Mục từ này cần được bình duyệt
Cơ quan giải quyết tranh chấp của tổ chức thương mại quốc tế

(WTO)

Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO là một loại cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền đưa ra những quyết định có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp và buộc tất cả các thành viên đều phải chấp nhận quyền tài phán của Cơ quan giải quyết tranh chấp.

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế.

Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO gồm có 2 cấp, đó là Ban hội thẩm (Panel) và Cơ quan phúc thẩm (Appellate Body). DSB không trực tiếp tham gia vào quá trình xét xử tranh chấp mà chỉ là nơi đưa ra quyết định chính trị trong giải quyết tranh chấp tại WTO. Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm giữ vai trò là các thiết chế pháp lý để đánh giá các khía cạnh pháp lý của vụ tranh chấp.

DSB chính là Đại hội đồng của WTO, cơ quan có quyền quyết định cao nhất của Tổ chức này trong thời gian giữa các Hội nghị Bộ trưởng. Tất cả các thành viên của WTO đương nhiên cũng là thành viên của DSB và có quyền tham dự vào tất cả các hoạt động của DSB (điều 2 DSU).

Trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO thì những chức năng quan trọng nhất thuộc về DSB. DSB có quyền thành lập Ban hội thẩm, thông qua báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, duy trì giám sát việc thực hiện các phán quyết và khuyến nghị, cho phép tạm hoãn những ưu đãi và các nghĩa vụ khác theo các hiệp định có liên quan. DSB có một Chủ tịch riêng và được hỗ trợ bởi Ban thư kí WTO trong quá trình giải quyết tranh chấp. DSB sẽ nhóm họp khi cần thiết để thực hiện các chức năng trên. Thông thường, DBS sẽ họp mỗi tháng một lần, trừ trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp đặc biệt.

Mọi quyết định của DBS được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận (consensus) (Điều IX of của thoả thuận WTO). Tuy nhiên điểm đặc biệt của nguyên tắc đồng thuận của DBS là ở chỗ nguyên tắc này được thực hiện theo chiều ngược lại với nguyên tắc đồng thuận thông thường, cụ thể là quyết định sẽ được coi là thông qua trừ khi có một sự đồng thuận không thông qua quyết định này. Nguyên tắc "reverse consensus" (tạm dịch là đồng thuận ngược chiều) này là một trong những điểm đặc biệt nhất giữa WTO và các tổ chức quốc tế khác. Nguyên tắc này đã dẫn đến một hệ quả pháp lý cực kỳ quan trọng là mọi quyết định của WTO hầu như chắc chắn được thông qua một khi cơ quan có thẩm quyền khuyến nghị việc thông qua đệ trình dự thảo quyết định ra trước tất cả các thành viên. Nói cách khác, việc DSB quyết định các vấn đề trên cơ sở đồng thuận ngược chiều làm ảnh hưởng của DSB đối với cơ chế giải quyết tranh cháp của WTO có phần hạn chế. Tuy nhiên, sự tham gia của DSB trong từng giai đoạn của thủ tục giải quyết tranh chấp tại WTO sẽ giúp các nước thành viên WTO nắm bắt thông tin về tình hình giải quyết tranh chấp, đồng thời tạo diễn đàn chính trị để các nước thành viên trao đổi khi nảy sinh vấn đề liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Ban hội thẩm

Ban hội thẩm là một cơ chế chuyên gia (nhóm ad hoc), thành phần của một Ban hội thẩm thường bao gồm từ 3 đến 5 thành viên là những chuyên gia có năng lực và trình độ được lựa chọn từ danh sách các chuyên gia về WTO do ban Thư ký của WTO quản lý và được cập nhật thường xuyên, Ban hội thẩm thành lập nhằm giải quyết từng nhiệm vụ tranh chấp cụ thể (Điều 17 của DBS). Nhiệm vụ của Ban hội thẩm là soạn thảo báo cáo để trình lên DBS xem xét thông qua. Trong dự thảo báo cáo, Ban hội thẩm phải đưa ra các đánh giá khách quan về những vấn đề tranh chấp giữa các bên, gồm cả việc đánh giá khách quan các khía cạnh pháp lý của vụ tranh chấp, về khả năng áp dụng và phù hợp với các hiệp định có liên quan và các kiến nghị nhằm giúp cho DBS trong việc đưa ra các khuyến nghị và quyết định.

Cơ quan Phúc thẩm

Cơ quan phúc thẩm cũng do DBS thành lập, nhưng khác với Ban hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm là một cơ quan thường trực. Cơ quan Phúc thẩm gồm 07 thành viên là những người có kinh nghiệm, uy tín về pháp luật, thương mại quốc tế và không đại diện cho lợi ích của bất kỳ chính phủ nào. Các thành viên của Cơ quan Phúc thẩm do DSB chỉ định với nhiệm kỳ 04 năm và có thể được gia hạn thêm một lần. Thành viên của cơ quan phúc thẩm do DSB làm việc theo chế độ luân phiên, mỗi vụ việc sẽ do 3 thành viên tham gia xem xét (điều 17 DSU). Cơ quan phúc thẩm chỉ xem xét những vấn đề pháp lý và việc giải thích luật được đề cập trong báo cáo của Ban hội thẩm. Sau khi xem xét, Cơ quan phúc thẩm có toàn quyền giữ nguyên, sửa đổi hay huỷ bỏ các kết luận pháp lý của Ban hội thẩm.

Quyết định về giải quyết tranh chấp được DSB thông qua theo nguyên tắc đồng thuận tiêu cực có giá trị pháp lý và có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên tranh chấp. Thông thường thì bên thua kiện có nghĩa vụ bãi bỏ các quy định hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp mà nhóm chuyên gia kết luận là vi phạm điều khoản trong các hiệp định có liên quan của WTO. Để bảo đảm là bên thua kiện sẽ thực hiện nghiêm túc quyết định của DSB và để tránh tình trạng "rơi vào im lặng", WTO đề ra một cơ chế theo dõi và giám sát việc thực hiện quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông qua báo cáo của nhóm chuyên gia, bên thua kiện phải thông báo cho DSB biết về những biện pháp mà nước này dự định áp dụng để thực hiện khuyến nghị của nhóm chuyên gia. Nếu nước này vì lý do nào đó không thể thực hiện ngay khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì DSB có thể cho phép nước này được thực hiện trong một thời hạn “hợp lý”. Và nếu trong thời hạn "hợp lý" đó bên thua kiện vẫn không thể thực hiện được khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì nước này có nghĩa vụ thương lượng với bên thắng kiện về mức độ bồi thường thiệt hại, ví dụ như giảm thuế quan đối với một sản phẩm nào đó có lợi cho bên thắng kiện. Nếu trong vòng 20 ngày kể từ ngày chấm dứt thời hạn hợp lý, các bên tranh chấp không đạt được thoả thuận về mức độ bồi thường thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa, cụ thể là tạm ngưng việc cho bên thua kiện hưởng những nhân nhượng thuế quan hoặc tạm ngưng thực hiện những nghĩa vụ đối với bên thua kiện theo hiệp định có liên quan.

Tài liệu tham khảo

1. J. Cameron, K Campbell (1999), Dispute Resolution in The World Trade Organisation, London 1999, p. 29-32

2. B.L Das (1999): The World Trade Organisation: a guide to the framework for international trade, London 1999, p. 402-416

3. Trần Thanh Hải và công sự (2003), Từ điển chính sách thương mại quốc tế, Dự án Multrap, Hà nội 2003;

4. Đỗ Đức Bình và Nguyễn Thường Lạng (2008), Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Đại học kinh tế quốc dân, Hà nội 2008.