Mục từ này cần được bình duyệt
Căn cứ trung ương cục miền Nam

Căn cứ trung ương cục miền Nam (cg. R, Khu căn cứ Chàng Riệc, Khu căn cứ Phạm Hùng, Khu căn cứ Bắc Tây Ninh) căn cứ địa cách mạng, trụ sở và nơi sinh hoạt của Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đóng tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

CCTƯCMN rộng 160ha, hiện nằm trong khu bảo tồn rừng tự nhiên có tổng diện tích lên đến 1.764ha, gồm: 1. Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôm, xã Tân Lập) Trung ương Cục miền Nam thành lập ngày 23 tháng 01 năm 1961, là một bộ phận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam. Ngoài đội ngũ lãnh đạo, Trung ương Cục còn có Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Cơ yếu, Ban Quân sự Miền, Ban Kinh tài, Ban Giao lưu, Ban Binh vận, Ban An ninh, Ban Tuyên huấn, Ban Thông tin, Ban Chính trị; các ban chuyên môn như Trường Đảng trung cao cấp Nguyễn Ái Quốc miền Nam, Ban Thị đua, Ban Hồi hương, Ban Mặt trận… Ban đầu, căn cứ của Trung ương Cục miền Nam đặt tại khu A, đến tháng 2 năm 1962 thì chuyển toàn bộ về Căn cứ Bắc Tây Ninh, để thuận tiện cho việc tiếp tế lương thực, thực phẩm và thuận lợi cho việc lãnh đạo đấu tranh chính trị và quân sự ở miền Nam, thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng Sài Gòn và các vùng nông thôn Nam Bộ.

Khu di tích Trung ương Cục miền Nam đã trải qua 2 đợt trùng tu, tôn tạo trong các năm 1992 và 2002, tổng thể chia thành 2 phân khu: a)Phân khu di tích gồm nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung; Nhà thường trực, Hội trường lớn, Hội trường nhỏ, Văn phòng, Nhà bếp Hoàng Cầm, Nhà bảo vệ; hệ thống hầm chữ A và giao thông hào, đường nội bộ. Phân khu di tích sử dụng chất liệu bê tông cốt thép giả gỗ làm cột nhà, vì kèo và đòn tay bằng gỗ, lợp lá, kiểu 1 gian 2 chái, vách đóng nẹp tre cao khoảng 90cm, phía trên để trống, treo các tấm tăng nhựa. Nhà có địa đạo thông ra hầm chữ A rồi thông ra giao thông hào. b)Phân khu tưởng niệm gồm Nhà đón tiếp, Nhà trưng bày, Khu tưởng niệm…

                Một căn nhà trong khu Căn cứ Trung ương cục miền Nam (Ảnh tư liệu)

2. Khu di tích Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (Suối Chò, xã Tân Lập) Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại khu căn cứ Bắc Tây Ninh, vùng Trảng Chiêng, xã Tân Lập, trong không khí cách mạng sôi sục của Phòng trào Đồng Khởi. Mặt trận bao gồm những người đại diện cho các lực lượng yêu nước, những nhân sĩ, trí thức ở miền Nam Việt Nam. Khu di tích Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bắt đầu trùng tu, tôn tạo vào năm 2000, tổng thể chia làm hai phân khu: a)Phân khu di tích gồm Nhà bảo vệ, Nhà giao liên, Nhà khách, Nhà bếp Hoàng Cầm, Hội trường; Nhà ở của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Phùng Văn Cung, Võ Chí Công; hệ thống giao thông hào và giếng nước, đường nội bộ. Phân khu di tích sử dụng chất liệu bê tông cốt thép giả gỗ làm cột nhà, vì kèo và đòn tay bằng gỗ, lợp lá, kiểu 1 gian 2 chái, vách đóng nẹp tre cao khoảng 90cm, phía trên để trống, treo các tấm tăng nhựa. Nhà có địa đạo thông ra hầm chữ A rồi thông ra giao thông hào.b)Phân khu tưởng niệm gồm Nhà tiếp đón và trưng bày, Nhà bia…

3. Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Trảng A Lân, xã Tân Lập) Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập ngày 06 tháng 6 năm 1969, do Đại hội đại biểu quốc dân bầu ra tại rừng Tà Nốt, Tà Đạt, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Thành phần tham dự Đại hội gồm đại diện Mặt trân Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng vũ trang dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng đại biểu các lực lượng yêu nước khác ở miền Nam Việt Nam.

Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trùng tu và tôn tạo xong vào năm 2001, tổng thể chia làm hai phân khu: a)Phân khu di tích gồm Nhà bảo vệ, Nhà khách, Nhà bếp Hoàng Cầm, Hội trường; Nhà ở của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Kiết, Trịnh Đình Thảo; hệ thống giao thông hào và giếng nước, đường nội bộ. Phân khu di tích sử dụng chất liệu bê tông cốt thép giả gỗ làm cột nhà, vì kèo và đòn tay bằng gỗ, lợp lá, kiểu 1 gian 2 chái, vách đóng nẹp gỗ khoảng 50cm, phía trên để trống, treo các tấm tăng nhựa. Nhà có địa đạo thông ra hầm chữ A rồi thông ra giao thông hào. b)Phân khu tưởng niệm gồm Nhà tiếp đón và trưng bày, Nhà bia…

CCTƯCMN được coi là thủ đô của cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là nơi ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết quyết định đường lối, sách lược, chiến lược của cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng vào sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là khu căn cứ địa điển hình và có giá trị lớn về mặt khoa học lịch sử quân sự. CCTƯCMN còn là nơi lưu lại những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và nhiều đồng chí cán bộ cách mạng khác. Nơi đây xứng đáng được coi là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho quần chúng nhân dân nói chung, cho các thế hệ học sinh, sinh viên và thanh niên nói riêng. Sau khi tiến hành trùng tu và mở cửa đón khách tham quan, từ 2006 đến 2016, trung bình mỗi năm CCTƯCMN đón tiếp khoảng 50.000 lượt khách tham quan. CCTƯCMN được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, thuộc loại hình di tích lịch sử, đặt dưới sự quản lý của Ban quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh. Từ năm 2016, Di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao cho Bộ Quốc phòng quản lý và phát huy giá trị.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tỉnh ủy Tây Ninh, Căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Hồi ký Trung ương Cục miền Nam), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
  2. Trần Bạch Đằng, Chung một bóng cờ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
  3. Ban quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, Lý lịch di tích lịch sử - văn hóa Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Hồ sơ lưu tại Cục Di sản văn hóa), Tây Ninh, 2011.
  4. Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến, Biên niên sự kiện lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
  5. Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
  6. Nguyễn Quý, Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.