Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cưỡng bức trồng trọt

Cưỡng bức trồng trọt là tên gọi cho Hệ thống canh tác (Cultuurstelsel), một hình thức bóc lột do thực dân Hà Lan áp dụng để ép nhân dân ở đảo Java thuộc Đông Ấn (Indonesia ngày nay) trồng một số loại cây công nghiệp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu của mình từ năm 1830 đến năm 1870.

"Cưỡng bức trồng trọt" ra đời trong bối cảnh hoạt động buôn bán của người Hà Lan ở quần đảo Indonesia trở nên sa sút, dẫn đến sự phá sản của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) vào năm 1799. Để giải quyết số nợ lớn do VOC để lại và tránh cho việc quần đảo Indonesia rơi vào tay thực dân phương Tây khác, Hà Lan cần phải tìm ra một phương thức bóc lột mới, đem lại nguồn thu lớn hơn. Sau Chiến tranh Java (1825-1830), chính phủ Hà Lan càng gặp khó khăn về tài chính, nên phải đẩy nhanh việc thực hiện phương thức cai trị, bóc lột mới nhằm khai thác tối đa các nguồn tài nguyên của quần đảo Indonesia.

Hệ thống "Cưỡng bức trồng trọt" được ban hành bởi Toàn quyền Đông Ấn Johannes van den Bosch (1780-1844) ngay sau khi ông đến Java nhậm chức vào tháng 1.1830. Theo quy định, nông dân Đông Ấn phải dành 1/5 số ruộng đất của mình để trồng cây công nghiệp xuất khẩu như mía, cà phê, thuốc lá…Nông dân phải giao nộp sản phẩm cho chính phủ để lấy tiền nộp thuế đất. Nơi nào đất đai do công xã quản lý thì toàn thể nông dân công xã chịu trách nhiệm trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch nộp cho chính phủ. Những nông dân không có đất phải làm việc 66 ngày/năm trên những đồn điền của chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, số đất dành cho trồng cây công nghiệp chiếm 1/2, thậm chí 2/3 diện tích và nông dân phải làm việc cho chính phủ có khi đến 200 ngày/năm.

Để tiến hành việc cưỡng bức trồng trọt có hiệu quả, thực dân Hà Lan khuyến khích các lãnh chúa phong kiến, quan lại tham gia vào việc giám sát và cưỡng ép nông dân. Bộ phận này được chính quyền thực dân ban cấp cho một số ruộng đất và chia một phần nhỏ quyền lợi. Nhiều lãnh chúa phong kiến được khôi phục các tước hiệu cũ, được hưởng một tỉ lệ nhất định số thu nhập về trồng trọt của nông dân, được quyền thế tập và quyền sử dụng đất đai vĩnh viễn. Cho nên, quan lại thống trị người địa phương ra sức câu kết với thực dân để bóc lột nông dân.

Thực chất của chế độ "Cưỡng bức trồng trọt" là một hình thức bóc lột thực dân, cưỡng ép nhân dân thuộc địa trồng một số loại cây công nghiệp nhất định, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu của Hà Lan. Chỉ trong 40 năm thi hành chế độ "Cưỡng bức trồng trọt", thực dân Hà Lan đã thu được nguồn lợi khổng lồ bằng cả số thu nhập của VOC trong vòng 200 năm. Nhờ có số lợi nhuận này, Hà Lan đã có thể phát triển công nghiệp trong nước, đồng thời đầu tư xây dựng và khai thác ngay trên đất nước Indonesia. Một số tiền lớn được chuyển về chính quốc để gia tăng sự tích lũy tư bản, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp Hà Lan.

Cho đến thập niên 50 của thế kỷ XIX, chính sách "Cưỡng bức trồng trọt" của Hà Lan gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. Tư bản Anh, Mỹ đã nhảy vào cạnh tranh buộc thực dân Hà Lan phải nghĩ đến một hình thức bóc lột mới. Trong khi đó, nền công nghiệp Hà Lan phát triển mạnh, thị trường nhỏ bé trong nước và thị trường thuộc địa tiêu điều không thể đáp ứng được nhu cầu của chủ nghĩa tư bản. Đại đa số tư bản Hà Lan đòi chính phủ phải có biện pháp mới, phải mở cửa Indonesia để được tự do kinh doanh. Tuy nhiên, do chế độ "Cưỡng bức trồng trọt", người nông dân bị bóc lột hà khắc, điều kiện sống và sức mua sa sút. Hàng hóa Hà Lan đưa vào Indonesia không bán được, thị trường cho người bản địa ngày càng bị thu hẹp. Thêm vào đó, người dân Indonesia căm phẫn, đấu tranh chống lại chế độ "Cưỡng bức trồng trọt". Vì vậy, việc từng bước xóa bỏ chế độ "Cưỡng bức trồng trọt" là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Hà Lan và mở rộng thị trường tại thuộc địa. Với việc ban hành Luật Nông nghiệp và Luật Đường năm 1870, chế độ "Cưỡng bức trồng trọt" chính thức bị bãi bỏ, mở ra kỷ nguyên tự do kinh tế ở Indonesia.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lưu Tộ Xương, Quang Nhân Hồng, Hàn Thừa Văn, Ngãi Châu Xương (chủ biên), Phong Đảo dịch, Lịch sử thế giới tập 4: thời cận đại (1640-1900), Nxb. TPHCM, Tp. TPHCM, 2002.
  2. D. G. E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
  3. Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á- lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.
  4. Cornelis Fasseur, The Politics of Colonial Exploitation: Java, the Dutch, and the Cultivation System (Studies on Southeast Asia No.8) (Nền chính trị bóc lột thực dân: Java, Hà Lan và hệ thống trồng trọt), Cornell Southeast Asia Program, Ithaca, NY, 1992.