một vị thần sống. Toàn bộ giai cấp quý tộc đều là bề tôi của Thiên hoàng và lệ thuộc vào Thiên hoàng về kinh tế. Quan lại từ Quốc ty trở lên đều do chính phủ bổ nhiệm và không được cha truyền con nối. Các quý tộc dù làm quan hay không, đều được nhà nước ban cho những tước vị nhất định, rồi căn cứ theo tước vị, chức vụ, công lao mà ban cấp ruộng đất và nông dân. Số ruộng đất này các quý tộc giữ lại một phần cho các nô tỳ cày cấy, còn phần lớn đem phát canh cho những nông dân thiếu ruộng đất để thu địa tô. Ngoài ra, họ còn được các phong hộ của mình nộp ½ số “tô” và toàn bộ số “dung” và “điệu”. Họ đã trở thành giai cấp quý tộc, quan lại mới, gắn chặt với chính quyền Thiên hoàng.

Diễn biến của cuộc Cải cách Taika phản ánh một giai đoạn phát triển của lịch sử Nhật Bản. Mục đích của Cải cách Taika là nhằm thiết lập một trật tự và thể chế mới, trong đó Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng của Trung Quốc một cách rõ rệt, từ chế độ quân điền, chế độ thuế khóa “tô, dung, điệu” cho đến cơ cấu bộ máy nhà nước. Cải cách Taika ít nhiều thừa nhận quyền tự do của bộ dân và nô lệ, giải phóng sức lao động và đem lại ruộng đất cho nông dân với chế độ “ban điền”. Nhưng đồng thời nó cũng trói chặt nông dân vào ruộng đất để nhà nước và chủ ruộng thống trị, nô dịch. Chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền đã được xác lập và hoàn thiện. Tất cả những thể chế mới này sau Cải cách Taika đã được khẳng định lại bởi luật Ritsuryō ban hành năm 701. Như vậy, cuộc cải cách đến đây mới coi như hoàn thành, nền tảng căn bản của chế độ phong kiến ở Nhật Bản đã được xây dựng. Với ý nghĩa đó, Cải cách Taika được coi là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự thiết lập chế độ phong kiến ở Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. G.S. Samson, Lịch sử Nhật Bản, tập 1, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1994.
  2. Từ điển bách khoa Việt Nam, tập I, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1995.
  3. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Trần Thị Vinh, Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1995.
  4. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn La, Lịch sử thế giới trung đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.