Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cạp váy mường

Cạp váy mường là phần trên đầu váy, ôm gọn hông và ngực người phụ nữ Mường. Người Mường gọi là “tlôôk wêêl”, nghĩa là đầu quần. Tiếng Mường không có từ “váy”, họ không có khái niệm về váy, tất cả đồ mặc che phần dưới cơ thể đều được gọi là “wêêl” (quần).

Tập tin:Thiếu nữ Mường Động, Vĩnh Đồng, Kim Bôi xung xính trong bộ trang phục của dân tộc Mường.jpg
Thiếu nữ Mường Động, Vĩnh Đồng, Kim Bôi xung xính trong bộ trang phục của dân tộc Mường

Trong tất cả những đồ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường, bao gồm váy (“wêêl”), yếm, áo pắn (ngắn), áo dài, khăn thắt lưng, xà tích, khăn đội đầu, đồ quan trọng nhất là váy. Đó là một “ống vải” khá dài, đủ trùm kín toàn bộ thân người, từ cổ xuống mắt cá chân, gồm hai phần: trên và dưới. Phần dưới váy chiếm khoảng 2/3 váy, màu đen, từ hông đến bàn chân. Phần trên váy khoảng 1/3 còn lại, che từ hông lên hết ngực (đến nách), phần này được trang trí bằng nhiều loại hoa văn trên nền vải màu chia thành 3 tầng khác nhau. Đây chính là phần “tlôôk wêêl”, được nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi gọi là “Cạp váy Mường”, và theo ông thì những gì tinh túy nhất của nghệ thuật tạo hình Mường nằm ở đó.

Cạp váy, theo cách hiểu thông thường, là phần định dạng miếng vải như một ống vải thành sản phẩm trang phục nữ gọi là váy. Mỗi chiếc váy có hai đầu được “cạp” lại. Đầu váy mặc trên hông là cạp trên; đầu đối diện, dưới đùi hoặc bắp chân (tùy theo độ dài của váy) là cạp dưới, hay còn gọi là “gấu váy”. Cạp trên thông thường được quấn lại khi sử dụng, có chức năng giữ chắc váy khỏi bị tụt khỏi hông khi mặc trên người và khỏi bị rách, rão thớ vải khi giặt. Trang phục váy của phụ nữ ở một số dân tộc thường được trang trí ở phần dưới, tiếp nối với cạp dưới (chẳng hạn như người Lào, người Thái vùng Thanh Hóa, Nghệ An). Tuy nhiên, với trang phục phụ nữ Mường, phần được trang trí hoa văn lại ở phía cạp trên, từ hông trở lên, ôm gần hết phần ngực, giống như một thứ áo liền váy, tạo nên vòng một nổi rõ, rắn chắc, hấp dẫn giới nam (chẳng cần đến áo con). Có lẽ đó là ưu thế “tuyệt đối” của cạp váy mường về tính ích dụng và tính thẩm mỹ so với trang phục nữ hiện đại (cần áo con, áo dây ở trong). Tính ích dụng tạo sự thoải mái, không bị cảm giác gò bó, hoặc với ngực quá mềm có thể bị chảy khiến người mặc luôn phải dùng tay kéo áo để giữ ngực; tính thẩm mỹ luôn giữ cho ngực như ở thời con gái, dù người phụ nữ có thể đấn tuổi trung niên hay về già; nghĩa là giữ mãi được vị trí của bầu vú, chỗ được coi là đẹp nhất của dáng nữ.

Cấu tạo cạp váy mường giúp cho chức năng giữ chắc váy trên cơ thể được đảm bảo; càng đảm bảo hơn khi bộ trang phục còn được bổ sung thêm thắt lưng vải giữ cho váy quấn ổn định, chắc chắn vào thân người.

Có lẽ cách mặc váy duy nhất và tiện lợi nhất của người Mường là chụp từ trên đầu xuống, không phải kéo từ dưới chân lên như mặc quần.

Váy Mường thuận tiện cho công việc đồng áng của phụ nữ; thuận tiện cho sinh hoạt đời thường (vệ sinh, đi lại – trừ đi xe đạp sau này, qua suối; mang thai, sinh nở...)

Phần vải cạp váy mường không như vải dệt bình thường mà được dệt từ những sợi bông hoặc tơ tằm (hoặc sợi bông trộng sợi tơ tằm) đã được nhuộm nhiều màu khác nhau theo bí quyết riêng, sau đó được dệt tạo thành các hoa văn tùy theo ý tưởng của người dệt. Hoa văn được dệt trên cạp váy mường khá phong phú và đa dạng mô-típ, nhưng tựu trung lại gồm 2 nhóm: hoa văn hình học và hoa văn động vật. Hệ thống hoa văn hình học có các loại mô-típ chủ yếu như: hình quả trám, đồng tiền, hình ngói, hình răng cưa, hình cánh hoa.... Hệ thống hoa văn động vật có các loại mô-típ tiêu biểu như: rồng, rắn, rùa, chim (công, phượng), hươu... Hoa văn trong nghệ thuật trang trí cạp váy mường, có mối liên hệ tiếp nối nghệ thuật trang trí từ thời văn hóa Đông Sơn trên mặt trống đồng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Pierre Huard và Maurice Durand, Hiểu biết về Việt Nam (1954), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  2. Trần Từ, Người Mường ở Hòa Bình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1996.
  3. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb. Văn hóa dân tộc & Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, Hà Nội, 2003.
  4. Jeanne Cuisinier, Người Mường – Địa lý nhân văn và xã hội học (1948), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2007.
  5. Vụ Văn hóa dân tộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Văn hóa vùng dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2010.
  6. Nguyễn Văn Huy, Lê Duy Đại, Nguyễn Quý Thao, Vũ Xuân Thảo, Đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.