Cúng giải hạn là một hình thức cúng lễ dân gian nhằm giải trừ vận hạn cho cá nhân và gia đình, thường được tổ chức tại chùa hoặc tại gia. cúng giải hạn còn được gọi là cúng sao giải hạn, dâng sao giải hạn, cúng giải sao.
Nhiều hòa thượng và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong kinh sách của đạo Phật không nói đến việc cúng giải hạn. Tập tục này không thuộc về Phật giáo mà bắt nguồn từ nghi lễ Đạo giáo của Trung Quốc. Tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (thế kỉ XIV) có nhắc đến tập tục này ở Hồi 103: “Hang Thượng Phương Tư Mã mắc nạn, Gò Ngũ Trượng Gia Cát dâng sao”. Trong khi đó, người Việt Nam, từ xa xưa, chỉ làm lễ kỳ yên (cầu an, cầu phúc đầu năm) chứ không cúng giải hạn. Có ý kiến cho rằng cúng giải hạn chỉ xuất hiện ở Việt Nam sau Đổi mới, nhưng những ghi chép của Paul Giran và Toan Ánh lại cho biết tục này ít nhất cũng có từ trước năm 1986. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay, cúng giải hạn là một hoạt động tín ngưỡng dân gian ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam đương đại.
Mặc dù thừa nhận rằng cúng giải hạn không thuộc về văn hóa Phật giáo song do nhu cầu tâm linh rất lớn của Phật tử nên nhiều chùa vẫn chấp nhận cung cấp phương tiện là những nghi lễ Phật giáo để “giúp” Phật tử cầu an giải hạn. Theo đó, cúng giải hạn đã trở thành một dịch vụ Phật giáo, nổi lên trong những năm gần đây.
Trong quan niệm của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, mỗi năm bản mệnh có một sao cai quản. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 chòm sao này, có sao tốt, có sao xấu. Nếu được sao tốt chiếu mệnh thì làm lễ dâng sao nghinh đón; nếu sao xấu chiếu mệnh, mang đến chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... thì phải làm lễ cúng giải hạn. Trên thực tế, những quan niệm mang màu sắc huyền bí như “Thái Bạch quét sạch cửa nhà”, “nam La Hầu, nữ Kế Đô”, “49 chưa qua, 53 đã đến”... đã khiến cho không ít người lo lắng. Để yên lòng, họ thường làm lễ dâng sao với niềm tin “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Theo dân gian, mỗi ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, nên việc nghênh, tiễn sao cũng được tiến hành vào đúng những ngày đó. Cụ thể là: Thái Âm: ngày 26, Thái Dương: ngày 27, Vân Hán: ngày 29, Thổ Tú: ngày 19, Thái Bạch: ngày 15, Thuỷ Diệu: ngày 21, La Hầu: ngày 8, Kế Đô: ngày 18. Tuy nhiên, dù là sao nào chiếu mệnh thì vào ngày rằm tháng giêng, dân gian vẫn thường làm lễ cúng giải hạn.
Người dân thường làm lễ cúng giải hạn vào đầu năm hoặc hàng tháng tại chùa. Nếu điều kiện không cho phép thì có thể làm lễ cúng tại gia (ở ngoài trời) với mục đích cầu xin thần sao phù hộ cho bản thân và gia đình được vạn sự tốt lành. Ở Việt Nam, nhiều chùa tổ chức đăng ký cúng giải hạn từ tháng 11 - 12 âm lịch của năm trước. Thủ tục không quá phức tạp, thường thì sau khi ghi tên, nộp lệ phí, những ai thuộc sao nào thì đến chùa làm lễ vào đúng ngày đã định, ứng với sao đó. Lễ cúng giải hạn có bốn phần chính: tụng kinh cầu an, cúng nhương tinh, tuyên sớ và cắt giải. Sớ ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ, sao chiếu mệnh của từng thành viên gia đình. Mỗi đàn thường cúng cho khoảng trên dưới mười gia đình; tuy nhiên, do nhu cầu của người dân ngày một tăng, nên con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Nhiều người còn cúng cho cả con rể, con dâu là người ngoại quốc, hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Cũng có không ít người thuê hẳn thầy về làm lễ dâng sao giải hạn tại gia.
Mặc dù có nguồn gốc từ Đạo giáo (Trung Quốc) và không được nhắc đến trong kinh Phật, dù vẫn có ý kiến cho rằng đây thực chất chỉ là hình thức để con người trốn tránh những hậu họa do chính mình gây nên, cúng giải hạn ở Việt Nam vẫn là một thực hành tín ngưỡng dân gian, đã trở nên phổ biến trong đời sống văn hóa, tâm linh của đông đảo người dân trong xã hội đương đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 1992.
- Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 2005.
- Nguyễn Thị Minh Ngọc, “Dịch vụ Phật giáo: Hoạt động mang tính dân gian và là cách thức giải quyết nhu cầu tâm linh tín đồ của Phật giáo Việt Nam đương đại”, trong Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. Thế giới, 2008.
- Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Nxb. Hà Nội, 2008.
- Dương Thị Anh, “Về hiện tượng cúng sao giải hạn”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4 năm 2011.
- Đặng Thị Diệu Trang, “Lễ cầu an và cúng sao giải hạn”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 6 năm 2012.