Mục từ này cần được bình duyệt
Công nhận quốc tế

Công nhận quốc tế là sự công nhận trên cơ sở các quy phạm của pháp luật quốc tế do các quốc gia hiện hữu tiến hành đối với quốc gia mới hoặc chính phủ mới hay các chủ thể khác nhằm mục đích thiết lập với những chủ thể mới này các quan hệ chính thức hoặc không chính thức, đầy đủ hoặc không đầy đủ, thường xuyên hay tạm thời. Công nhận quốc tế còn có liên quan đến hàng loạt khía cạnh của quan hệ quốc tế được luật quốc tế điều chỉnh. Như vậy, việc nghiên cứu chế định luật quốc tế này sẽ đạt kết quả nếu phân tích và xem xét sự công nhận quốc tế trong một tổng thể các vấn đề liên quan có tính hệ thống, trong sự vận động, phát triển không ngừng của các quan hệ quốc tế, trong sự xuất hiện và thay đổi của các chiều hướng mới, các đặc thù của từng giai đoạn cho chế định luật quốc tế phức tạp này. Nếu như trước đây sự công nhận quốc gia là thể loại công nhận chủ yếu, thì nay ngoài sự công nhận quốc gia còn có sự công nhận khác rất phổ biến, đó là công nhận các chính phủ được thành lập do kết quả của việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết, công nhận các cơ quan, tổ chức của cuộc đấu tranh giải pháng dân tộc và công nhận các tổ chức quốc tế.

Trong thực tiễn, sự công nhận quốc tế không giản đơn dẫn đến việc ghi nhận một cách thuần tuý những thay đổi về quyền năng chủ thể pháp luật quốc tế đang diễn ra hoặc đã diễn ra trên trường quốc tế. Sự công nhận quốc tế đồng thời còn là sự "mời chào" đặc biệt về việc thiết lập các quan hệ pháp luật nhất định với quốc gia, chính phủ được công nhận. Hơn thế, về nguyên tắc, công nhận còn là hành vi pháp lý của hai chủ thể - quốc gia (Chính phủ) công nhận và quốc gia (Chính phủ) được công nhận. Hành vi pháp lý này làm nảy sinh quan hệ pháp lý giữa quốc gia (Chính phủ) công nhận và thực thể được công nhận. Trong quan hệ pháp lý này, các bên thực hiện những nhiệm vụ theo nhiều định hướng có thể trùng nhau hoặc cũng có thể không trùng nhau. Chủ thể mới được quốc gia (Chính phủ) đang tồn tại trước sự kiện ra đời chủ thể mới công nhận. Chính chủ thể đang tồn tại trước đó đã là người đưa ra sáng kiến về sự công nhận này. Sự xuất hiện sáng kiến này, về thực chất, là sự khởi đầu của hành vi công nhận quốc tế.

Đặc tính[sửa]

Thứ nhất: Sự công nhận quốc tế là một hành vi pháp lý - chính trị. Hành vi này có cơ sở của nó là tương quan lực lượng giai cấp trong quan hệ quốc tế và nó làm nảy sinh một số quyền và nghĩa vụ nhất định giữa các bên hữu quan.

Thứ hai: Sự công nhận quốc tế dựa trên những động cơ nhất định (chủ yếu là động cơ chính trị, kinh tế, quốc phòng... ) của giai cấp thống trị ở quốc gia công nhận.

Thứ ba: Sự công nhận quốc tế khẳng định lại quan hệ của quốc gia công nhận đối với đường lối, chính sách, chế độ chính trị, kinh tế v. v... của bên được công nhận (chủ yếu là quốc gia và chính phủ mới thành lập);

Thứ tư: Sự công nhận quốc tế thể hiện ý định của quốc gia công nhận muốn thiết lập quan hệ bình thường và ổn định trong nhiều lĩnh vực với bên được công nhận.

Phân loại[sửa]

Công nhận quốc gia[sửa]

Công nhận quốc gia mới thành lập là những thể loại cơ bản của sự công nhận quốc tế và thường gặp trong đời sống quốc tế. Thông thường sự xuất hiện của một chủ thể của pháp luật trong nước đòi hỏi phải có đủ hai yếu tố cấu thành cơ bản, đó là yếu tố vật chất và yếu tố pháp lý. Công nhận quốc tế đối với quốc gia cũng đóng vai trò nhất định trong quan hệ quốc tế. Sự công nhận đó tạo ra cơ sở pháp lý nhất định để kiến lập quan hệ giữa quốc gia công nhận và quốc gia được công nhận. Điểm khách quan này không thể bỏ qua được khi nghiên cứu sự công nhận quốc tế.

Công nhận chính phủ[sửa]

Khi một quốc gia mới được thành lập theo một trong những cách thức nói trên thì sự công nhận quốc gia mới được thành lập đó bao hàm cả sự công nhận Chính phủ của quốc gia mới. Trong trường hợp này có sự trùng hợp một cách ngẫu nhiên của hai thể loại công nhận quốc tế: công nhận quốc gia và công nhận Chính phủ mới thành lập. Ngoài trường hợp đặc biệt này ra thì hai thể loại công nhận đó là hai thể loại công nhận khác nhau, độc lập với nhau. Điều này thấy rõ khi nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế. Thông thường, các quốc gia tồn tại rất lâu dài, trái lại Chính phủ của các quốc gia đó lại thường thay đổi. Chính vì vậy mà vấn đề công nhận các Chính phủ mới thành lập thường được đặt ra, đặc biệt là ở những quốc gia có chế độ chính trị không ổn định. Về thực chất, sự công nhận Chính phủ mới thành lập có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn nhiều so với sự công nhận quốc gia mới thành lập. Sự công nhận Chính phủ mới có nghĩa là công nhận người đại diện hợp pháp cho một quốc gia chủ quyền trong sinh hoạt quốc tế, chứ không phải công nhận chủ thể mới của pháp luật quốc tế.

Trên thực tế hay trên pháp lý[sửa]

Công nhận quốc gia và công nhận chính phủ đều có hai loại: Công nhận de facto (công nhận trên thực tế) và công nhận de jure (công nhận về mặt pháp lý). Công nhận de facto đối với quốc gia là sự công nhận trên thực tế bằng các hành vi ngoại giao trong những trường hợp nhất định trong quan hệ quốc tế. Công nhận de jure đối với quốc gia là công nhận đầy đủ, kể cả việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước công nhận và nước được công nhận.

Các Chính phủ được thành lập một cách "vi hiến" được gọi là Chính phủ de facto (trong thực tế), còn các Chính phủ được thành lập "hợp hiến" được gọi là Chính phủ de jure (theo pháp lý). Việc công nhận Chính phủ de jure thường không được đặt ra trong lý luận công nhận quốc tế.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật quốc tế, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2017
  • Viện Nhà nước và pháp luật, Những vấn đề cơ bản về Luật quốc tế, H., Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995
  • Призна́ние госуда́рств и прави́тельств, Больщая Росийская Эциклопедия, Издательства "Больщая Росийская эциклопедия", Москва, 2004-2017
  • Международное право: Общая часть / Отв. ред. Р.М. Валеев, Г.И. Курдюков. М., 2011
  • Recognition in International Law: A Functional Reappraisal, The University of Chicago Law Review, Vol. 34, No. 4 (Summer, 1967), pp. 857-883 (27 pages), Published By: The University of Chicago Law Review