Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cơn đói

Cơn đói là trạng thái chủ quan được phát động bởi sự thiếu thức ăn, đi kèm với các triệu chứng co dạ dày, các cảm giác môi miệng và cảm giác khó chịu nói chung. Các nhu cầu cảm xúc không được thỏa mãn, stress, sự giận dữ, trầm cảm, sự buồn chán và thói quen đơn giản có thể gây ra cơn đói tâm lý gia tăng liên tục mà không thể kiểm soát được.

Cơn đói đại diện cho yếu tố chủ quan trong động cơ tìm kiếm thức ăn. Cơn đói kích hoạt các yếu tố giác quan nảy sinh từ môi miệng và bó tiêu hóa, các yếu tố chuyển hóa và nội tiết, sự điều hợp trung tâm thông qua hồi hải mã (hypothalamus), hệ limbic và vỏ não - một sự điều hợp có tính đến những trải nghiệm trước đây của cơ thể (như nhịp điệu của bữa ăn, sở thích về thực phẩm, giá trị biểu trưng của thực phẩm).

Là cảm giác được gây ra bởi nhu cầu cần thức ăn. Các quan điểm truyền thống cho rằng cơn đói là kết quả của sự mất cân bằng nội môi và lượng thức ăn được nạp vào cần thiết cho việc duy trì trạng thái cân bằng tốt nhất trong cơ thể về lượng carbon-hydrate, chất béo, protein, các khoáng chất, vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Cơn đói được trải nghiệm thấy khi mức glycogen trong gan xuống thấp, thường phụ thuộc vào ham muốn ăn của cá nhân. Cảm giác không thỏa mãn này có nguồn gốc ở hồi hải mã và được giải phóng thông qua các thụ cảm thể ở gan và dạ dày.

Cơn đói như một điều kiện[sửa]

Thuật ngữ đói thường được dùng với nghĩa là có cảm giác thèm ăn với thức ăn hoặc tâm trạng sẵn sàng đối với một bữa ăn. Sau một thời gian dài không có thức ăn, cảm giác nhẹ của cơn đói đi liền với tâm thế sẵn sàng cho một bữa ăn dần trở nên nghiêm trọng hơn, cho đến khi nó thực sự gây ra đau đớn cho cá nhân. Khi cơn đói gia tăng, phần lớn các vật thể sống sẽ trải qua một số tác động bên trong cơ thể. Ở con người và một số loài động vật khác, cơn đói có thể gây ra tiếng òng ọc đi kèm cảm giác sôi ở ruột non (nhiều người có suy nghĩ sai lầm là do dạ dày gây ra) và có thể làm co rút dạ dày. Cơn đói kéo dài sẽ khiến cá nhân ăn những chất không có giá trị dinh dưỡng (như ăn cỏ và đất), chỉ đơn giản là để no bụng, nhưng điều này có tác động không tốt tới sự cân bằng năng lượng để tiêu hóa các chất này.

Đôi khi, cơn đói được xác định là điều kiện mà ở đó cơ thể chỉ có thể sử dụng chuỗi protein của nó (như các nhóm cơ chẳng hạn) như nguồn năng lượng, một trạng thái bắt đầu sau khi tất cả đường và chất béo… được sử dụng hết.

Sinh học thần kinh về cơn đói[sửa]

Cơn đói được điều hòa bởi một số chuỗi tín hiệu phân tử ở động vật có vú. Các hormone được biết đến có ảnh hưởng đến cảm giác đói bao gồm ghrelin, leptin và peptide YY3-36. Sự dao động của nồng độ hormone leptin và ghrelin dẫn đến động lực tiêu thụ thức ăn của sinh vật. Khi một sinh vật ăn thức ăn, các tế bào mỡ sẽ kích hoạt việc giải phóng leptin trong cơ thể. Sự gia tăng nồng độ leptin làm giảm động lực ăn uống của cá nhân. Sau nhiều giờ không tiêu thụ thức ăn, lượng leptin sẽ giảm đi đáng kể. Nồng độ leptin thấp làm giải phóng hormone thứ hai, ghrelin và kích thích lại cảm giác đói.

Việc tăng sản xuất ghrelin có thể làm tăng cảm giác thèm ăn khi nhìn thấy thức ăn, trong khi sự gia tăng căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone. Điều này có thể giúp giải thích sự chiếm ưu thế của cơn đói ngay cả trong những tình huống gây căng thẳng. Cảm giác no ảnh hưởng trực tiếp tới cảm giác thèm ăn, diễn ra ở hệ limbic. Cơn đói được kiểm soát bởi các hormone thần kinh, đặc biệt là serotonin ở vùng dưới đồi bên. Nhiều loại hormone khác nhau, mà trước hết là cholecystokinin, có liên quan đến việc truyền tải cảm giác no đến não bộ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bloch, H., Chemama, R., Gallo, A., Laconte, P., Le-Ny, J.F., Postel, J., Moscovici, S., Reuchlin, 2.M. & Vurpillot, E., Grand Dictionnaire de la Psychologie, Paris: Larousse, France, 1991, pp. 578 - 579.
  2. Raymond J. Corsini, Alan J. Auerbach, Concise Encyclopedia of Psychology. Second edition, 1988.
  3. Alan E. Kazdin, Encyclopedia of Psychology, Oxford University Press, 2000.