Công xã Quảng Châu (1927) là chính quyền cách mạng của quần chúng nhân dân được thành lập vào ngày 11.12.1927 từ trong cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, tồn tại trong vòng ba ngày (từ ngày 11.12 đến ngày 13.12.1927), cg. Chính phủ Xô Viết Quảng Châu.
Sau khi Quốc dân Đảng làm chính biến chống lại cách mạng, đàn áp, khủng bố Đảng Cộng sản Trung Quốc và quần chúng cách mạng. Các tầng lớp nhân dân gồm: công nhân, nông dân và binh sĩ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã tiến hành đấu tranh chống đàn áp, khủng bố, bảo toàn và phát triển lực lượng cách mạng. Ngày 26.11.1927, Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản tại Quảng Châu. Hội nghị thống nhất tiến hành khởi nghĩa nhằm cứu vãn cách mạng Trung Quốc, chống lại các thế lực phản cách mạng và giành chính quyền.
Ngày 11.12.1927, công nhân, binh sĩ và nông dân thành phố Quảng Châu tiến hành khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Trương Thái Lôi (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông), Diệp Đình và Diệp Kiếm Anh,… Sau hai giờ chiến đấu, hầu hết các khu vực phía bắc sông Châu Giang của thành phố Quảng Châu đã bị quần chúng khởi nghĩa chiếm đóng. Quân khởi nghĩa thành lập Công xã Quảng Châu do Trương Thái Lôi làm Chủ tịch, Uẩn Đại Anh là Tổng thư ký, Diệp Đình là Tổng chỉ huy quân đội, Diệp Kiếm Anh là Phó Tổng chỉ huy quân đội. Trưa ngày 12.12.1927, trong cuộc họp đầu tiên, Công xã Quảng Châu đã thông qua danh sách các thành viên chính phủ, ban bố “Cương lĩnh đối nội, đối ngoại của chính phủ Xô Viết”, tuyên bố mọi quyền lực thuộc về Xô Viết; đánh đổ thế lực phản cách mạng Quốc dân Đảng và các thế lực quân phiệt; thực hiện chế độ ngày làm việc 8 giờ, giám sát sản xuất; tất cả ruộng đất là quốc hữu, chia cho nông dân cày cấy; liên hợp với Liên Xô đánh bại chủ nghĩa đế quốc. Sau cuộc họp, “Tuyên bố Xô Viết Quảng Châu”, “Thông báo cho nhân dân”, các luật lệ và quy định liên quan đã được ban hành. Ngày đó, công nhân, nông dân và nhân dân Quảng Châu vui mừng và nhiệt tình ủng hộ chính quyền cách mạng, tích cực tham gia khởi nghĩa.
Công xã Quảng Châu là một nỗ lực lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm thiết lập một chính quyền của giai cấp công nhân và nông dân ở các thành phố. Nó được thế giới ca ngợi là “Công xã Paris của phương Đông”.
Sau khi khởi nghĩa Quảng Châu nổ ra, Chủ tịch chính quyền Quốc dân Đảng ở tỉnh Quảng Đông là Trần Công Bác cùng Trương Phát Khuê, Hoàng Kỳ Tường, … lập tức huy động lực lượng đến Quảng Châu để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Ngày 12.11.1927, lực lượng quân đội của chính quyền Quảng Châu cùng với sự hỗ trợ của các tàu chiến thủy lục quân từ Anh, Mỹ, Nhật và Pháp đã tấn công những người khởi nghĩa. Trước sức mạnh từ cuộc tấn công của quân đội Quảng Châu, Diệp Đình muốn di chuyển quân khởi nghĩa đến khu vực Hải Phong Lục để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được Newman – đại diện của Quốc tế Cộng sản, thành viên của Đảng Cộng sản Đức chấp nhận. Quần chúng nhân dân tiếp tục chiến đấu dũng cảm và ngoan cường chống lại quân đội của chính quyền Quốc dân Đảng ở Quảng Châu. Do chênh lệch lực lượng quá lớn, cuộc khởi nghĩa bị tổn thất nghiêm trọng. Để bảo toàn lực lượng, Bộ Tổng tư lệnh quân khởi nghĩa ra lệnh rút khỏi Quảng Châu vào đêm ngày 12.11.1927.
Sáng sớm ngày 13.12.1927, lực lượng còn lại của quân khởi nghĩa rút khỏi Quảng Châu. Quốc dân Đảng chiếm lại được Quảng Châu và tiến hành đàn áp đẫm máu cán bộ, chiến sĩ, công nhân và quần chúng ủng hộ cách mạng chưa kịp sơ tán. Hơn 5.000 người đã bị giết. Công xã Quảng Châu bị tiêu diệt. Trương Thái Lôi và nhiều chiến sĩ cách mạng đã hi sinh. Công xã Quảng Châu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và bị thất bại nhanh chóng. Nguyên nhân thất bại của Công xã Quảng Châu là do tương quan lực lượng chênh lệch giữa Quốc dân Đảng và lực lượng cộng sản. Diệp Đình – Tổng chỉ huy quân đội của cuộc khởi nghĩa Quảng Châu bị thanh trừng và bị đổ lỗi cho sự thất bại này. Do bị đối xử bất công, Diệp Đình rời khỏi Trung Quốc và sống lưu vong tại châu Âu trong hơn mười năm sau đó.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- 張水良,广州公社——1927年12月广州工人武装起义,厦门大学学报(社会科学版),1959年第2期 (Trương Thủy Lương, Công xã Quảng Châu – Khởi nghĩa vũ trang của công nhân Quảng Châu tháng 12.1927, Học báo Học viện Hạ Môn (Bản Khoa học Xã hội), số 2 năm 1959).
- 王新生,广州苏维埃政府探析,广东党史,2008年第02 (Vương Tân Sinh, Thảo luận phân tích về chính phủ Xô Viết Quảng Châu, Lịch sử Đảng Quảng Châu, số 2 năm 2008).