Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Công ty Đông ẤN Hà Lan (1602 - 1799)
Cờ hiệu Công ty Đông Ấn Hà Lan
Xưởng đóng tàu của công ty Đông Ấn tại Amsterdam, Hà Lan.
Cổ phiếu ngày 26/9/1606 của công ty Đông Ấn Hà Lan

Công ty Đông ẤN Hà Lan (1602 - 1799) tên gọi của công ty thương mại của Cộng hòa Hà Lan để mở rộng hoạt động thương mại và ảnh hưởng ra toàn thế giới thời sơ kỳ cận đại, với tên gọi chính thức là Công ty Đông Ấn thống nhất, tên tiếng Hà Lan là Vereenigde Oost-Indische Compagnie, viết tắt là VOC.

Là thành quả lâu dài của việc Liên hiệp 7 tỉnh vùng đất thấp đấu tranh giành độc lập trước Tây Ban Nha và tìm cách khẳng định quyền lực thương mại trên thế giới. Thành lập ngày 20.3.1602 với tư cách là một công ty được ban Hiến chương để buôn bán với Đông Ấn trong thời hạn 21 năm. Bị giải tán năm 1799. Thực hiện được hơn 1 triệu chuyến buôn đến châu Á, nhiều hơn toàn bộ số chuyến buôn của các công ty châu Âu khác cộng lại trong cùng thời gian.

Thương mại hương liệu giữa châu Âu và châu Á bùng nổ ở thế kỷ XVI và nằm dưới sự thống trị của người Bồ Đào Nha. Người Hà Lan tham gia vào thương mại hương liệu trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Năm 1599 chuyến tàu đầu tiên của Hà Lan đến quần đảo hương liệu nhằm phá bỏ sự thống trị của Bồ Đào Nha. Năm 1601, hạm đội 5 tàu Hà Lan trục xuất hạm đội 30 tàu Bồ Đào Nha khỏi Bantam, thúc đẩy sự ra đời của VOC năm 1602.

Được ban độc quyền buôn bán ở vùng đất giữa Mũi Hảo Vọng và eo Magellan. Có quyền thay mặt chính phủ để đàm phán, ký kết các hiệp ước về thương mại, ngoại giao với chính quyền bản địa. Được phép xây dựng khu đồn trú, duy trì quân đội, tiến hành các hoạt động quân sự nhằm xác lập, duy trì vị thế, ảnh hưởng của Hà Lan ở châu Á. Được thực hiện các chức năng quản lý thông qua các nhân viên trung thành với chính phủ.

Xây dựng 6 phòng thương mại của công ty ở 6 thành phố khác nhau: Amsterdam, Middelburg, Enkhuizen, Hoorn, Delft và Rotterdam. 17 người trong Ban Giám đốc, gọi là Heeren Seventien, đóng ở Amsterdam, được bầu từ chính quyền nơi đặt 6 phòng thương mại. Amsterdam có 8 người, Zeeland là 4 người, mỗi phòng còn lại có 1 người; suất thứ 17 hoặc thuộc về Zeeland hoặc chọn ngẫu nhiên ở các phòng thương mại nhỏ.

Jan Pieterszoon Coen, Giám đốc VOC, đề xuất sử dụng bạo lực trong cách thức hoạt đông của công ty năm 1614 khi mới 28 tuổi. Ban đầu có được 150 tàu buôn, 50.000 nhân viên và 10.000 lính trải rộng ở châu Á. Thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm hất cẳng người Bồ Đào Nha khỏi các thương cảng quan trọng tại châu Á; gây chiến tranh với chính quyền những vùng sở tại để đạt được tham vọng độc quyền thương mại. Đầu thế kỷ XVIII, dần chuyển từ công ty thương mại sang một tổ chức xâm lược, cai trị thuộc địa.

Thương điếm đầu tiên là Bantam ở phía tây Java, Indonesia năm 1603. Năm 1605, pháo đài của Bồ Đào Nha ở Ambon (Maluku) rơi vào tay VOC, mở đầu cho việc mở rộng lãnh thổ của Hà Lan ở châu Á. Đuổi người Anh khỏi các thương điếm ở Indonesia và tiến hành các hoạt động thuộc địa hóa các đảo ở đây trong thập niên 1620s. Malacca rơi vào tay VOC năm 1641.

Tại Đông Á, xây dựng pháo đài Zelandia ở Đài Loan năm 1624 để buôn bán gián tiếp với Trung Quốc thông qua các thương nhân bản địa và hệ thống thuyền buồm của họ. Năm 1639, đạt được độc quyền buôn bán ở Nhật Bản – trở thành nước châu Âu duy nhất được phép hoạt động ở đây.

Tại Ấn Độ Dương, lần lượt chiếm các vùng đất dưới ảnh hưởng của Bồ Đào Nha: Batticaloa (1638), Trincomalee (1639), Negombo (1640), Ceylon (1640), Galle (1640-1644), Colombo (1656), Jaffna và Mannar (1658). Tại Ấn Độ, có được chỗ đứng chân ở duyên hải Coromandel: lãnh thổ Pulicat (năm 1610). Năm 1659, chiếm Nagapattinam từ người Bồ Đào Nha, năm 1663 chiếm Cochin; thiết lập 2 hành dinh lớn là Surat (1615) và Hugli (1632). Tổng cộng, xây dựng thương điếm và thuộc địa ở Đài Loan, Nhật Bản, Xiêm, Burma, Ấn Độ, Ceylon, Yemen, Persia, và Mũi Hảo Vọng.

Là công ty thực hiện cả hoạt động thương mại, xâm lược và khai thác thuộc địa từ sớm bằng cách xây dựng các đồn điền, mua nô lệ làm việc. Các đồn điền tiêu biểu ở quần đảo Banda, Ambon, Ternate, Tidore, Bacan, Batavia, và Ceylon.

Giai đoạn phát triển của VOC trùng khớp với thời kỳ hoàng kim của Hà Lan (Dutch Golden Age) khi thương mại, kỹ thuật, quân sự và nghệ thuật luôn đứng đầu thế giới. Độc quyền về hương liệu tại Moluccas và hồ tiêu ở Bantam, Sumatra và thu được lợi nhuận khổng lồ nửa đầu thế kỷ XVII. Chở bạc từ các mỏ của người Tây Ban Nha ở Peru sang châu Á đổi lấy hàng dệt may, lụa ở Ấn Độ, Trung Quốc, hoặc hương liệu, gia vị ở Đông Nam Á rồi mang chúng trở về châu Âu. Là công ty hùng mạnh, giàu có nhất thế giới, hoạt động trong nhiều ngành khác nhau tính đến cuối thế kỷ XVII, 3/4 trong tổng số tàu thuyền châu Âu hoạt động ở châu Á giai đoạn này thuộc về VOC.

Giảm sút lợi nhuận của công ty bắt đầu từ năm 1670 khi Nhật Bản cấm xuất khẩu bạc, thương mại gián tiếp với Trung Quốc bị đình trệ. Ba lần chiến tranh với Anh làm suy giảm tiềm lực của VOC trong khi các công ty châu Âu khác phát triển. Nhu cầu gia vị, hương liệu của châu Âu thay đổi làm VOC giảm giá trị. Thị trường cho đường Indonesia gặp phải cạnh tranh từ các sản phẩm của Brazil. Việc tiến hành chiến tranh quá nhiều khiến lợi nhuận kinh tế của VOC không cáng đáng nổi chi phí quân sự.

Mất nhiều thị trường và thuộc địa ở châu Á sau chiến tranh Anh-Hà Lan lần 4 (1780-1784). Lâm vào khủng hoảng với nợ nần trước đó, chính phủ Hà Lan phải hỗ trợ VOC. Năm 1796, bị ép chuyển giao quyền lực và hoạt động sang Hội đồng các vấn đề về thương mại và thuộc địa ở Đông Ấn. Hiến chương của VOC kết thúc cuối năm 1799, chấm dứt 2 thế kỷ hoạt động của công ty xuyên quốc gia lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. C.R. Boxer, Dutch Merchants and Mariners in Asia, 1602-1795 (Thương nhân và thủy thủ Hà Lan tại châu Á, 1602- 1795), Collected Studies Series, London, 1988.
  2. Robert Parthesius, Dutch Ships in tropical waters: The development of the Dutch East India Company (VOC) shipping network in Asia 1595-1660 (Thuyền buôn Hà Lan tại khu vực nhiệt đới: Sự phát triển của hệ thống thuyền buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan tại châu Á, 1595-1660), Amsterdam University Press, Amsterdam, 2010.
  3. Adam Clulow, Tristan Mostert (eds.), The Dutch and English East India Companies: Diplomacy, Trade and Violence in early modern Asia (Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh: Ngoại giao, Thương mại và Bạo lực trong thời sơ kỳ cận đại châu Á), Amsterdam University Press, Amsterdam, 2018.