Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cúng Neak Tà

Cúng Neak Tà là một dạng tín ngưỡng dân gian của người Khmer ở Nam Bộ, thể hiện niềm tin của họ vào thần linh cai quản phum/sóc, ruộng vườn, đất đai. Ngày nay, người Khmer ở Nam Bộ hầu hết theo Phật giáo Nam tông, nhưng trong đời sống vẫn còn tồn tại nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian ngoài đạo Phật. Trong đó có tục cúng Neak Tà.

Neak Tà được xem là “Vị thần bảo hộ” cho gia đình và cộng đồng của người Khmer. Trong tiếng Khmer Neak là từ dùng để chỉ người (neak srei – người con gái; neak pros – người con trai) nói chung, Tà là từ dùng để chỉ người đàn ông lớn tuổi, được cộng đồng tôn kính. Người Kinh gọi nôm na là thờ Ông Tà.

Người Khmer tin rằng: mỗi một vị trí, địa điểm quan trọng trong khu vực sinh sống và canh tác của họ đều có một Neak Tà cai quản. Tùy theo từng vùng mà vị trí của Neak Tà có phân biệt khác nhau. Neak Tà phum/sóc, tại bến sông có Neak Tà bến (Neak-ta kompong), Neak Tà núi (Neak-ta Phnom), các giồng đất cao có thể canh tác có Neak Tà giồng (Neak-ta Phnô), khu vực trồng lúa nước có Neak Tà ruộng (Neak-ta Sre), Neak tà chùa (Neak-ta wat). Trong một sóc mà có nhiều Neak Tà (Neak-ta wen: Neak Tà khu) thì người dân ở wen nào sẽ cúng Neak Tà ở wen đó. Neak Tà cũng được phân biệt thành những đẳng cấp khác nhau như Neak Tà khu, Neak Tà sóc, Neak tà vùng. Ở tỉnh Trà Vinh, miếu thờ tại Gò Ông Tà, ấp Tân Trung Giồng, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần là nơi thờ Neak Tà được xem như có quyền năng cao nhất phụ trách toàn tỉnh Trà Vinh hoặc Neak Tà ở chùa Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú được cộng đồng xem như vị thần có quyền năng cao hơn các Neak Tà trong các phum sóc quanh chùa.

Tập tin:Miếu thờ Neak Ta trong khuôn viên chùa Dơi (phường 3, TP Sóc Trăng).jpg
Miếu thờ Neak Ta trong khuôn viên chùa Dơi (phường 3, TP Sóc Trăng)

Người Khmer thường cúng Neak Tà ở các miếu to nhỏ khác nhau làm bằng tranh tre, gỗ và được làm dưới dạng nhà sàn hoặc nhà đất. Neak Tà được thờ tượng trưng bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng phần lớn được tượng trưng bằng một hòn đá to đặt ở giữa đại diện cho Neak Tà, xung quanh là những hòn đá nhỏ nhẵn bóng đặt thờ trong miếu. Thông thường, những ngôi miếu này được đặt dưới một gốc cây cổ thụ trong xóm làng, tại các ngã ba sông hoặc tại một góc nào đó trong khuôn viên chùa. Người Khmer cho rằng, những loại cây cổ thụ, nhất là cây Ch’ri (cây si), chính là nơi trú ngụ của các vị thần Neak Tà.

Là những tín đồ Phật giáo Nam tông, ngoài những niềm tin vào đức Phật, người Khmer Nam Bộ hiện nay vẫn còn niềm tin vào các đấng siêu nhiên trong đó có Neak Tà. Họ quan niệm rằng Neak Tà có thể mang họa hay ban phước cho con người. Khi bị bệnh, người Khmer thường tìm đến Neak Tà để cầu mong khỏi bệnh. Bên cạnh đó, khi có những mong ước, những bất hòa,... người dân cũng đến miếu để cầu xin và giải quyết mối bất hòa đó bằng cách thề trước Neak Tà.

Hằng năm, người Khmer thường cúng Neak Tà một lần vào đầu mùa mưa, sau Tết Chol Chnam Thmay. Theo nghi thức truyền thống, lễ cúng Neak Tà được kéo dài từ 2 đến 3 ngày, tùy theo khu vực. Ngày nay, do điều kiện sản xuất kinh tế, lao động nên nghi thức cúng có phần đơn giản hơn, nhiều nơi chỉ tổ chức cúng trong ngày. Trước lễ cúng Neak Tà 10 ngày, người đại diện trong phum sóc đến từng nhà thông báo ngày giờ tổ chức lễ. Vận động bà con đóng góp vật chất, gạo, muối, tiền để tổ chức nghi lễ. Tùy theo vụ mùa sản xuất năm trước mà lễ vật nhiều hay ít, thường là: Heo sống, gà, chuối xiêm, dừa, cơm, muối, dầu dừa, chỉ đỏ, hoa quả, bánh trái, có nơi có cả heo quay. Người dân trong làng cũng làm các vật phẩm khác để dâng cúng thần linh. Thông thường, lễ cúng Neak Tà ở chùa thì có sư cả là chủ lễ, các chư tăng tham dự. Nếu cúng Neak Tà ở ngoài sóc, cộng đồng Khmer thỉnh các vị sư đến tụng kinh cầu nguyện, sau đó người đại diện cho dân trong phum sóc báo cáo với ông Tà tình hình sản xuất vụ mùa của dân làng trong năm vừa qua, dâng vật phẩm cúng trả lễ và cầu xin ông tiếp tục che chở, bảo vệ dân làng khỏe mạnh, phù hộ cho họ sản xuất vụ mùa sau đạt hiệu quả cao.

Lễ cúng Neak Tà ở mỗi nơi có khác nhau, song tựu trung lại có 3 nội dung chính: Cầu nguyện cho cá nhân sẽ đạt được những điều mong ước; Cầu Neak Tà nhập xác đồng cốt để hướng dẫn, báo trước và tránh né những xui xẻo, hung dữ và hướng điềm lành đến; Cầu Neak Tà ban mưa xuống để canh tác đầu năm, cầu cho cộng đồng được bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Bên cạnh lễ cúng, nhiều nơi còn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và trò chơ dân gian như: múa Sadam, dàn nhạc ngũ âm, cồng, chiêng, các trò chơi dân gian. Cuối nghi lễ cúng Neak Tà, người Khmer có tục “Tống tiễn”, là hình thức thả ghe làm bằng bẹ chuối, phía trên đặt muối, gạo và đồ ăn,… xuống các kinh rạch có nước chảy. Đây là nghi thức mà đồng bào xem là tống tiễn các vong hồn còn lưu lạc về thế giới bên kia. Đồng thời, đồng bào cầu mong được thả bỏ những điều không may, ưu phiền, bệnh tật,… trôi theo ghe đi hết.

Tập tin:Lễ cúng Neak Ta tại Qui Nông A, Hòa Lợi, Châu Thành, Trà Vinh.jpg
Lễ cúng Neak Ta tại Qui Nông A, Hòa Lợi, Châu Thành, Trà Vinh

Sau các nghi thức cúng, cộng đồng Khmer thỉnh các vị sư dùng cơm trước, tiếp theo mới đến người dân trong phum sóc, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo. Người Khmer gọi đây là bữa cơm đoàn kết, thể hiện tính cộng đồng cao, người dân cùng chia sẻ, hợp tác, phát triển.

Trong quá trình cộng cư sinh sống, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tín ngưỡng cúng Neak Tà của người Khmer dần đã trở thành niềm tin chung của các cộng đồng, là yếu tố liên kết, tập hợp cộng đồng các dân tộc Khmer, Việt, Hoa.

Tín ngưỡng cúng Neak Tà là một loại hình tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer. Loại hình tín ngưỡng dân gian này chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer, thể hiện niềm tin của cộng đồng, sự hòa hợp giữa con người với thế giới tự nhiên. cúng Neak Tà thể hiện tính cộng đồng cao, là sợi chỉ hòa hợp kết nối 3 dân tộc Việt - Khmer - Hoa. cúng Neak Tà được xem như là một di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của cộng đồng người Khmer cần phải bảo tồn và phát huy.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan An, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
  2. Võ Thành Hùng, Nghi lễ vòng đời người Khmer tỉnh Sóc Trăng, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2010.
  3. Nguyễn Anh Động, Vài nét về văn hóa dân gian của người Khmer, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2014.
  4. Huỳnh Văn Tới (chủ biên), Gieo hạt đất lành, Nxb Đồng Nai, 2017.
  5. Ngô Thị Phương Lan, Sinh kế và biến đổi văn hóa của người Khmer ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2019.