Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Công viên địa chất

Công viên địa chất là một khu vực có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, liền khoảnh, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. Công viên địa chất cũng là nơi hội tụ các giá trị khác về cảnh quan, đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa,... tất cả cùng được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách tổng thể, bền vững.

Mục tiêu[sửa]

Công viên địa chất hướng tới ba mục tiêu cụ thể là:

  1. Bảo tồn di sản địa chất cùng các giá trị khác trong khu vực, như di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái,...
  2. Quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của các khoa học Trái đất, về các vấn đề trọng đại nhân loại đang phải đối mặt, như sử dụng bền vững tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu; khuyến khích học tập, nghiên cứu về các khoa học Trái đất và giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững các di sản địa chất, góp phần vào chiến lược nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương và đất nước
  3. Thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo tồn như tham quan, du lịch (du lịch sinh thái, du lịch địa chất) và các hoạt động kinh tế phụ trợ khác, tạo nguồn thu nhập bổ sung cho cộng đồng địa phương.

Mô hình phát triển[sửa]

Công viên địa chất là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, một mô hình bảo tồn “mở”. Khác với các mô hình bảo tồn khác, như vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu di sản thiên nhiên hay khu dự trữ sinh quyển thế giới, nơi chủ yếu tập trung vào bảo tồn, toàn bộ Công viên địa chất không phải là một khu bảo tồn mà chỉ có một số vị trí nhất định, như các điểm di sản địa chất, các khu di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, các vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong phạm vi công viên địa chất,... mới cần được bảo tồn theo luật định; ở các diện tích khác của công viên địa chất mọi hoạt động phát triển kinh tế hợp pháp, thân thiện với cộng đồng, thân thiện với môi trường, với thiên nhiên, trân trọng các giá trị di sản... vẫn được diễn ra bình thường. Tiền thân của công viên địa chất là các khu Bảo tồn Địa chất, một mô hình khá phổ biến ở các nước Châu Âu vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, tương tự như các mô hình khu Bảo tồn Thiên nhiên hoặc khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, tức là chỉ chú trọng đến bảo tồn các giá trị di sản địa chất. Tuy nhiên, sau đó mô hình này đã được hoàn thiện dần để trở thành công viên địa chất, không còn chỉ bảo tồn nữa và cũng không còn chỉ chú trọng đến di sản địa chất nữa. công viên địa chất đã hướng đến cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt chú ý đến lợi ích của cộng đồng địa phương. Mặc dù di sản địa chất vẫn đóng vai trò chủ đạo, công viên địa chất đã hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của mọi loại hình di sản khác. Ở nhiều nước trên thế giới, sự chuyển đổi và mở rộng về nội hàm kể trên không mấy ảnh hưởng đến tên gọi công viên địa chất (Geopark). Tuy nhiên, ở một số nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,... có ý kiến cho rằng cần đổi tên công viên địa chất thành một tên gọi khác, thí dụ Công viên Trái đất, Công viên Địa cảnh, Công viên Địa học,...

Một công viên địa chất cần có diện tích đủ lớn để có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là dưới hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. Theo thống kê, các công viên địa chất trên thế giới thường có diện tích khoảng một vài trăm đến một vài nghìn km2. Những năm đầu, các công viên địa chất đầu tiên có diện tích chỉ một vài trăm km2, như công viên địa chất Danxiashan (Trung Quốc) chỉ rộng 290 km2, công viên địa chất Langkawi (Malaysia) chỉ rộng 478 km2. Sau này, thấy được vai trò, hiệu quả của công viên địa chất, người ta có xu hướng thành lập những công viên địa chất rộng hơn, hoặc mở rộng những công viên địa chất hiện có, lên đến hàng vài nghìn km2. Các công viên địa chất ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng một vài nghìn km2, thuộc loại trung bình trên thế giới. Chẳng hạn công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn rộng 2.360 km2; công viên địa chất Non Nước Cao Bằng rộng 3.390 km2, hiện đang trình hồ sơ đề nghị mở rộng thành 3.683 km2; công viên địa chất Đắk Nông rộng khoảng 4.760 km2.

Từ năm 2005, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã soạn thảo hướng dẫn đối với các khu Di sản Thế giới có giá trị địa chất - địa mạo nổi bật toàn cầu, theo đó các khu vực này có thể được phân chia thành 13 kiểu sau:

  1. Các đặc tính cấu trúc - kiến tạo
  2. Núi lửa/các hệ thống núi lửa
  3. Các hệ thống núi
  4. Các vị trí địa tầng
  5. Các vị trí hóa thạch
  6. Các hệ thống sông, hồ và đồng bằng châu thổ
  7. Các hệ thống karst và hang động
  8. Các hệ thống ven biển
  9. Các hệ thông đá ngầm, rạn san hô vòng và đảo đại dương
  10. Sông và mũ băng
  11. Các dấu ấn của thời kỳ băng hà
  12. Các hệ thống sa mạc/bán sa mạc
  13. Các dấu ấn va chạm thiên thạch

Trên cơ sở này các nhà địa chất Việt Nam đã đề xuất một bảng phân loại đề nghị áp dụng ở Việt Nam, bao gồm:

  1. Các hệ thống karst và hang động
  2. Các hệ thống núi/núi lửa
  3. Các hệ thống ven biển
  4. Các hệ thống sông, hồ và đồng bằng châu thổ
  5. Các đặc tính cấu trúc - kiến tạo
  6. Các vị trí hóa thạch - địa tầng, khoáng vật-khoáng sản
  7. Các hệ thống đá ngầm, rạn san hô vòng và đảo đại dương
  8. Các hệ thống sa mạc và bán sa mạc
  9. Sông/mũ băng và các dấu ấn của thời kỳ băng hà
  10. Các dấu ấn va chạm thiên thạch.

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO, manh nha từ những năm cuối của thế kỷ XX, những công viên địa chất đầu tiên trên thế giới đã được thành lập vào năm 2000 ở châu Âu, hình thành nên Mạng lưới công viên địa chất châu Âu (European Geoparks Network - EGN) năm 2001. Năm 2004 UNESCO đã bảo trợ cho việc hình thành Mạng lưới công viên địa chất Toàn cầu (Global Geoparks Network - GGN). Năm 2008 cũng theo mô hình đó Mạng lưới công viên địa chất châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Geoparks Networks - APGN) được thành lập. Tiếp theo đó là Mạng lưới công viên địa chất các khu vực châu Mỹ La tinh, châu Phi,... tất cả đều trực thuộc Mạng lưới công viên địa chất Toàn cầu. Mạng lưới công viên địa chất Toàn cầu hàng năm xem xét hồ sơ, thẩm định và công nhận các thành viên mới, tái thẩm định các thành viên hiện có, đến nay đã công nhận được 161 công viên địa chất của 44 quốc gia.

Ngày 17.11.2015, tại phiên họp toàn thể lần thứ 38, 195 quốc gia thành viên UNESCO đã chuẩn y Chương trình Khoa học Địa chất và công viên địa chất Quốc tế (IGGP), qua đó chính thức công nhận danh hiệu “Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO”.

Một công viên địa chất muốn được xem xét, công nhận là công viên địa chất Toàn cầu UNESCO cần đáp ứng một số yêu cầu tiên quyết sau:

  1. Đã tồn tại trên thực tế ít nhất một năm trước khi trình hồ sơ
  2. Có một số di sản địa chất tầm cỡ quốc tế
  3. Có Ban quản lý có đủ năng lực và quyền hạn để điều hành mọi hoạt động của công viên địa chất; có kế hoạch quản lý và nguồn kinh phí hoạt động ổn định dài hạn và hàng năm
  4. Có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của công viên địa chất, nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân địa phương
  5. Tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới

Một công viên địa chất Toàn cầu UNESCO chú trọng hướng đến 10 lĩnh vực ưu tiên như sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, tri thức dân gian, nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn hóa, phát triển bền vững,... công viên địa chất Toàn cầu UNESCO được cho là nơi lý tưởng nhất để triển khai các hoạt động hướng đến các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc.

Tại Việt Nam[sửa]

Ở Việt Nam, những bước đi đầu tiên hướng đến việc hình thành công viên địa chất cũng đã được các nhà địa chất khởi động từ khoảng những năm 2000. Ngày 9.9.2009 công viên địa chất đầu tiên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thành lập trên địa bàn 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngày 03.10.2010, tại Hội nghị quốc tế khu vực châu Âu lần thứ 9 về công viên địa chất tổ chức ở Lesvos (Hy Lạp) Cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là thành viên Mạng lưới công viên địa chất Toàn cầu. Từ năm 2009 Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã thành lập Đầu mối quốc gia về công viên địa chất Toàn cầu Việt Nam. Đến năm 2016 Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã nâng cấp Đầu mối quốc gia này thành Tiểu ban Chuyên môn về công viên địa chất Toàn cầu của Việt Nam. Đồng thời cũng trong năm 2016, Mạng lưới công viên địa chất Việt Nam đã được thành lập, với thành viên là công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và một số công viên địa chất các tỉnh khác. Ngày 22.12.2015 Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thành lập công viên địa chất Non Nước Cao Bằng và tháng 4.2018 công viên địa chất này được công nhận là công viên địa chất Toàn cầu UNESCO. Công viên địa chất thứ ba của Việt Nam - công viên địa chất Đắk Nông - được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông thành lập ngày 31.12.2015 và tháng 7.2020 được công nhận là công viên địa chất Toàn cầu UNESCO tháng 7.2020. Công viên địa chất thứ tư của Việt Nam - công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thành lập ngày 31.12.2015, đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO tháng 11.2019.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Thông tư số 50/2017/TT-BTNMT ngày 30/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất và công viên địa chất.
  2. Website về CVĐC Toàn cầu UNESCO: http://www.unesco.org/new/en/ natural-sciences/environment/earth-sciences/unesco-global-geoparks/