Mục từ này cần được bình duyệt
Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

Cơ sở hạ tầng (tiếng Nga: бвзис; tiếng Anh: base hay substructure; tiếng Pháp: base hay infrastucture) và kiến trúc thượng tầng (tiếng Nga: надстройка; tiếng Anh và Pháp: superstructure) là hai phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ những thành phần cơ cấu quan trọng nhất của mỗi hình thái kinh tế - xã hội, vạch rõ mối liên hệ giữa những quan hệ kinh tế xã hội với những quan hệ khác của một xã hội nhất định.

Cơ sở hạ tầng là toàn bộ những quan hệ sản xuất trong sự vận động hiện thực của chúng hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội. Những quan hệ sản xuất này phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất. Trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội có đối kháng giai cấp thì bên cạnh những quan hệ sản xuất thống trị vẫn còn tàn dư của những quan hệ sản xuất của chế độ cũ và cả mầm mống của những quan hệ kinh tế của chế độ tương lai. Cho nên Cơ sở hạ tầng của một xã hội cụ thể được đặc trưng trước hết bởi kiểu quan hệ sản xuất thống trị tiêu biểu cho xã hội ấy, đồng thời nó còn bao gồm cả những quan hệ sản xuất quá độ (tàn dư cũ, mầm mống mới của những thành phần kinh tế khác). Trong hệ thống cơ cấu kinh tế đó, cái có vài trò chủ đạo đối với các thành phần kinh tế khác vẫn là kiểu quan hệ sản xuất thống trị. Cơ sở hạ tầng gồm những quan hệ vật chất tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức và ý chí của con người. Nó hình thành trong quá trình sản xuất vật chất và trực tiếp biến đổi theo sự tác động và phát triển của lực lượng sản xuất. Các phạm trù cơ sở hạ tầng và “quan hệ sản xuất” có ý nghĩa tương đương, nhưng không đồng nhất. Phạm trù “quan hệ sản xuất” liên quan đến phạm trù “lực lượng sản xuất”. Còn phạm trù cơ sở hạ tầng thì liên quan đến phạm trù “kiến trúc thượng tầng”.

Kiến trúc thượng tầng là toàn bộ quan điểm chính trị, pháp luật, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, vân vân, với những thể chế tương ứng (nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể, vân vân) được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định. Các bộ phận trong kiến trúc thượng tầng có quan hệ khăng khít với nhau và cùng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng. Một số bộ phận của kiến trúc thượng tầng như nhà nước, luật pháp, các tổ chức chính trị và hệ tư tưởng chính trị, có liên hệ trực tiếp với cơ sở hạ tầng của xã hội, còn những bộ phận khác như triết học, nghệ thuật, tôn giáo, vân vân, thì xa cơ sở hạ tầng và có mối liên hệ gián tiếp với cơ sở hạ tầng.

Mối quan hệ cơ sở hạ tầng - kiến trúc thượng tầng[sửa]

Một số nhà triết học, xã hội học duy tâm cho rằng ý thức, tư tưởng, đời sống tinh thần của xã hội là cơ sở đẻ ra quan hệ vật chất; đời sống tinh thần của xã hội là cơ sở đẻ ra quan hệ vật chất, đời sống kinh tế của xã hội. Một số khác lại coi kinh tế, chính trị, hệ tư tưởng như là các nhân tố độc lập, có tác dụng ngang nhau, không có một nhân tố nào là chủ yếu và quyết định cả. Còn chủ nghĩa Mác khẳng định rằng: quan hệ kinh tế, quan hệ sản xuất là những quan hệ cơ bản quyết định mọi quan hệ xã hội khác về chính trị, pháp luật và tư tưởng. Giai cấp nào chiếm địa vị thống trị về kinh tế thì cũng chiếm địa vị thống trị trong đời sống tinh thần. Mọi hoạt động, mọi biến đổi của kiến trúc thượng tầng, xét đến cùng đều do nguyên nhân kinh tế quyết định trực tiếp hay gián tiếp. Những biến đổi căn bản trong cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến những biến đổi căn bản trong kiến trúc thượng tầng. Kiến trúc thượng tầng nảy sinh trên cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định, song nó có tính độc lập tương đối: nó không phải là kết quả thụ động của cơ sở hạ tầng, mà trái lại, sau khi hình thành, kiến trúc thượng tầng có tác động mạnh mẽ trở lại đối với cơ sở hạ tầng. Tác dụng của kiến trúc thượng tầng sẽ được phát huy hiệu lực cao độ khi nó tác động cùng chiều với sự vận động của những quy luật kinh tế khách quan của xã hội. Trái lại, nếu tác động ngược chiều với những quy luật kinh tế đó thì nó sẽ là trở lực, cản trở sự phát triển của xã hội.

Trong mỗi chế độ xã hội, sự vận động của các bộ phận của kiến trúc thượng tầng không phải bao giờ cũng đi theo cùng một xu hướng. Đôi khi trong kiến trúc thượng tầng cũng nảy sinh tình trạng không đồng bộ giữa các bộ phận của nó, khả năng mâu thuẫn với nhau, chống đối lẫn nhau giữa các bộ phận đó. Chức năng xã hội cơ bản của kiến trúc thượng tầng thống trị là xây dựng, bảo vệ và phát triển cơ sở hạ tầng hiện tồn, chống lại những nguy cơ làm suy yếu hoặc phá hoại sự tồn tại của chế độ kinh tế - xã hội đang tồn tại. Sự tác động mạnh mẽ của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng là điều không thể nghi ngờ. Tuy nhiên, nếu quá nhấn mạnh vai trò của sự tác động ấy đến mức phủ nhận tác động quyết định của những quy luật kinh tế khách quan, phủ nhận tính tất yếu của sự vận động xã hội thì sẽ không tránh khỏi rơi vào sai lầm duy tâm chủ quan và do vậy, không thấy được tiến trình khách quan của lịch sử. Mối quan hệ nhân quả giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng phải được đặt trong điều kiện xét đến cùng, vì nhiều khi xét đến cùng, người ta mới thấy rõ nhân tố kinh tế đóng vai trò quyết định.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • M.M. Rodentan (chủ biên) (1975). Từ điển Triết học. Nxb Tiến bộ Matxccơva
  • Từ điển Bách khoa Việt Nam
  • The Oxford Companion to Philosophy
  • Encyclopaedia Britanica 2008