Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Căn cứ chiến đấu
Căn cứ chiến đấu Cà Lu vào tháng 12 năm 1968

Căn cứ chiến đấu là khu vực địa hình có lợi thế về quân sự, được thiết bị công trình quân sự và dự trữ vật chất bảo đảm cho lực lượng tác chiến đóng quân và hoạt động tác chiến.

Căn cứ chiến đấu xuất hiện sớm trong lịch sử chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ năm 40, trong kháng chiến chống Nhà Đông Hán, Hai Bà trưng đã xây dựng Căn cứ chiến đấu ở Mê linh, Chu Diện, An Biền làm chỗ dựa để đánh địch. Năm 542, trong khởi nghĩa chống Nhà Lương, Lý Bí đã lập căn cứ Long Hưng, Chu Biện để hội quân, rèn quân và xuất quân đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (1818 - 1827), Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã lập Căn cứ chiến đấuLam Sơn để quy tụ lực lượng kháng chiến 20 năm và giành thắng lợi. Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật) đã lợi dụng địa hình hiểm trở ở khu vực các huyện: Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mĩ, Mĩ Hào tỉnh Hưng Yên để lập căn cứ Bãi Sậy chống thực dân Pháp (1883- 1892).

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ta đã lập nhiều Căn cứ chiến đấu ở vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Tới cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhiều Căn cứ chiến đấu thời kỳ kháng chiến chống Pháp tiếp tục được mở rộng, xây dựng vững chắc như: căn cứ Trà Bồng, Ba Tơ ở Khu 5; căn cứ Chiến khu Đ, Củ Chi ở miền Đông Nam bộ, căn cứ U Minh ở miền Tây, căn cứ Vịnh Mốc ở Vĩnh Linh… hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, chỗ dựa vững chắc để đánh địch ở ba vùng chiến lược đồng bằng, đô thị và rừng núi.

Căn cứ chiến đấu, được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ.” Nghĩa là phải có thế giữ (bảo vệ mình) và thế đánh (tiến công địch), dựa vào thế thiên hiểm của địa hình, cải tạo địa hình và các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội… để xây dựng và thiết bị các trận địa, vật cản, công trình, hầm hào chiến đấu (có thể có cả hầm bí mật), trận địa phòng không, tuần tra, canh phòng, đường cơ động, hệ thống chỉ huy và các mặt dự trữ vật chất… bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Căn cứ chiến đấu và sẵn sàng nhiệm vụ đi tiến công địch. Phân loại căn cứ có: Căn cứ chiến đấu của bộ đội binh chủng hợp thành, lực lượng vũ trang địa phương, bộ đội biên phòng, đặc công, không quân, hải quân và Căn cứ chiến đấu sau lưng địch.

Căn cứ chiến đấu của bộ đội binh chủng hợp thành, do tính chất cơ động của bộ đội binh chủng hợp thành, nên thường dựa vào các Căn cứ chiến đấu của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố khi đến tác chiến trên địa bàn, cũng có trường hợp tổ chức Căn cứ chiến đấu riêng của các phân đội, binh đội, binh đoàn… theo các phương án tác chiến, thường là khu tập kết chiến đấu, chiến dịch được chuẩn bị một bước từ thời bình, bổ sung khi có chiến tranh.

Căn cứ chiến đấu của bộ đội biên phòng, Căn cứ chiến đấu để sẵn sàng bảo vệ biên giới khi có chiến tranh; được xây dựng trong thời bình, thường ở bên sườn, phía sau trận địa chiến đấu khu vực biên giới hoặc nơi có địa thế quân sự nằm trong khu vực phòng thủ huyện biên giới, gồm trận địa, vật cản, đài quan sát, trận địa chiến đấu bảo vệ căn cứ, hệ thống hầm ẩn nấp.

Căn cứ chiến đấu đặc công, là khu vực được chuẩn bị trước, làm nơi tập kết lực lượng để học tập, huấn luyện bổ sung chuẩn bị tác chiến và xuất phát hành quân chiến đấu của bộ đội đặc công. Căn cứ chiến đấu đặc công thường nằm trong hệ thống căn cứ, hành lang trên một hướng (khu vực) tác chiến chiến lược. Tùy thuộc vào ý định và khả năng để xây dựng Căn cứ chiến đấu đặc công có công trình, phạm vi phù hợp, thường bố trí ở địa hình hiểm trở, có thể che dấu lực lượng, dự trữ phương tiện vật chất bám trụ lâu dài, an toàn.

Căn cứ chiến đấu hải quân, là căn cứ ở khu vực bờ biển và vùng biển kế cận, có thiết bị công trình cần thiết để trú đậu và bảo đảm cho hải quân chiến đấu hoạt động. Thường do đơn vị trong biên chế của hải quân (tương đương binh đoàn) quản lý và bảo đảm mọi mặt cho tàu thuyền hải quân trú đậu tại căn cứ và sẵn sàng chiến đấu. Căn cứ hải quân thường có các cảng, bến có thiết bị và một số vũng đậu cho tàu, thuyền; các kho nhiên liệu, vũ khí trang bị và phương tiện vật chất, xưởng sửa chữa tàu, nhà ở, bệnh viện, trạm thông tin liên lạc…

Căn cứ chiến đấu không quân, là căn cứ quân sự có hệ thống sân bay, công trình quân sự, xưởng sửa chữa, kho tàng doanh trại và các phương thiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết bảo đảm cho lực lượng không quân đóng quân và hoạt động.

Căn cứ chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương, là một thành phần quan trọng của khu vực phong thủ tỉnh, thành phố được xây tổ chức, xây dựng từ thời bình và điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện khi có chiến tranh, là nơi đứng chân, trụ bám của lực lượng vũ trang địa phương, nơi triển khai, bố trí cơ quan lãnh đạo, chỉ huy tác chiến và dự trữ vật chất bảo đảm cho tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương. Căn cứ chiến đấu của địa phương, còn có thể là nơi tập kết và làm bàn đạp chiến đấu của bộ đội chủ lực. Căn cứ chiến đấu được xây dựng ở cấp tỉnh, cấp huyện (có thể ở cả cấp xã), ở các địa bàn trọng điểm của tỉnh, huyện. Có thể xây dựng một số công trình trọng điểm từ thời bình, bổ sung hoàn chỉnh khi có chiến tranh.

Căn cứ chiến đấu sau lưng địch (còn gọi là căn cứ lõm) thường nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, nơi bảo đảm bí mật, an toàn, có cơ sở chính trị vững vàng, làm chỗ dựa để chỉ đạo chỉ huy đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, tạo thế trận cài xen kẽ trong vùng địch. Căn cứ chiến đấu sau lưng địch thường có quy mô không lớn, nhưng có giá trị xung yếu để xây dựng phát triển lực lượng, phục vụ cho đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trong vùng địch hậu. (1.140 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Học Viện Quốc phòng, Xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến, công tác động viên thời chiến. Hà Nội, 2003.
  2. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Học Viện Quốc phòng, Xây dựng và hoạt động của làng xã chiến đấu, Hà Nội, 2005.
  4. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  5. Học Viện Quốc phòng, Thượng tá, Th.S Trần Văn Cường, khoa Quân sự địa phương, Mối quan hệ giữa khu vực phòng thủ then chốt và căn cứ chiến đấu trong khu vực phòng thủ tỉnh.
  6. Học Viện Quốc phòng, Đại tá Th.S Đỗ Viết Điện, khoa Quân sự địa phương, Một số yêu cầu xây dựng căn cứ chiến đấu trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.