(1000 từ)
Trung tâm Văn hóa Pompidou ở Paris - Pháp (Công trình công cộng đa chức năng)
Nguồn: Trung tâm Văn hóa Pompidou www.centrepompidou.fr
Công trình công cộng, tùy theo thể loại, là công trình phục vụ nhu cầu sử dụng của một hoặc một vài nhóm đối tượng, hoặc không hạn chế đối tượng (toàn thể cộng đồng). Mỗi công trình công cộng có công năng nhất định và là địa điểm thường tập trung đông người. Công trình công cộng nhìn chung đòi hỏi vốn đầu tư lớn và trong đa số các trường hợp yêu cầu tính thẩm mỹ cao bên cạnh công năng sử dụng tốt. Do đó công trình công cộng được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào bộ mặt kiến trúc đô thị, hơn nữa là những điểm nhấn trong đô thị hay là biểu tượng của đô thị, thậm chí là của cả một quốc gia, chẳng hạn như nhà hát Ô-pê-ra Xít-ni (Opera Sydney) của nước Úc. Những tiến bộ mới nhất trong khoa học công nghệ xây dựng như kết cấu, vật liệu, … hay được áp dụng cho công trình công cộng. Công trình công cộng đa chức năng là một xu hướng thiết kế không mới trên thế giới, tuy nhiên vẫn chưa được chú trọng phát triển ở Việt Nam vì nhiều lý do như quan điểm thiết kế còn hạn chế, vốn đầu tư thấp, … Nhu cầu sử dụng trong thực tế là có. Thay vì xây dựng một công trình đa chức năng hoặc một cụm nhiều công trình đơn chức năng trong một khu đất, người ta lại bố trí các công trình đơn chức năng đó rải rác ở nhiều nơi trong thành phố. Đó là một bất cập trong công tác quy hoạch và xây dựng mà nhiều đô thị ở Việt Nam đang gặp phải.
Lợi ích của công trình công cộng đa chức năng, hoặc một quần thể hợp nhóm từ nhiều công trình đơn chức năng là điều mà ai cũng có thể thấy rõ:
- Tiết kiệm quỹ đất xây dựng, đặc biệt là trong các đô thị lớn, nơi tấc đất là tấc vàng
- Sử dụng chung cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống kỹ thuật điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, nên hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn
- Cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn phong phú, sử dụng thuận tiện và linh hoạt, rút ngắn quãng đường di chuyển, giảm áp lực giao thông, tiết kiệm thời gian đi lại không cần thiết
- Có nhiều phương án tổ hợp hình khối công trình, tăng vẻ đẹp cho kiến trúc đô thị.
Trong điều kiện diện tích đất cho phép có thể tổ hợp nhiều công trình đơn chức năng thành một quần thể đa chức năng, được liên kết với nhau bởi hành lang và những không gian chung như sảnh, giải khát, … xen kẽ với sân vườn, tiểu cảnh, tạo nên một mật độ xây dựng hợp lý và đạt được sự gắn kết hài hòa giữa công trình và thiên nhiên.
Còn nếu khu đất xây dựng không đủ rộng thì giải pháp hợp khối và chồng tầng được lựa chọn. Để giảm bớt cảm giác nặng nề và đồ sộ của công trình, thủ pháp đặc – rỗng (đục thủng một khối đặc ở những vị trí nhất định theo quy luật hoặc ngẫu hứng tùy theo ý đồ sáng tác của kiến trúc sư) và/hoặc giật cấp hay được áp dụng, qua đó làm hình khối công trình phong phú và sinh động hơn, đồng thời tăng cường sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên cho các phòng chức năng quan trọng.
Cơ sở để tổ hợp là những công trình có chức năng gần nhau hoặc có liên quan với nhau, tạo thành một chuỗi, một cụm hay một mạng lưới, tùy thuộc vào số lượng công trình cũng như hình dáng của khu đất. Trong mọi trường hợp cần nghiên cứu kỹ khu đất và tận dụng những ưu thế của khu đất về vị trí, địa hình, khí hậu, … hạn chế thay đổi trạng thái tự nhiên, tránh can thiệp sâu làm biến dạng cảnh quan.
Một số ví dụ về sự kết hợp các chức năng:
- Bãi đỗ xe ngầm – siêu thị – nhà hàng – café giải khát – trung tâm vui chơi giải trí – khách sạn – văn phòng cho thuê – dịch vụ tiện ích đi kèm như bảo hành, sửa chữa đồ, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, …
- Sân vận động – nhà thi đấu đa năng – bể bơi có mái che (bơi theo làn, nhảy cầu, bơi nghệ thuật, bóng nước, …) – sân thi đấu và sân chơi ngoài trời – bể bơi ngoài trời – trường đua (đua xe, đua ngựa, …)
- Câu lạc bộ (chia thành nhiều nhóm theo từng bộ môn, chẳng hạn như vẽ, điêu khắc, nặn tượng, văn thơ, nhạc, kịch, hát, múa, cờ, võ, đọc sách, thiên văn, ẩm thực, cắm hoa, nữ công gia chánh, …)
- Nhà hát – trung tâm chiếu phim – cung hòa nhạc – rạp xiếc – thư viện – bảo tàng – triển lãm nghệ thuật.