Mục từ này cần được bình duyệt
Cơ sở dữ liệu biển

Cơ sở dữ liệu biển là bộ dữ liệu tổng hợp về biển và đại dương bao gồm: nhiệt độ, độ mặn, nồng độ oxy, nồng độ các chất dinh dưỡng, chất khoáng, chất hữu cơ, các số liệu sinh học (vd. sinh vật phù du và tảo), các thông số hải văn (sóng, dòng chảy, dao động mực nước,v.v.), pH, độ đục, độ dẫn điện,.… từ các phép đo theo thời gian và không gian (vd. theo vị trí địa lý, độ sâu biển), thực hiện bởi những phương tiện và công nghệ khác nhau (vd. trạm đo khí tượng hải văn, hệ thống phao quan trắc tự động, ảnh máy bay, ảnh vệ tinh, tàu khảo sát,v.v.).

Cơ sở dữ liệu biển được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học, xây dựng, thương mại-dịch vụ, ứng phó ô nhiễm môi trường, cứu hộ-cứu nạn,…

Cơ sở dữ liệu biển được xây dựng dựa trên tập hợp số liệu từ các phép đo của một hoặc nhiều yếu tố hải dương theo độ sâu cột nước từ bề mặt xuống đáy tại một vị trí địa lý trong khoảng thời gian nhất định. Các phép đo này thông thường chỉ đo được số liệu ở một số độ sâu nhất định, còn trong các trường hợp cụ thể khác, các yếu tố hải dương này sẽ được tính toán ở những độ sâu khác thông qua các công thức nội suy. Cơ sở dữ liệu biển có hai dạng là dữ liệu gốc hoặc dữ liệu đã qua xử lý, chúng đều đã được phân loại, kiểm tra, đánh giá (dữ liệu gốc) và sau đó xử lý, chuẩn hóa theo quy chuẩn quốc tế hoặc quốc gia. Cơ sở dữ liệu biển được sắp xếp, lưu trữ dưới dạng bản cứng (sách, atlas, bảng số liệu,…) hoặc các dạng tệp tin dữ liệu lưu trên các phương tiện điện tử.

Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu biển với bộ dữ liệu phong phú và được cập nhật nhanh chóng, linh hoạt về các yếu tố hải dương theo từng mục đích sử dụng, ví dụ như: bộ số liệu phân tích đại dương toàn cầu (GLODAP), cơ sở dữ liệu đại dương thế giới (WOD), cơ sở dữ liệu đại dương toàn cầu về khảo cổ và cứu nạn (GODAR), cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám biển (ESA, NOAA,..) v.v. Trong đó, cơ sở dữ liệu đại dương thế giới (World Ocean Database) – sau đây gọi tắt là WOD, được phát hành lần đầu vào năm 1994, sau đó được Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC) chính thức giới thiệu vào năm 2000 là cơ sở dữ liệu công khai lớn nhất thế giới. Cơ sở dữ liệu của WOD là hơn 20.000 bộ dữ liệu lưu trữ riêng biệt được đóng góp bởi các trung tâm dữ liệu hải dương học, tổ chức, dự án, cơ quan chính phủ trên toàn thế giới. Nó góp phần chủ yếu để tạo nên bộ Atlas các đại dương thế giới (World Ocean Atlas-WOA) đang được sử dụng rất rộng rãi hiện nay. Bản phát hành mới nhất của cơ sở dữ liệu đại dương thế giới là WOD 2018 (WOD18), bao gồm gần 16 triệu loại dữ liệu hải dương học khác nhau, được thống kê từ năm 1772 đến cuối năm 2017.

Cùng với đó, tại các nước trên thế giới đều có một cơ sở dữ liệu biển riêng cho từng quốc gia đó, chúng được xây dựng, lưu trữ và quản lý bởi các cơ quan hữu quan chuyên trách. Tại Việt Nam thì cơ sở dữ liệu biển quốc gia được quản lý bởi Tổng cục Biển và Hải đảo và các Viện nghiên cứu, Sở, ban ngành chuyên môn, các dạng dữ liệu bao gồm: dữ liệu về ven biển, địa chất-địa mạo biển; khí tượng thủy văn biển; đặc tính hóa lý của nước biển; sinh thái biển; môi trường biển, quốc phòng an ninh trên biển, v.v. Việc xây dựng, thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp và đảm bảo an toàn cơ sở dữ liệu biển quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đều phải tuân thủ đúng và đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Levitus S., R. Gelfeld, T. Boyer, and D. Johnson, Results of the NODC and IOC Data Archaeology and Rescue projects. Key to Oceanographic Records Documentation No.19, NODC, Wash. DC., 1994, pp. 67;
  • Levitus S., The World Ocean Database, Data Science Journal, et. al. 2013, Vol. 12, pp. 7.
  • Boyer, T.P., O.K. Baranova, C. Coleman, H.E. Garcia, A. Grodsky, R.A. Locamini, A.V. Mishonov, T.D. O’Brien, C.R. Paver, J.R. Reagan, D. Seidov, I.V. Smolyar, K. Weather, and M.M. Zweng, World Ocean Database 2018, Technical Editor, NOAA Atlas NESDIS 87, 2018;
  • Garcia H.E., T.P. Boyer, O.K. Baranova, R.A. Locarnini, A.V. Mishonov, A. Grodsky, C.R. Paver, K.W. Weathers, I.V. Smolyar, J.R. Reagan, D. Seidov, M.M. Zweng, World Ocean Atlas 2018: Product Documentation. A. Mishonov, Technical Editor, 2019;