Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cúng trăng

Cúng trăng nghi lễ gắn với tục thờ thần Mặt Trăng có ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, ...

Ở Việt Nam, các cư dân nông nghiệp coi mặt trăng là chủ về thái âm (nữ) có vai trò thúc đẩy sự sinh sôi phát triển. Chính vì vậy mà trong ý niệm của người Việt Nam thần Mặt Trăng là một gợi ý cho nam nữ gần gũi nhau, cho đực cái của cả vật nuôi và cây trồng gặp nhau mà tạo nên của cải cho thế gian. Bên cạnh đó, mặt trăng còn gắn chu kỳ thời gian sản xuất, ở vùng biển mặt trăng gắn với hiện tượng thủy triều, được hình dung qua hình ảnh con trâu chạy từ biển lên, sừng trâu mang biểu tượng mặt trăng, hiện tượng trâu húc nhau giống như vận động của thủy triều... Đó có lẽ là cội nguồn cho sự ra đời tục cúng trăng của các tộc người Việt Nam với những biểu hiện đa dạng khác nhau.

Lễ cúng trăng của các dân tộc[sửa]

Người Khmer Nam Bộ[sửa]

Tập tin:Le-hoi-ok-om-bok.jpg
Lễ hội Ok Om Bok

Trước hết phải kể đến tục cúng trăng mang đậm tính chất cầu mùa của người Khmer Nam Bộ vào dịp rằm tháng Mười âm lịch gọi là lễ hội Ok Om Bok (nuốt cốm dẹp), phổ biến ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh… Đây là dịp kết thúc vụ mùa, người Khmer tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn thần Mặt Trăng đã phù hộ cho họ một mùa vụ tốt đẹp, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa cho mùa sau. Toàn bộ trang trí lễ hội cho thấy tục thờ thần Mặt Trăng là gắn với các ý niệm về vũ trụ và thời gian liên quan đến chu trình sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, hai cây trụ cổng vào sân hội được kết dính phần ngọn tượng trưng cho vòng đai vũ trụ, còn mỗi bên trụ đặt một cây mía tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở; trên cây đà ngang nối liền hai cột trụ đặt 3 cây nến tượng trưng cho ba mùa “nắng, mát, mưa” của năm; hai bên cổng treo mỗi bên 12 lá trầu cuộn tròn tượng trưng cho 12 con giáp và 12 tháng trong năm; giữa cổng treo 7 quả cau chẻ vỏ như hình con ong bầu, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Cũng như vậy, trên bàn lễ bên phải đặt 30 lá trầu tượng trưng cho tháng đủ, bên trái đặt 29 lá tượng trưng cho tháng thiếu. Lễ vật chính dâng cho thần Mặt Trăng là cốm dẹp và các nông sản như khoai môn, khoai lang, khoai mì, dừa, chuối, bánh kẹo. Lễ cúng được dân làng thực hiện vào đêm 14 hoặc 15 khi trăng lên dưới sự chủ trì của vị cao tuổi trong phum, sóc. Cúng xong, chủ lễ gọi các em nhỏ đến xếp chân, chắp tay lạy rồi đút cốm dẹp cùng các đồ lễ mỗi thứ một ít, xong vỗ nhẹ vào lưng vài lần rồi hỏi những mong muốn của các em, họ tin rằng ước muốn của trẻ nhỏ sẽ là lời dự báo kết quả sẽ đạt được vào năm tới. Cuối lễ, bà con cùng nhau thưởng thức đồ cúng, các thanh niên nam nữ múa hát, vui chơi cho đến khi mặt trăng dần xuống. Cũng trong đêm cúng trăng còn có tục thả đèn nước, ngoài ý nghĩa tiễn đưa các linh hồn về cõi âm còn thể hiện sự hối lỗi đối với thần nước và đất vì đã làm ô uế và đào xới suốt một năm qua, đồng thời xin những điều may mắn cho vụ mùa mới.

Người Tày[sửa]

Ở người Tày cúng trăng được thực hiện dưới hình thức lễ hội Shaman đặc sắc gọi là lễ hội mởi Nàng Hai tức lễ hội mời Nàng Trăng (Hai trong tiếng Tày là Trăng) với nội dung nhập hồn Nàng Trăng để cầu mùa, cầu phúc. Tùy từng địa phương mà lễ hội được tổ chức với ba hình thức khác nhau: có nơi thiên về phụ đồng bói và đoán; có nơi thiên về hát đối đáp trình diễn; có nơi là nghi lễ cầu mùa. Hai hình thức đầu thường tổ chức vào mùa thu dịp rằm tháng Tám, hình thức cầu mùa tổ chức vào mùa xuân. Dù ở nội dung hay hình thức nào thì dân bản cũng phải chọn ra hai cô thiếu nữ trẻ thanh tân để ngồi nhập đồng Nàng Hai, có thêm sự trợ giúp của một phụ nữ cao tuổi hát giỏi, thông thạo nghi lễ và một ông thầy Tào làm phép xuất nhập hồn cho các cô gái. Nổi bật là hình thức cầu mùa (phổ biến ở một số địa phương Cao Bằng, Lạng Sơn) được tổ chức kéo dài từ tháng Giêng (hoặc tháng Hai) đến tháng Ba âm lịch với 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiễn Hai. Thời gian đầu, hàng đêm các cô gái sẽ luyện tập tại một lán nhỏ dựng tạm trong bản (gọi là “lán Hai”), bên trong có trải chiếu và treo các loại hoa rừng. Vào buổi sáng chính hội (khoảng từ 21 đến 23 tháng Ba), thầy Tào sẽ dẫn hai cô gái ra miếu Thổ công để trình báo, cầu khấn xin đón các Mẹ Trăng xuống trần gian rồi từ đó đi ra sân hội ở cánh đồng, nơi dân làng đã dựng lều, đặt đồ lễ (thủ lợn, gà, xôi và rượu), các loại hoa rừng, thuyền dâng tặng Mẹ Trăng. Tại đây, hai cô gái nhập hồn Nàng Hai sẽ ngồi xoay quạt thực hiện các bài hát nghi lễ, có các điệu múa quạt phụ họa của 12 nàng phục vụ mô tả hành trình lên mường Trời dâng lễ vật và mời Mẹ Trăng xuống dự hội. Người Tày quan niệm trên cung trăng có Mẹ Trăng (mẻ Nàng Hai), tùy lễ hội của từng bản mà người ta quan niệm có 6 Mẹ Trăng hoặc 12 Mẹ Trăng tương ứng với các tháng trăng trong năm. Cuối chiều, kết thúc lễ hội, các Nàng Hai phá dỡ lều rồi vừa đi vừa hát cùng bà con dân bản tiến ra bờ sông làm thủ tục thả thuyền, xé quạt, tung bỏng ban lộc cho mọi người rồi quyến luyến chia tay. Thầy Tào làm lễ tách vía Nàng Hai và nhập lại hồn cho những cô gái.

Người Kinh[sửa]

Ở người Kinh, cúng trăng nhập vào tết Trung thu được tổ chức vào rằm tháng Tám có nét tương đồng với tết Trung thu của người Trung Quốc. Thường ban ngày các gia đình làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ cúng trăng (tục gọi là “thưởng nguyệt”). Ở miền Bắc, mâm cỗ bày biện cầu kỳ với nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ màu sắc sặc sỡ. Người miền Trung thường dâng cúng những vật phẩm đơn giản có sẵn, dễ tìm trong đời sống như trái cây ngon hay bánh thơm. Còn người miền Nam, mâm ngũ quả với "cầu, sung, dừa, đủ, xoài" cùng một quả dứa đẹp mắt. Bánh Trung thu là một phần không thể thiếu với các loại bánh nướng, bánh dẻo truyền thống tượng trưng cho trời đất. Phá cỗ xong, mọi người vừa ăn vừa kể chuyện về cây đa, chị Hằng và chú Cuội trên cung trăng, trẻ em kéo nhau rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la rộn rã.

Các tài liệu đều cho rằng tết Trung thu của người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc gắn với tích vua Đường Minh Hoàng được đạo sĩ cho lên cung trăng du ngoạn. Tuy nhiên khi vào Việt Nam nó tiếp biến mà gắn với nghi thức thờ cúng tổ tiên, về cội nguồn có chứa đựng những vết tích của nghi lễ hội mùa, còn tục hát trống quân được cho là gắn với sự tích Nguyễn Huệ trên đường tiến quân bày cho quân lính giả trai gái đôi bên hát để đỡ nhớ nhà, có đánh trống làm nhịp nên gọi là trống quân,... Một số tài liệu còn cho biết ngày trước tết Trung thu chỉ phổ biến ở thành thị, nhất là ở Hà Nội, có gia đình cầu kỳ tổ chức cúng gia tiên tới ba ngày liền.

Trừ lễ hội cầu mùa của người Tày tổ chức vào mùa xuân, các lễ cúng trăng còn lại đều được thực hiện vào các đêm rằm mùa thu, nhất là rằm tháng Tám. Trước hết, đây là lúc khí hậu mát mẻ, thời điểm trăng tròn, sáng và đẹp soi rõ từng cảnh vật về đêm, đồng thời cũng vào thời điểm nông nhàn, mọi người tổ chức nghi lễ tạ ơn tổ tiên và thần Mặt Trăng đã cho một mùa gặt tốt lành, thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt ôn lại chuyện xưa tích cũ, tổ chức vui chơi ca hát để giao hòa với đất trời,…

Như vậy, cúng trăng gắn với việc tôn thờ mặt trăng là tín ngưỡng có từ lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước. Theo thời gian, cùng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa mà cúng trăng đã có sự biến đổi với những biểu hiện đa dạng ở từng quốc gia, địa phương và tộc người.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Phong trào văn hóa xb, Sài Gòn, 1972.
  2. Viện Văn hóa, Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khơ me Nam bộ, Nxb Tổng hợp tỉnh Hậu Giang, Hậu Giang, 1988.
  3. Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
  4. Nguyễn Thị Yên, Lễ hội Nàng Hai của người Tày Cao Bằng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003.
  5. Quốc Vụ - Minh Khang, “Tản mạn về mặt trăng và thần Độc Cước (qua tạo hình)”, Tạp chí Di sản văn hóa, Số 3(25)/2008, tr. 81-85.
  6. Trương Thìn (biên soạn), Đại đức Thích Minh Nghiêm (hiệu đính), 101 điều cần biết về tín ngưỡng và phong tục, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2010.
  7. Nguyễn Quốc Thái (biên soạn), Thượng tọa Thích Quảng Đại (Thẩm định, chỉnh lý), Nghi lễ thờ cúng cổ truyền Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018.