Căn cứ hậu phương chiến lược là vùng lãnh thổ quan trọng, bộ phận nòng cốt, hạt nhân của hậu phương quốc gia; nơi bố trí các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội để lãnh đạo, chỉ huy, điều hành mọi hoạt động của đất nước, hoạt động tác chiến chiến lược trên chiến trường trong chiến tranh; nơi bố trí hệ thống kho tàng, các cơ sở kinh tế - xã hội, công nghiệp quốc phòng quan trọng... để sản xuất, tạo nguồn dự trữ chiến lược, sẵn sàng huy động các nguồn lực bảo đảm cho thắng lợi của cuộc chiến tranh.
Căn cứ hậu phương chiến lược được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của chiến tranh. Từ xa xưa, quân đội chủ yếu được trang bị bằng vũ khí lạnh, nhiều dân tộc tiến hành các cuộc chiến tranh tự vệ đã vận dụng phương thức tác chiến du kích, dựa vào địa hình hiểm trở, các căn cứ địa, nắm thời cơ chuyển sang phản công giành thắng lợi. Từ cuối thế kỷ XIV, quân đội bắt đầu được trang bị súng thần công và súng bộ binh, các quốc gia đã lợi dụng địa thế xây dựng các thành quách kiên cố để phòng ngự; tuy chưa rõ nét, song có thể coi đó là những yếu tố ban đầu của sự kết hợp giữa căn cứ chiến đấu, căn cứ địa, Căn cứ hậu phương chiến lược. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai, để chống lại sự xâm lược của quân Đức, Liên Xô đã tiến hành xây dựng Căn cứ hậu phương chiến lược rộng lớn ở phía Đông đất nước, là chỗ dựa vững chắc cho thắng lợi của chiến tranh.
Ở Việt Nam, trong lịch sử giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc, trước công nguyên, nhân dân Âu Việt - Lạc Việt đã dựa vào rừng núi hiểm trở để đứng chân, bảo toàn lực lượng, tích lũy lương thảo, lãnh đạo nhân dân chống xâm lược. Ngô Quyền (từ 931 - 938), đã chăm lo xây dựng vùng Châu Ái - đất “căn bản” của họ Dương (căn cứ hậu phương chiến lược lúc bấy giờ), nhờ đó đã nhanh chóng huy động được sức người, sức của phục vụ kháng chiến thắng lợi. Nhà Trần đã tích cực chuẩn bị đất nước, xây dựng các khu căn cứ vững mạnh, như: vùng Thiên Mạc (Hà Nam), Thiên Trường (Nam Định), Trường Yên (Ninh Bình) và cả một vùng rộng lớn từ Vạn Kiếp qua Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An ra tới Quảng Ninh có thể được coi là Căn cứ hậu phương chiến lược của Nhà Trần, là chỗ dựa để Nhà Trần ba lần tiến hành chiến tranh đánh thắng quân xâm lược. Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), Lê Lợi đã phải rời vùng rừng núi Lam Sơn hẻo lánh, dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển về vùng đồng bằng Nghệ An để xây dựng căn cứ, dựa vào dân mà chiến đấu, cả một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa đến Nghệ An có thể được coi là căn cứ hậu phương chiến lược của cuộc khởi nghĩa, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của nghĩa quân. Khởi nghĩa Tây Sơn thế kỷ XVIII, nghĩa quân đã nhanh chóng phát triển địa bàn vùng giải phóng, xây dựng thành Căn cứ hậu phương chiến lược to lớn, bao gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, đã tạo ra được nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn, huy động sức người, sức của phục vụ cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Trước cách mạng tháng Tám, Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng của cả nước, là chỗ đứng chân của Trung ương Đảng để lãnh đạo, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Trong kháng chiến chống pháp, các khu căn cứ được xây dựng ngày càng vững mạnh, đó là các vùng: Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu IV (Thanh - Nghệ - Tĩnh), Liên khu V (Nam - Ngãi - Bình - Phú) và các khu căn cứ rộng lớn ở Nam Bộ (Đồng Tháp Mười, Dương Minh Châu, Chiến khu Đ, U Minh Thượng, U Minh Hạ...). Việt Bắc trở thành “đất thánh” của kháng chiến, thành căn cứ địa (Căn cứ hậu phương chiến lược) chung của cả nước. Căn cứ hậu phương chiến lược, các vùng căn cứ kháng chiến đã cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mĩ, miền Bắc là hậu phương lớn của cả nước, chỗ dựa vững chắc của chiến trường miền Nam, kết hợp với xây dựng, mở rộng căn cứ hậu phương tại chỗ trên chiến trường, góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến tranh.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Căn cứ hậu phương chiến lược cần được từng bước xây từ thời bình, bổ sung, phát triển khi chuyển đất nước sang thời chiến và trong chiến tranh. Xây dựng Căn cứ hậu phương chiến lược phù hợp với quyết tâm và kế hoạch tác chiến chiến lược trên chiến trường; tạo thế liên hoàn, vững chắc, cơ động linh hoạt, bí mật, an toàn; xây dựng toàn diện, tập trung có trọng điểm, ngày càng vững chắc; xây dựng đi đôi với quản lý, bảo vệ. Tổ chức, xây dựng Căn cứ hậu phương chiến lược trên từng chiến trường, trong đó, Căn cứ hậu phương chiến lược chung của cả nước; dựa trên nền tảng một số khu vực phòng thủ địa phương; trên địa bàn cả ba vùng: miền núi, trung du và đồng bằng. Trong địa bàn Căn cứ hậu phương chiến lược tổ chức bố trí các thành phần, như: cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến trường; các công trình phòng thủ quốc gia; các khu kinh tế - quốc phòng, công nghiệp, y tế, dịch vụ, các cơ sở kinh tế quan trọng của trung ương và địa phương; hệ thống kho tàng dự trữ chiến lược... gắn liền với các đơn vị hành chính, các khu dân cư trên địa bàn. Căn cứ hậu phương chiến lược được xây dựng toàn diện cả về chính trị - tinh thần, kinh tế, văn hóa - xã hội và quân sự, an ninh theo mục tiêu chung về xây dựng khu vực phòng thủ; đồng thời, gắn với xây dựng các thành phần Căn cứ hậu phương chiến lược. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đối tượng tác chiến, vũ khí trang bị kỹ thuật, nghệ thuật quân sự... có sự phát triển mới, căn cứ hậu phương chiến lược cần được nghiên cứu phát triển, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, chính quyền các cấp trong xây dựng Căn cứ hậu phương chiến lược; phát huy sức mạnh tổng hợp, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng Căn cứ hậu phương chiến lược; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng Căn cứ hậu phương chiến lược; triển khai kịp thời, đồng bộ các thành phần thế trận căn cứ hậu phương chiến lược khi chuyển đất nước sang thời chiến và bổ sung, phát triển trong chiến tranh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Võ Nguyên Giáp, Bài giảng về Đư¬ờng lối quân sự của Đảng, Nxb Quân đội nhân dân, 1974.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử chiến tranh và Nghệ thuật quân sự, 1, Nxb Quân đội nhân dân, 1986.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 6, Nxb Quân đội nhân dân,1993.
- Bộ Quốc phòng, Đề tài KX 09 - 07, Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, 1994.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1997), Hậu phư¬ơng chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 1997.
- Cục Nhà trường, Giáo trình lịch sử quân sự, 1, Nxb Quân đội nhân dân, 1997.
- Hoàng Điền, Bộ Tham mưu, Tổng cục Hậu cần., Tìm hiểu công tác hậu cần thời xưa, 1997.
- Viện Chiến lược quân sự, Đề tài cấp Bộ Quốc phòng, Chuyên đề 2.5 - Chuẩn bị hậu phương và bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho chiến lược quân sự bảo vệ Tổ quốc, , 2002.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2005), Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ 1945 - 1975, Nxb Quân đội nhân dân, 2005.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2005), Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ 1945 - 1975, Nxb Quân đội nhân dân, 2005.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2005), Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ 1945 - 1975, Nxb Quân đội nhân dân, 2005.
- Trương Hữu Quýnh, Đại cư¬ơng Lịch sử Việt Nam, 1, Nxb Giáo dục, 2006.
- Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, 2007.