Công sự là công trình quân sự dùng để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện vật chất, bảo đảm chỉ huy ổn định, nâng cao hiệu quả sử dụng vũ khí và phương tiện kỹ thuật, chống các phương tiện sát thương của địch.
Sự ra đời và phát triển của Công sự gắn liền với sự ra đời và phát triển của phương tiện sát thương, nhất là từ sau khi hỏa khí xuất hiện.
Theo thời gian sử dụng, có: Công sự dã chiến, Công sự lâu bền (Công sự vững chắc). Công sự dã chiến được làm trong trong quá trình chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu, có cấu tạo đơn giản, thời gian sử dụng ngắn, xây dựng bằng vật liệu tại chỗ (tre, gỗ, đất, đá) hoặc các cấu kiện chế sẵn. Công sự lâu bền thường được xây dựng từ thời bình, bằng vật liệu bền vững (bê tông, bê tông cốt thép, sắt thép, đá), sử dụng lâu dài, có trang thiết bị tương đối hoàn chỉnh, làm nòng cốt cho hệ thống công trình ở khu vực phòng thủ quan trọng và ở các sở chỉ huy các cấp. Theo công dụng, có: Công sự chiến đấu, Công sự phòng tránh. Công sự chiến đấu bảo đảm an toàn cho hoạt động chỉ huy chiến đấu và chiến đấu, như Công sự bắn, Công sự chỉ huy, Công sự quan sát (có thể là Công sự dã chiến hoặc Công sự lâu bền). Công sự phòng tránh dùng để bảo vệ người, phương tiện kỹ thuật quân sự và mục tiêu kinh tế - quân sự, các Công sự cho phòng thủ dân sự. Ở tiền tuyến, Công sự phòng tránh bao gồm: hầm ẩn nấp, Công sự cất giấu xe máy, khí tài, hầm cứu thương, thông tin... Theo tính chất bảo vệ, có: Công sự hở, Công sự kín. Công sự hở không có nắp che, cửa chắn, không có thiết bị lọc khí độc. Công sự kín có nắp và cửa chắn, có thiết bị lọc khí độc. Theo vật liệu xây dựng, có: Công sự lắp ghép, Công sự liền khối, Công sự chìm, Công sự nổi, Công sự nửa nổi nửa chìm. Theo quy mô, có: Công sự cá nhân, Công sự tập thể. Công sự cá nhân dùng cho từng người riêng lẻ; Công sự tập thể dùng cho khẩu đội, kíp trực hay phân đội nhỏ.
Vai trò của Công sự trong chiến tranh rất lớn, có thể làm giảm thương vong đáng kể cho người. Nếu ẩn nấp trong Công sự hở, số người bị thương vong giảm 5 lần khi bị đánh bom, 7 lần khi bị đạn pháo cầu vồng và 10 lần khi bị rôcket so với trường hợp số người đó ở ngoài Công sự. Công sự có nắp dày bằng đất từ 90-130 cm chống được đạn cối 80 mm nổ trực tiếp.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- ALmanach những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hóa và thông tin, Hà Nội, 1999
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007