Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Công tác tăng gia sản xuất trong Quân đội

Công tác tăng gia sản xuất trong Quân đội các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, tạo ra các sản phẩm lương thực, thực phẩm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bảo đảm ăn, uống, sinh hoạt cho bộ đội trong cả thời bình và thời chiến.

Ngày 3.9.1945, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ buổi đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày một chủ trương phát động phong trào tăng gia, sản xuất để chống nạn đói. Khẩu hiệu “tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa” được nhân dân cả nước, lực lượng tự vệ và bộ đội nô nức thực hiện.

Trong Kháng chiến chống Pháp, để tăng thêm nguồn vật chất, giảm bớt gánh nặng đóng góp của nhân dân, ngay từ những năm đầu kháng chiến, bộ đội ta trên các chiến trường đã nghiêm túc thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về đẩy mạnh tăng gia, sản xuất tự túc. Phong trào tăng gia, sản xuất từng bước phát triển cả về tổ chức, quy mô, hình thức và được lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội đặc biệt quan tâm. Kết quả Công tác tăng gia sản xuất góp phần cải thiện đời sống bộ đội; tạo ra một lượng vật chất quân nhu tại chỗ, cung cấp kịp thời cho bộ đội và giải quyết một phần nạn đói trong nhân dân. Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-54, để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho chiến dịch, cùng với nguồn cung cấp của Chính phủ và nhân dân, phong trào tăng gia, sản xuất tự túc ở các đơn vị trong toàn quân được đẩy mạnh, điển hình là các đơn vị quân đội ở Bình Trị Thiên, Liên khu 4, Nam Bộ. Trong Kháng chiến chống Mỹ, phong trào tăng gia, sản xuất tiếp tục phát triển rộng khắp. Tháng 12.1969, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết về quân đội tích cực sản xuất tự túc, thực hiện một phần tại chỗ, cải thiện đời sống cho bộ đội. Ngày 26.5.1974, Cục Sản xuất thuộc Tổng cục Hậu cần được thành lập. Cục Sản xuất có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Tổng cục nghiên cứu, chỉ đạo việc quân đội tham gia xây dựng kinh tế tự túc. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, các đơn vị cấp sư đoàn tổ chức một bộ phận phía sau để tăng gia, sản xuất tự túc rau xanh đưa lên tuyến trước. Ngày 21.1.1980 Phòng Sản xuất nông nghiệp thuộc Cục Quân lương được thành lập, có chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý Công tác tăng gia sản xuất và chăn nuôi trong toàn quân. Đầu năm 1982, thành lập lại Cục Sản xuất trực thuộc Tổng cục Hậu cần. Trong năm 1982, Công tác tăng gia sản xuất được quan tâm hơn, nhiều đơn vị ở chiến trường C (Lào), K (Campuchia), tuyến 1 tự bảo đảm được 60-70% lương thực, thực phẩm, có đơn vị bảo đảm được 100% rau xanh, đưa vào ăn thêm 10-20 g thịt/người/ngày.

Từ đầu năm 1989, Nhà nước thực hiện cơ chế một giá, việc tăng gia, sản xuất có chiều hướng giảm. Giữa năm 1989, việc bảo đảm định lượng ăn cho bộ đội gặp nhiều khó khăn, nên các đơn vị rất quan tâm và chú trọng đến Công tác tăng gia sản xuất. Lúc đầu là sản xuất nhỏ lẻ quanh bếp, quanh vườn theo phân đội, dần dần được sản xuất theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) gắn với bếp ăn tập trung cấp tiểu đoàn, đại đội. Tháng 8.1989, Cục Sản xuất đã tổ chức Hội nghị đầu bờ rút kinh nghiệm về Công tác tăng gia sản xuất và khẳng định mô hình sản xuất VAC gắn với bếp ăn là cần thiết và có hiệu quả. Ngày 24.2.1990, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 57/QĐ-QP về đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần để thực hiện trong toàn quân, chuyển từ cung cấp bằng hiện vật sang cơ chế tiền tệ hóa để góp phần khuyến khích đẩy mạnh Công tác tăng gia sản xuất trong quân đội.

Ngày 27.5.1997, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập lại Cục Quân nhu trên cơ sở sáp nhập các cục: Quân lương, Quân trang, Sản xuất. Về nhiệm vụ Công tác tăng gia sản xuất, Cục Quân nhu chủ trương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho các chương trình 327, 773, xây dựng trạm, trại tập trung, đồng thời tận dụng đất đai, ao hồ, mặt nước và thế mạnh của từng địa phương nơi đóng quân, đẩy mạnh Công tác tăng gia sản xuất theo mô hình VAC; xây dựng các loại vườn rau chuyên canh của trung đoàn, sư đoàn; phấn đấu tự túc rau xanh, kể cả lúc giáp vụ. Năm 1998, Cục Quân nhu chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân mở rộng áp dụng Công tác tăng gia sản xuất theo mô hình 5 vườn, 3 giàn, 2 chuồng. Từ năm 2001, phong trào tăng gia, sản xuất tự túc của toàn quân tiếp tục phát triển với những hình thức và mức độ khác nhau. Cùng với phát triển Công tác tăng gia sản xuất phân tán theo mô hình VAC gắn với bếp ăn tập trung cấp tiểu đoàn và tương đương, các đơn vị đẩy mạnh phát triển tăng gia sản xuất theo hình thức tập trung. Nổi lên là mô hình “6 vườn, 3 giàn, 3 chuồng, 2 ao” ở Quân khu 1; mô hình 5 cơ bản của Quân khu 2: “vườn cơ bản, giàn cơ bản , ao - chuồng cơ bản, trạm chế biến cơ bản, đường nội bộ cơ bản”. Đầu năm 2004 Cục Quân nhu và quân nhu các đơn vị đã tập trung chỉ đạo các đơn vị xây dựng hoàn chỉnh các khu tăng gia, sản xuất ở các cấp theo hướng: khu tăng gia, sản xuất cấp tiểu đoàn và tương đương gắn với bếp ăn tập trung; khu Công tác tăng gia sản xuất cấp trung đoàn và tương đương đẩy mạnh thâm canh, chuyên canh, cung cấp cây, con giống cho cấp tiểu đoàn, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi đa dạng các loại sản phẩm... gắn với trạm chế biến giết mổ tập trung; khu Công tác tăng gia sản xuất cấp sư đoàn và tương đương (tỉnh, thành phố) phát triển cây công nghiệp, cây lấy gỗ, kết hợp với tham gia các dự án chăm sóc thủy hải sản, trồng rừng... Các khu sản xuất chăn nuôi tập trung của từng cấp đều được gắn với căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương trên từng địa bàn phù hợp với yêu cầu chung.

Hiện nay, Công tác tăng gia sản xuất đang được các cấp, các ngành từ Bộ Quốc phòng đến đơn vị cơ sở quan tâm chỉ đạo phát triển cả chiều rộng và bề sâu. Tất cả các đơn vị đóng quân trên các vùng miền khác nhau đều tiến hành Công tác tăng gia sản xuất với quy mô và hình thức phù hợp để khai thác tiềm năng, thế mạnh của điều kiện tự nhiên và nguồn lao động của đơn vị. Tuy nhiên công tác Công tác tăng gia sản xuất còn bộc lộ một số điểm hạn chế: tổ chức sản xuất chưa thực sự khoa học, sản xuất kém bền vững, còn hiện tượng dư thừa hoặc thiếu sản phẩm trong thời gian nhất định, năng suất cây trồng vật nuôi còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, còn gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Công tác tăng gia sản xuất, đồng thời đạt được mục tiêu đề ra, bảo đảm sự phát triển bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm với giá thành hạ, chất lượng tốt phục vụ bữa ăn của bộ đội, Công tác tăng gia sản xuất cần phải thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau: quy hoạch, bố trí lại sản xuất; xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất; đào tạo cán bộ và huấn luyện kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xử lý ô nhiễm môi trường; chế biến, bảo quản sản phẩm; nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý sản xuất.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu Cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995
  2. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Quân nhu Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005
  4. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007
  5. Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009