Căng thẳng là các phản ứng sinh lý và tâm lý của cá nhân đối với các tình huống hay sự kiện gây ra sự mất thăng bằng/rối loạn cơ thể.
Mặc dù còn chưa có được sự thống nhất hoàn toàn giữa các nhà tâm lý học về một định nghĩa chính xác về căng thẳng. Tuy vậy, có sự thống nhất cơ bản rằng căng thẳng là kết quả của các tác động lên cơ thể tạo ra các phản ứng bất thường về sinh lý, xúc cảm, tâm lý. Đối với con người, căng thẳng được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau và gây ra những phản ứng đa dạng, có cả tích cực và tiêu cực.
Các nghiên cứu cho thấy, căng thẳng là một yếu tố tham gia vào nhiều bệnh tật khác nhau. Trong lĩnh vực tương đối mới là Y học hành vi, Tâm lý học miễn dịch đã có các nghiên cứu ảnh hưởng của các nguyên nhân tâm lý như căng thẳng đến hệ miễn dịch. Kết quả được công nhận rộng rãi là các bệnh tim mạch hay viêm nhiễm có thể là hệ quả của căng thẳng vượt quá giới hạn. Các nhà miễn dịch học tâm lý tin rằng nhiều dạng bệnh xuất hiện do khả năng miễn dịch suy giảm như là hệ quả của căng thẳng. Ung thư, dị ứng, viêm khớp đều có thể nảy sinh do khả năng bảo vệ của cơ thể suy yếu vì căng thẳng.
Mặc dù thừa nhận các tác động tiêu cực của căng thẳng, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng ở mức độ nhất định, căng thẳng là yếu tố cần thiết cho sức khỏe tâm thần và hạnh phúc. Loại căng thẳng đó được gọi là “ưu stress”. Loại căng thẳng này thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và giúp cá nhân có thể huy động tối đa sức lực, năng lượng về thể chất, trí tuệ, tâm lý để vượt qua thách thức, mà với trạng thái bình thường cá nhân không vượt qua được.
Xác định các tác nhân gây căng thẳng (stressor) là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu và lâm sàng, nhằm cung cấp được các hướng can thiệp ngăn chặn hoặc giảm nhẹ các tác nhân đó. Các tác nhân gây ra căng thẳng (tình huống hay sự kiện) có thể là các nhân tố thường ngày như ùn tắc giao thông, đến các nhân tố kịch tính, nguy hiểm như sự de dọa của chiến tranh hay sự quá tải dân số. Một số tác nhân gây căng thẳng có thể làm cá nhân bị rối loạn, số khác ít bị ảnh hưởng, số khác sẽ trở lên mạnh mẽ hơn sau khi vượt qua căng thẳng.
Tác nhân gây căng thẳng[sửa]
Phân loại các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống là một hướng nghiên cứu quan trọng trong Tâm lý học. Theo đó, các nghiên cứu tập trung vào các mặt: những sự kiện thay đổi lớn trong cuộc sống; các khủng hoảng hay sang chấn lớn trong cuộc sống; các tác nhân liên tục, lặp lại. Các nghiên cứu sử dụng “Thang đo các sự kiện cuộc sống” cho thấy 10 nhân tố gây căng thẳng hàng đầu bao gồm: cái chết của vợ/chồng; ly dị; chia tách hôn nhân; cái chết của người thân trong gia đình; bệnh tật hay bị thương của bản thân; lập gia đình, mất việc, về hưu, sự hòa giải hôn nhân… Điều đáng lưu ý trong danh sách đó là ngay cả những sự kiện tốt như lập gia đình hay về hưu đều có thể gây căng thẳng.
Trong mỗi lĩnh vực cụ thể, có các nghiên cứu chuyên sâu để chỉ ra các tác nhân gây căng thẳng. Ví dụ trong Tâm lý học lao động, các tác nhân gây căng thẳng được xác định bao gồm: các yếu tố liên quan đến môi trường lao động vật lý, các yếu tố liên quan đến quan hệ cấp trên và đồng nghiệp, các yếu tố thuộc về đặc điểm của công việc (cần sự tập trung lâu dài hay phải di chuyển nhiều…).
Có quan điểm cho rằng tình huống càng căng thẳng thì càng có thể gây ra sự rối loạn và càng làm tăng sự căng thẳng. Ví dụ, ít người có thể coi 1 tai nạn giao thông nghiêm trọng như 1 điều gì đó không căng thẳng. Tuy vậy, mức độ trải nghiệm căng thẳng ở cá nhân không chỉ phụ thuộc vào bản thân các tác nhân. Khi các sự kiện hay tình huống gây căng thẳng xuất hiện, quá trình nhận thức được khởi động để xác định phản ứng của cá nhân với các nhân tố đó. Nếu cá nhân coi nhân tố đó như là không có liên quan đến bản thân thì sẽ ít gây ra ít rối loạn và do đó cũng ít căng thẳng. Ví dụ: học sinh cấp 3 không có kế hoạch học đại học sẽ trải nghiệm ít căng thẳng hơn khi thi tốt nghiệp phổ thông hơn là học sinh mong muốn đăng ký vào các trường đại học hàng đầu, mặc dù cả hai đang trong cùng tình huống.
Mức độ của căng thẳng từ các tình huống nhìn chung còn phụ thuộc vào nhận biết của cá nhân về khả năng ứng phó với tình huống đó. Nếu căng thẳng có thể dự báo trước thì thường tạo ra ít căng thẳng hơn. Khả năng kiểm soát của cá nhân đối với nhân tố tạo căng thẳng có thể giảm nhẹ ảnh hưởng của nó. Một mạng lưới hỗ trợ xã hội cũng có thể làm giảm bớt căng thẳng trong hầu hết các tình huống.
Phản ứng với căng thẳng khác nhau ở các cá nhân và cách họ nhìn nhận rủi ro mà tình huống đó đem lại. Phản ứng tâm lý có thể bao gồm: sự sút kém nhận thức - như trong tình huống lo hãi, tức giận, thiện cảm, trầm cảm và xâm kích. Các phản ứng hành vi có thể bao gồm: thay đổi trong thói quen ăn uống. Phản ứng sinh lý cũng đa dạng. Phản ứng “Chiến đấu - bỏ chạy” bao gồm tập hợp mẫu phản ứng bên trong xảy ra khi đáp ứng lại các tình huống khẩn cấp. Cơ thể chuẩn bị đáp ứng tình huống khẩn cấp bằng cách tiết ra năng lượng gia tăng, nhịp tim tăng, huyết áp tăng và nhịp thở tăng, tăng trương lực cơ, hệ miễn dịch được kích hoạt; các hoóc môn được tiết ra để hỗ trợ năng lượng. Thùy hải mã thường ngắt trung tâm căng thẳng của não bộ, kiểm soát các phản ứng khẩn cấp đối với tình huống được nhận biết là nguy hiểm.
Ứng phó căng thẳng[sửa]
Ứng phó với căng thẳng là đối tượng của nhiều nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu về cách ứng phó với căng thẳng của con người trong các thay đổi lớn của cuộc sống. Có nhiều cách ứng phó với căng thẳng, trong đó có hai cách chính: tái tổ chức yếu tố gây căng thẳng một cách tích cực hoặc đối đầu với yếu tố gây căng thẳng. Cách thứ nhất: phát hiện, tập trung vào các mặt tích cực của yếu tố gây căng thẳng hoặc sắp xếp lại yếu tố đó theo chiều hướng tích cực. Ví dụ, những người đã trải nghiệm căng thẳng quá mức khi họ đối diện với tắc đường hàng ngày có thể quyết định thay đổi đường đi hoặc đổi phương tiện hoặc giờ đi làm để tránh căng thẳng. Thay bằng việc điều chỉnh các phản ứng đối với nhân tố gây căng thẳng thì họ cố gắng biến đổi chính vấn đề - phương pháp tập trung vào vấn đề (problem-focused strategy) - được coi là phương pháp hiệu quả nhất. Phương pháp thứ 2: đối đầu với ảnh hưởng của yếu tố gây căng thẳng, thường được sử dụng thường xuyên trong trường hợp căng thẳng nghiêm trọng và khó thay đổi. Bệnh nặng, cái chết, thảm họa (núi lửa, rơi máy bay…) không thể thay đổi, nên người ta sẽ sử dụng phương pháp tập trung vào xúc cảm (emotion-focused methods) để ứng phó. Ví dụ như tập thể dục, uống rượu, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người vững vàng hơn. Cơ chế tự vệ là phương pháp ứng phó vô thức có thể giúp che dấu chứ không giải quyết được stress. Dồn nén - dồn nén nguồn gây căng thẳng xuống vô thức - một cách ứng phó. Hợp lý hóa và phủ nhận là những phản ứng xúc cảm phổ biến đối với căng thẳng.
Công cụ đánh giá[sửa]
Có nhiều công cụ để đánh giá căng thẳng. Có thể kể đến một số công cụ như sau: Thang đo Nhận biết căng thẳng (Perceived Stress Scale) được phát triển bởi S. Cohen và các đồng sự được công bố vào năm 1983. Thang đo này được coi là một trong những thang đo được sử dụng phổ biến. Thang đo này dùng để đánh giá những tình huống trong cuộc sống được cá nhân coi là gây căng thẳng.
Thang Đánh giá sự điều chỉnh lại xã hội của Holmes và Rahes (SRRS - The Social Readjustment Rating Scale (SRRS)), còn được gọi đơn giản là thang đo Stress của Holmes và Rahes. Thang đo này được sử dụng để đánh giá các sự kiện thay đổi trong cuộc sống có thể gây căng thẳng. Thang này là bảng hỏi tự báo cáo, theo đó nghiệm thể tự đánh giá mức thay đổi cuộc sống trong một khoảng thời gian 12 tháng.
Thang đo Căng thẳng làm cha mẹ (Parenting Stress Index) do Richard R. Abidin công bố năm 1990. Thang đo này được sử dụng để đánh giá mức độ căng thẳng ở phụ huynh khi nuôi dạy con cái. Thang đo này có thể sử dụng để so sánh, đối chiếu mức độ căng thẳng của các phụ huynh nuôi con phát triển bình thường và phụ huynh nuôi con có nhu cầu đặc biệt.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology, Brumfield M.L, 1999.
- Bonnie, R. Strickland, The GallEncyclopedia of Psychology, Executive editor, Gale group, 2001.
- Charler Spielbeger (Editor - in chief), Encyclopedia of Aplieded Psychology, Elsvior Academic press, 2012.