Cúng rừng là loại hình nghi lễ lịch tiết thể hiện sự tôn kính và cầu mong sự che chở của các vị thần linh trú ngụ trong các khu rừng. cúng rừng được gọi bằng các tên khác nhau ở các tộc người khác nhau như mo đổng chư (trong tiếng Nùng), gạ ma do (trong tiếng Hà Nhì), mù đẳng mai (trong tiếng Thu Lao), khoi kìm (trong tiếng Dao Đỏ), vv… cúng rừng là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong hệ thống nghi lễ lịch tiết của nhiều tộc người thiểu số miền núi của Việt Nam và nhiều dân tộc trên thế giới.
Cúng rừng xuất hiện từ thời cổ đại, là một trong những loại hình nghi lễ ra đời sớm nhất trong lịch sử loài người. James Frazer cho rằng bên cạnh sùng bái và thờ cúng các hiện tượng tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, các nghi lễ thờ cúng cây và rừng được thực hành phổ biến ở người La Mã và Hy Lạp cổ đại. Thờ cúng cây cối và rừng, theo Edward Taylor cũng là một trong các nghi lễ quan trọng nhất của hầu hết các bộ tộc sống ở các khu vực miền núi của châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh từ thời nguyên thuỷ.
Cúng rừng gắn liền với tín ngưỡng đa thần hay “vạn vật hữu linh”, tức lối tư duy coi mọi sự vật, hiện tượng đều là những sinh thể và có linh hồn như con người. Mỗi khu rừng, mỗi ngọn núi, giống như mọi sự vật hiện tượng tự nhiên khác đều được tin là có các vị thần rừng trú ngụ, trị vì và cai quản. Ở nhiều tộc người, đặc biệt là các tộc người có đời sống kinh tế phụ thuộc lớn vào rừng, thần rừng cũng đóng vai trò như vị thần chủ của cộng đồng, tương tự như các vị thành hoàng làng ở người Việt. Các vị thần rừng, trú ngụ ở các khu rừng thiêng của cộng đồng, có sức mạnh có thể tác động tốt hoặc xấu đến sức khoẻ của con người, gia súc, gia cầm cũng như sự thành bại của một mùa vụ. Nếu có cách ứng xử phù hợp, con người sẽ được vị thần rừng che chở. Ngược lại, nếu con người có các hành vi và cách ứng xử không đúng mực, chẳng hạn như vi phạm đến nơi trú ngụ, không xin phép các vị thần khi thực hiện các hoạt động sinh kế trong các khu vực do các vị thần rừng cai quản, trị vì, các cá nhân và cả cộng đồng sẽ bị trừng phạt. Xuất phát từ niềm tin như vậy, người dân thường tổ chức hai loại nghi lễ cúng rừng khác nhau, mỗi hình thức có thời gian, quy mô và mục đích tổ chức khác nhau.
Loại nghi lễ cúng rừng thứ nhất thường mang tính tình huống, được tổ chức khi cộng đồng gặp phải những biến cố lớn và bất thường như hạn hán, lũ lụt, mất mùa, hay gia súc, gia cầm và các thành viên trong cộng đồng phải đối mặt với ốm đau, dịch bệnh. Từ niềm tin cho rằng những biến cố bất thường này chủ yếu là do các vị thần gây ra để trừng phạt những hành vi không chuẩn mực nào đó của con người, cộng đồng, người ta sẽ tổ chức cúng, với sự chủ trì của thầy cúng, để tạ tội và xin các vị thần tha thứ. Loại nghi lễ thứ hai, phổ biến hơn, mang tính định kỳ, tổ chức mỗi năm một lần, thường là vào dịp đầu xuân năm mới, hay trước một mùa vụ mới. Mục đích của các nghi lễ cúng rừng mang tính định kỳ này, thông qua lễ vật và lời khấn, người dân bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với sự che chở, phù hộ của các vị thần rừng đối với con người, gia súc gia cầm và mùa màng của họ. Đây cũng là dịp để cộng đồng cầu xin một mùa vụ mới tốt tươi, gia súc sinh sôi và phát triển, con người khoẻ mạnh, không bị tai ương, dịch bệnh.
Cúng rừng nói riêng và các nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng vạn vật hữu linh nói chung đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ tài nguyên. Niềm tin tín ngưỡng về sự tồn tại của các vị thần chủ của các khu rừng, sự thiêng hoá nơi trú ngụ của thần rừng và việc tổ chức nghi lễ cúng rừng hàng năm có ý nghĩa điều hoà sự tương tác giữa con người và thế giới tự nhiên. Niềm tin này, được khẳng định, lặp đi lặp lại thông qua các nghi lễ thường kỳ, làm cho con người tương tác với tự nhiên với thái độ tôn trọng, thay vì theo hướng chinh phục, tận diệt.
Ở Việt Nam trong một thời gian dài, do bị ảnh hưởng bởi quan điểm tiến hoá luận đơn tuyến, cúng rừng ở các tộc người thiểu số coi là biểu hiện của mê tín dị đoan, lạc hậu và do đó bị cấm tổ chức. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhận thức được tầm quan trọng của cúng rừng trong bảo vệ tài nguyên, nghi lễ này đã được phục hồi và khuyến khích tổ chức với sự tham gia của các cơ quan quản lý văn hoá và cán bộ kiểm lâm. Luật Lâm nghiệp ban hành năm 2018 của Việt Nam cũng bổ sung thêm một phạm trù rừng mới là rừng tín ngưỡng (tức các khu rừng thiêng của các cộng đồng), bên cạnh phạm trừ rừng sản xuất và rừng phòng hộ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Condominas, Georges, Chúng tôi ăn rừng đá – thần Gôo, Nguyên Ngọc dịch, Nxb. Thế Giới, Bảo Tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội, 2003.
- Jame Frazer, Cành vàng: bách khoa thư về văn hoá nguyên thuỷ, Ngô Bình Lâm dịch, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2007.
- Hoàng Cầm, “Rituals and natural resource management: a case study of the Tai in Mai Chau, Hoa Binh”, International Reviews of Tai Studies, Số 4, 2008.
- Dương Tuấn Nghĩa, Tri thức dân gian trong bảo vệ rừng của người Hà Nhì Đen ở Y Tý, Văn hoá dân gian, số 2, số 2, 2014, Hà Nội, 2014.
- Lê Hồng Lý và các cộng sự, Văn hoá các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên: Truyền thống, biến đổi và các vấn đề đặt ra, Hà Nội, 2019.