Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Công thức truyền miệng

Công thức truyền miệng là tên gọi những cách diễn đạt trong truyền thống truyền miệng đã được công thức hóa, có thể lắp vào các loại câu chuyện văn xuôi hoặc văn vần khác nhau.

Công thức truyền miệng là sản phẩm của nhiều thể loại truyền miệng của folklore ngôn từ như sử thi, truyện cổ, ca dao dân ca…Do các đơn vị ngôn từ của các thể loại này được sáng tác và lưu truyền trong môi trường truyền miệng, người sáng tác và người tiếp cận cần có những cụm/nhóm/modul cố định để dễ nhớ, dễ thuộc, dễ sử dụng. Đó là lí do ra đời của những công thức truyền miệng trong folklore ngôn từ.

Khái niệm này được Milman Parry (1902-1935) đưa ra để chỉ các từ/cụm từ/câu lặp đi lặp lại trong các sáng tác được coi là của Homer trong Luận án tiến sĩ của ông năm 1928 và các bài viết sau đó [Studies in the Epic Technique of Oral Verse-Making: Homer and Homeric Style (1930) và Studies in the Epic Technique of Oral Verse-Making: II. The Homeric Language as the Language of an Oral Poetry (1932)]. M. Parry cho rằng, trong các sáng tác của Homer như Iliad và Odyssey, xuất hiện nhiều từ/cụm từ/câu cố định như những công thức và những người sáng tác/diễn xướng sử thi đã dùng chúng như những công cụ để có thể nhớ một khối lượng lớn các câu thơ, các câu chuyện. Từ đó, M. Parry đưa ra giả thuyết rằng các sử thi Iliad và Odyssey là sản phẩm của một truyền thống truyền miệng (oral tradition) Hy Lạp có từ trước Homer và được lặp đi lặp lại qua thời gian.

Giả thuyết này đã được ông kiểm chứng và phát triển thành lý thuyết công thức truyền miệng (oral formulaic theory) sau khi ông cùng với học trò của mình là Albert Lord (1912-1991) trực tiếp tiến hành sưu tầm từ các nghệ nhân người Secbi và Croat (oral traditional poetry in Serbo-Croat) ở Nam Tư trong các năm từ 1933-1935. Tính đến thời điểm đó, tài liệu mà M. Parry và A. Lord sưu tầm là tài liệu trực tiếp từ người diễn xướng có khối lượng đồ sộ nhất. Từ việc phân tích trên định lượng hơn chục nghìn bài thơ, trong đó có bài có tới 13.000 câu, kết luận của M. Parry về việc sử dụng công thức trong thơ ca truyền miệng là rất thuyết phục. Hiện nay, toàn bộ tài liệu sưu tầm của hai ông gồm các bản ghi âm và bản ghi chép hiện đang được lưu giữ tại thư viện của Đại học Harvard. Sau cái chết đột ngột của Milman Parry, A. Lord đã tiếp tục mở rộng sưu tầm các sử thi và thơ truyền miệng ở bán đảo Balkan và hoàn thiện lý thuyết về công thức truyền miệng, được gọi là lý thuyết Milman Parry - Albert Lord (Milman Parry - Albert Lord theory). Lý thuyết này đã khẳng định có một hệ thống mang tính công thức gồm các khuôn mẫu câu/từ, các chương đoạn hoặc các dạng câu chuyện được các nghệ nhân sử dụng lặp đi lặp lại trong diễn xướng của mình. Hiện tượng này xảy ra đối với các nghệ nhân ở các vùng khác nhau trên thế giới. Lý thuyết này được coi là có đóng góp quan trọng trong việc hiểu cách thức sáng tác và lưu truyền các hình thức sáng tác truyền miệng nói chung. Kết quả nghiên cứu của A. Lord được thể hiện trong công trình Nghệ nhân của câu chuyện (The Singer of Tales, 1960).

Từ cuối thế kỷ XX, việc sử dụng lý thuyết công thức truyền miệng được áp dụng trong nghiên cứu truyền thống truyền miệng ở nhiều nước trên thế giới. Ở Hoa Kỳ, vào năm 1986, Trường Đại học Missouri đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Truyền thống truyền miệng (Center for Studies in Oral Tradition); ở đây, ngoài các bài viết về truyền thống truyền miệng được công bố trên Tạp chí Truyền thống truyền miệng (Journal Oral Tradition), các seri sách về công thức truyền miệng đã được xuất bản như: The Albert Bates Lord Studies in Oral Tradition (17 tập), Voices in Performance and Text (3 tập), Poetics of Orality and Literacy (2 tập).

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu ở thập kỷ 60 của thế kỷ XX đã chỉ ra việc sử dụng các “yếu tố trùng lặp” hoặc các “công thức ngôn ngữ” trong ca dao; các công trình nghiên cứu thế kỷ XXI đã vận dụng lý thuyết “công thức truyền miệng” của Parry-Lord để nghiên cứu các khuôn mẫu diễn đạt được lặp đi lặp lại trong kho tàng sử thi Tây Nguyên. Các nhà nghiên cứu chỉ ra sự lặp lại của công thức mở đầu như “ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ, có hai anh em nhà kia…” trong truyện cổ tích; các đoạn mô tả về sự trù phú của buôn làng, vẻ đẹp của các cô gái hay sự dũng mãnh của các chàng trai trong sử thi Tây Nguyên; các cụm từ mở đầu như “Thân em như…” hay các câu cố định như “Làng Ngọc Hà vừa trong vừa mát, đường Ngọc Hà lắm cát dễ đi” trong ca dao. Các công thức truyền miệng này dễ dàng được vận dụng trong việc kể truyện cổ tích, diễn xướng sử thi hay trong các cuộc hát đối đáp. Các nghiên cứu về chức năng nhân vật truyện cổ tích với một số công thức như “nhân vật chính rời nhà ra đi”, “đánh tráo thân phận”, “giết yêu quái cứu người đẹp”, “người anh gian dối bị trừng phạt, người em hiền lành được hưởng hạnh phúc”…cũng là các công thức truyền miệng được sử dụng khá phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ. Các nghiên cứu của Đặng Văn Lung về yếu tố trùng lặp trong ca dao trữ tình, của Chu Xuân Diên về các motif trong truyện cổ tích, của Phan Đăng Nhật, Đỗ Hồng Kỳ về các yếu tố trùng lặp trong sử thi là các công trình bàn về các công thức truyền miệng trong folklore ngôn từ ở Việt Nam.

Thực tế này cho thấy lý thuyết công thức truyền miệng vẫn được sử dụng một cách có hiệu quả trong các sáng tác truyền miệng ở mọi nền văn hóa trên thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Parry, Milman, “Nghiên cứu kỹ thuật sáng tác thơ truyền miệng của sử thi: I. Homer và phong cách Homer” (Studies in the Epic Technique of Oral Verse-Making: Homer and Homeric Style (Harvard Studies in Classical Philology, Vol.41 (1930), pp. 73-147 (75 pages), Published By: Department of the Classics, Harvard University)
  2. Parry, Milman, “Nghiên cứu kỹ thuật sáng tác thơ truyền miệng của sử thi: II. Ngôn ngữ Homer với tư cách là ngôn ngữ thơ truyền miệng” (Studies in the Epic Technique of Oral Verse-Making: II. The Homeric Language as the Language of an Oral Poetry, Harvard Studies in Classical Philology, Vol.43 (1932), pp. -50 (50 pages), Published By: Department of the Classics, Harvard University
  3. Lord, Albert B. The Singer of Tales, Cambridge: Harvard University Press, 1960.
  4. Đặng Văn Lung, “Yếu tố trùng lặp trong ca dao trữ tình”, Tạp chí Văn học, H, số 10/1968
  5. Parry, Milman. The Making of Homeric Verse: The Collected Papers of Milman Parry [Việc làm thơ Homer: Các bài báo chọn lọc của Milman Parry], Ed. Adam Parry. Oxford: Clarendon Press, 1971.
  6. Foley, John Miles. Oral-Formulaic Theory and Research: An Introduction and Annotated Bibliography [Lý thuyết công thức truyền miệng và nghiên cứu: Nhập môn và tài liệu tham khảo trích dẫn], New York: Garland, 1985.
  7. Chu Xuân Diên, Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản, 1989.
  8. Phan Đăng Nhật (1999), Vùng sử thi Tây Nguyên, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1999.
  9. Đỗ Hồng Kỳ, Văn học dân gian Ê Đê, Mơ Nông, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2008.